Ông Biden bồn chồn khi vị thế còn tệ hơn ông Trump

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý ngày càng bực bội với tình trạng không thể đảo ngược hàng loạt thách thức đang lấn át chính quyền.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)

Lạm phát tăng kỷ lục. Giá nhiên liệu tăng chóng mặt. Xung đột ở Ukraine. Tòa án tối cao sắp loại bỏ một quyền được quy định trong hiến pháp. Đại dịch COVID-19 nguy cơ tái bùng lên. Quốc hội bế tắc trong nỗ lực ban hành luật về sử dụng súng an toàn, dù đã xảy ra nhiều vụ bắn người hàng loạt.

Khi khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, Nhà Trắng rơi vào tình thế bị “trói tay” hoặc bất lực. Tinh thần của những người đang làm việc tại số 1600 đại lộ Pennsylvania đang rất thấp và họ ngày càng lo ngại rằng ông Biden có thể rơi vào tình cảnh giống như ông Jimmy Carter – vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ cũng chỉ lãnh đạo 1 nhiệm kỳ vì giá cả sinh hoạt tăng vọt và những hỗn độn trong chính sách đối ngoại.

“Đó là tình trạng mà một số tổng thống trước đây đã gặp phải. Rất nhiều thứ xảy ra trước mắt nhưng điều đó không có nghĩa là có một cây đũa thần để giải quyết. Những giới hạn đối với tổng thống không được hiểu rõ. Trách nhiệm của tổng thống lớn hơn những công cụ mà ông ấy có để xử lý”, Robert Gibbs, thư ký báo chí thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nói với Politico.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất do hãng Ipsos và ABC News thực hiện và công bố ngày 5/6 cho thấy, có đến 83% người Mỹ nói rằng kinh tế là vấn đề cực kỳ quan trọng hoặc rất quan trọng đối với họ khi họ tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay.

Theo kết quả, chỉ có 37% người trả lời ủng hộ cách Tổng thống Biden khôi phục nền kinh tế, 28% ủng hộ cách ông xử lý lạm phát và 27% ủng hộ cách làm đối với giá xăng dầu.

Tổng thống Biden đang khó chịu khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông đã xuống thấp hơn cả người tiền nhiệm Donald Trump, người mà ông Biden vẫn nhận xét trong các cuộc trò chuyện riêng tư là “vị tổng thống tệ nhất” trong lịch sử và là mối đe dọa đối với nền dân của nước Mỹ.

Ông Biden gần đây rất giận dữ khi không được báo cáo về tình trạng thiếu sữa bột ở nhiều khu vực trên cả nước, một nhân viên Nhà Trắng nắm được tình hình cho biết. Ông thể hiện sự tức giận trong hàng loạt cuộc điện đàm với các đồng minh, sau khi truyền hình đưa câu chuyện về những bà mẹ trẻ khóc vì không đủ sữa cho con ăn.

Ông không muốn bị cho là một nhà lãnh đạo chậm hành động với bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến tầng lớp lao động mà ông rất gắn bó. Vì thế, khi các trợ lý triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các công ty sữa bột, ông Biden đã bất chấp lời khuyên của các trợ lý để công khai tuyên bố rằng phải mất nhiều tuần trước khi ông được báo cáo về tình trạng thiếu sữa, dù phàn nàn dẫn đến việc đóng cửa một nhà máy sữa lớn đã được thông báo từ mấy tháng trước.

Một số trợ lý sợ rằng tuyên bố đó có thể khiến ông Biden bị cho là không sát sao, nhất là lãnh đạo các hãng sữa khẳng định rõ rằng cảnh báo về tình trạng thiếu sữa đã được đưa ra một thời gian.

Những người thân cận với ông Biden, trong đó có Đệ nhất phu nhân Jill Biden và chị gái tổng thống – bà Valeria Biden Owens, phàn nàn rằng các nhân viên Nhà Trắng không báo cáo đầy đủ với tổng thống, để ông thể hiện nhiều hơn nữa. Một người thân cận với ông kêu gọi cần “để Biden là Biden”, vì tổng thống phàn nàn rằng ông không được tương tác nhiều với cử tri. Nhà Trắng nêu ra các lý do an ninh và COVID-19 cho việc hạn chế đi lại đối với nhà lãnh đạo 79 tuổi.

“Có rất nhiều thứ ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi, không chỉ Nhà Trắng mà tất cả những ai trong cơ chế này, đều cần làm tốt hơn để nhắc nhở người dân Mỹ rằng tình hình sẽ tệ như thế nào nếu phe Cộng hòa giành được quyền kiểm soát”, Adrienne Elrod, một trợ lý cấp cao của ông Biden và từng là trợ lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, nói.

Và dù ông Biden được đánh giá cao, kể cả từ một số người thuộc đảng Cộng hòa, vì đã củng cố được liên minh chống lại Nga sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, vào mùa thu năm nay, cử tri Mỹ có thể sẽ quan tâm hơn đến dư chấn của cuộc xung đột: những căng thẳng lên chuỗi cung ứng khiến lạm phát càng tồi tệ, trong đó giá xăng dầu càng đắt hơn nữa.

Trong gần 1 tháng, ông Biden và các trợ lý suy đi tính lại việc có nên thực hiện một chuyến thăm Ả-rập Xê-út để gặp Thái tử Mohammed bin Salman hay không, sau khi ông Biden đã dùng những ngôn từ gay gắt để nói về nhà lãnh đạo thực tế ở Riyadh sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post.

Ông Biden trước đây đã gạt bỏ ý tưởng gặp vị Thái tử, cho rằng tổng thống Mỹ “cần đứng lên vì giá trị nào đó”. Nhưng gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận cần phải thuyết phục Riyadh bơm dầu nhiều hơn nữa. Vẫn chưa rõ ông Biden có thực hiện chuyến thăm này hay không.

Các trợ lý của ông Biden nhớ rất rõ tiền tệ gần đây. Các cựu tổng thống Ronald Reagan và Bill Clinton vượt qua cuộc bầu cử giữa kỳ đầy khó khăn đầu tiên rồi hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế và tái đắc cử. Nhưng hai ông George H.W. Bush và Carter chỉ dừng lại ở nhiệm kỳ đầu vì kinh tế ảm đạm và lạm phát cao.

“Ông Carter thất bại vì lạm phát, cảm giác tồi tệ về nền kinh tế và nước Mỹ đang thất bại. Ông Biden giờ nhận ra rằng thật khó để lãnh đạo khi mọi thứ đang trở nên sáng tỏ. Ông ấy không thể chỉ nói miệng, không thể chỉ phòng thủ. Ông ấy cần tấn công và thuyết phục người dân Mỹ rằng, dù có những thách thức, những ngày tốt đẹp hơn đang ở phía trước”, Douglas Brinkley, nhà sử học chuyên nghiên cứu về các tổng thống tại ĐH Rice, nhận xét.

Bình Giang

Theo Politico

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ong-biden-bon-chon-khi-vi-the-con-te-hon-ong-trump-post1444000.tpo