Ông Biden bị làm khó trong vấn đề hạt nhân Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã sử dụng chuyến công du Trung Đông vừa kết thúc để củng cố 'sức ép tối đa' của Washington lên Iran, vì vậy Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ không dễ dàng lật ngược.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (giữa) tại Israel hôm 20-11. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (giữa) tại Israel hôm 20-11. Ảnh: AP

Tại các điểm dừng chân Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia trong chuyến công du nhiều nước kéo dài 10 ngày, ông Pompeo đều khăng khăng Iran là mối đe dọa hàng đầu đối với khu vực Trung Ðông. Cả ba nước này đều có quan điểm thù địch đối với Iran. Tại Israel, Ngoại trưởng Mỹ nói rõ Washington sẽ duy trì “chính sách gây sức ép tối đa” để cô lập Tehran, đồng thời mô tả đây là chính sách “rất hiệu quả”. Ông cũng cảnh báo trong những tuần tới, Mỹ có thể sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới, chất chồng những khó khăn mà Cộng hòa Hồi giáo hứng chịu trong hai năm qua.

Nhóm P5+1 gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Ðức đã ký kết thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) với Iran hồi năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran hạn chế chương trình hạt nhân để được gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng đến năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi văn kiện vốn đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, trước khi tái áp đặt lệnh cấm vận Iran.

Khi nhiệm kỳ của ông Trump sắp kết thúc, Ngoại trưởng Pompeo thậm chí không loại trừ khả năng tấn công quân sự Iran liên quan chương trình hạt nhân nước này. Trong cuộc phỏng vấn với báo National tại UAE, quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh chủ nhân Nhà Trắng “có quyền làm những gì cần thiết để đảm bảo công dân xứ cờ hoa an toàn”. Phát biểu được đưa ra sau khi tờ New York Times loan tin Tổng thống Trump không lâu sau cuộc bầu cử Mỹ đã tính tới phương án tấn công cơ sở hạt nhân chính của Iran, nhưng rồi không tiến hành.

Trước những động thái trên, phe chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump cáo buộc ông cố ý đẩy căng thẳng lên tới mức mà ông Biden sẽ không thể nối lại đàm phán với Iran. Giới phân tích nhận định ông Biden muốn thể hiện sự mềm mỏng để tránh một cuộc leo thang nghiêm trọng với Tehran mặc dù nhiều khả năng vẫn gây sức ép lên nước này về chương trình phát triển tên lửa. Ông Biden, người sẽ nhậm chức vào ngày 20-1-2021, cho biết sẽ tái gia nhập JCPOA nếu Iran trước tiên quay trở lại tuân thủ các điều khoản và Mỹ cũng sẽ hợp tác với các đồng minh để củng cố và mở rộng thỏa thuận, nhưng đồng thời cương quyết đẩy lùi “những hoạt động gây bất ổn khác của Tehran”. Dù vậy, nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân cũng có thể sẽ đẩy ông Biden đến mâu thuẫn với Saudi Arabia.

Trong thông điệp được cho là gửi tới ông Biden ngày 22-11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng không nên quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tổng thống Trump đã từ bỏ. “Không nên quay trở lại thỏa thuận hạt nhân trước đó. Chúng ta phải theo đuổi chính sách không khoan nhượng để đảm bảo rằng Iran không phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Netanyahu kêu gọi. Thủ tướng Netanyahu lâu nay phản đối mạnh mẽ JCPOA, từng gọi đây là “thỏa thuận rất tệ” khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Cựu thứ trưởng ngoại giao thời Obama sẽ làm ngoại trưởng Mỹ?

Theo báo New York Times, ông Antony Blinken, người ủng hộ các tổ chức liên minh toàn cầu và là một trong những nhà cố vấn chính sách ngoại giao gần gũi lâu năm nhất của ông Biden, dự kiến được đề cử làm ngoại trưởng. Ông Blinken, 58 tuổi, từng là Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Ông Blinken đã đồng hành với ông Biden trong gần 20 năm qua, trong đó có giai đoạn giữ cương vị trợ lý cấp cao nhất cho ông Biden tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Ông Blinken được kỳ vọng sẽ khôi phục vị thế nước Mỹ là một đồng minh tin cậy, sẵn sàng tham gia trở lại những thỏa thuận toàn cầu và vận dụng những nỗ lực đa phương để ứng phó với Trung Quốc.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ong-biden-bi-lam-kho-trong-van-de-hat-nhan-iran-a127724.html