'Ông bác siêu nhân': Phim chuyển thể truyện tranh hấp dẫn và ý nghĩa

'Inuyashiki' với Takeru Satoh trong vai phản diện truyền tải tốt những nét cơ bản của nguyên tác manga và rất phù hợp với nhu cầu giải trí của khán giả đại chúng.

Trailer bộ phim 'Ông bác siêu nhân' "Inuyashiki" là bộ phim chuyển thể từ loạt manga nổi tiếng cùng tên của Hiroya Oku.

Thể loại: Giả tưởng, hành động
Đạo diễn: Shinsuke Sato
Diễn viên chính: Noritake Kinashi, Takeru Satoh
Zing.vn đánh giá: 7/10

Inuyashiki là phiên bản live-action của bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng cùng tên do Hiroya Oku chấp bút.

Inuyashiki là phiên bản live-action của bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng cùng tên do Hiroya Oku chấp bút.

Bộ phim Inuyashiki được chuyển thể từ loạt truyện tranh cùng tên của tác giả Hiroya Oku. Trong đó, Ichiro Inuyashiki (Noritake Kinashi) là một người đàn ông trung niên, sống cùng vợ và hai người con. Hàng ngày, ông làm công việc văn phòng tại công ty thực phẩm để chăm lo cho gia đình, sống cuộc sống bình lặng như bao cá nhân thông thường khác.

Một ngày nọ, Ichiro bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và chỉ còn sống được không quá ba tháng nữa. Công việc đình trệ, gia đình lục đục, cuộc sống chỉ còn tính từng ngày, ông trở nên chán nản và tuyệt vọng. Bầu bạn với người đàn ông lúc này chỉ còn duy nhất chú chó nhỏ Hanako mà Ichiro tình cờ nhặt được.

Trong một lần đi dạo ngoài công viên cùng Hanako vào buổi tối, ông bất ngờ bị một luồng ánh sáng bí ẩn tấn công. Tỉnh dậy vào sáng hôm sau, Ichiro nhận ra rằng bản thân đã biến đổi hoàn toàn thành người máy, đồng thời sở hữu hàng loạt siêu năng lực đặc biệt, bao gồm cả khả năng chữa trị bất cứ loại bệnh tật nào.

Với khả năng kỳ diệu của cơ thể mới, Ichiro đã giúp rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo thoát khỏi cửa tử. Việc có thể giúp ích cho đời khiến ông trở nên hoạt bát, yêu đời và trân trọng giá trị của bản thân hơn.

Nhưng điều mà Ichiro không ngờ rằng cũng trong cái đêm định mệnh ấy, còn một người khác cũng bắt đầu sở hữu năng lực đặc biệt giống mình. Chỉ có điều, hắn lại quyết định lợi dụng phép màu cho những điều tội lỗi.

Cốt truyện trung thành với nguyên tác cùng những cải biên hợp lý

Inuyashiki là tác phẩm lớn tiếp theo của nghệ sĩ truyện tranh Hiroya Oku sau Gantz. Sở hữu quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với tác phẩm nổi tiếng trước đây, nhưng Inuyashiki vẫn ghi dấu ấn nhờ ý tưởng độc đáo, tình tiết hấp dẫn, phản ánh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối một cách chân thực, cũng như đặt ra câu hỏi không hồi kết về ý nghĩa và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cuộc sống.

Do đó, việc Inuyashiki được chuyển thể thành phim người đóng (live-action) thu hút không ít sự quan tâm từ cả độc giả truyện tranh lẫn người hâm mộ điện ảnh. Đạo diễn Shinsuke Sato cũng chính là người từng chuyển thể loạt Gantz, Library Wars hay I Am a Hero (2016) lên màn ảnh lớn.

Nam diễn viên kỳ cựu chuyên trị các vai diễn hài hước Noritake Kinashi sắm vai nam chính Ichiro Inuyashiki; còn tài tử Takeru Satoh - chàng “hoàng tử” của các bộ phim dựa trên manga - tiếp tục ghi thêm vào sự nghiệp của bản thân vai phản diện khó lường Hiro Shishigami.

Bộ phim chuyển thể giữ đúng tinh thần của nguyên tác. Chỉ phần kết là có nhiều thay đổi rõ rệt do tác phẩm được xây dựng từ lúc bộ manga chưa khép lại.

Điều đáng khen ngợi đầu tiên của Inuyashiki là cốt truyện phim rất trung thành với nguyên tác truyện tranh, với các nhân vật, sự kiện chính, phụ được thể hiện đầy đủ với rất ít khác biệt. Nếu từng đọc qua nguyên tác, khán giả chắc chắn sẽ rất dễ theo dõi và dự đoán trước các sự kiện trong phim.

Còn khán giả đại chúng cũng không gặp bất cứ khó khăn gì khi theo dõi bộ phim. Inuyashiki có cấu trúc ba hồi truyền thống quen thuộc của một tác phẩm điện ảnh thông thường. Phim giới thiệu các nhân vật, tai nạn dẫn đến bước ngoặt của hai nhân vật chính, sự trưởng thành của từng nhân vật khi sở hữu siêu năng lực, rồi dẫn đến xung đột cuối cùng một cách tuần tự, rõ ràng và bài bản.

Do đó, nếu đặt Inuyashiki bên ngoài nguyên tác, khán giả đại chúng vẫn có thể dễ dàng thưởng thức bộ phim một cách độc lập, mang hơi hướm của thể loại siêu anh hùng với một vài nét chấm phá thú vị.

Dĩ nhiên, Inuyashiki vẫn phải có những sáng tạo, cải biên sao cho phù hợp với thời lượng của một bộ phim điện ảnh. Một vài tuyến truyện, nhân vật phụ không quá ảnh hưởng đến mạch truyện chính bị cắt giảm. Đặc biệt, là toàn bộ đoạn kết được rút gọn và sáng tạo mới so với nguyên tác (do thời điểm Inuyashiki bấm máy, nguyên tác truyện tranh chưa kết thúc).

Điều đó khiến bộ phim trở nên hấp dẫn và bất ngờ đối với ngay cả với những người từng theo dõi nguyên tác. Về cơ bản, đây là một vài cải biên tương đối hợp lý, giảm tải yếu tố tâm lý nặng nề, đồng thời tăng cường tính giải trí cho khán giả phổ thông.

Nhấn mạnh tình cảm gia đình

Trong nguyên tác, cả hai nhân vật bị biến đổi và sở hữu siêu năng lực - ông bác Ichiro Inuyashiki và chàng trai Hiro Shishigami - cùng là nhân vật chính. Câu chuyện của họ được xây dựng song song với hàng loạt tình huống bi kịch, trớ trêu khác nhau, dẫn đến nhiều thay đổi trái ngược bên trong bản thân mỗi nhân vật.

Thông qua sự thay đổi của mỗi người, tác giả muốn nhấn mạnh việc các nhân vật có thể tự thấu hiểu và tìm thấy ý nghĩa thực sự của bản thân, thông qua những điều mà họ làm khi sở hữu siêu năng lực.

Cùng có xuất phát điểm tồi tệ, cùng sở hữu năng lực như nhau, nhưng chỉ với từng lựa chọn rất nhỏ của bản thân mà bộ đôi rốt cuộc trở thành “hai mặt của một đồng xu”: một thiên thần - một ác quỷ.

Câu chuyện về gia đình mới là điểm trọng tâm của bộ phim chuyển thể.

Trong bộ phim chuyển thể, các nhà sản xuất đã quyết định giảm bớt các yếu tố khai thác tâm lý bên trong nhân vật. Câu chuyện về tình cảm gia đình được nâng cao và nhấn mạnh nhiều hơn, tạo thành điểm nhấn gây ra áp lực cho các nhân vật. Đây đồng thời trở thành động lực chính để mỗi nhân vật phát triển tính cách và hành động sau này.

Đây là sự thay đổi khá hợp lý, giúp khán giả đại chúng có thể cảm nhận dễ dàng hơn hẳn so với lý tưởng tìm kiếm ý nghĩa bản thân. Mâu thuẫn gia đình, con cái trong gia đình Inuyashiki được đẩy mạnh hơn, các nhân vật có nhiều đất diễn nên nổi bật và đáng nhớ hơn.

Còn bi kịch gia đình của chàng trai trẻ Hiro cũng trở thành chất xúc tác, giúp giải thích rõ ràng hơn cho mục đích hành xử của cậu. Điều này khiến khán giả có thể phần nào thấy đồng cảm với hành động của gã.

Hiệu ứng hình ảnh ấn tượng, hành động chất lượng

Là một tác phẩm giả tưởng, Inuyashiki đòi hòi công nghệ kỹ xảo hình ảnh cao cấp để thể hiện chân thực những hiệu ứng độc đáo của nguyên tác truyện tranh. May mắn thay, đội ngũ sản xuất đã hoàn thành rất tốt thách thức đó.

Phần hiệu ứng hình ảnh của bộ phim được thực hiện cẩn thận, chỉn chu và đạt mức chân thực cao. Các trường đoạn hành động bay lượn, cháy nổ đều diễn ra đẹp mắt và ấn tượng, giúp tạo nên sự kịch tính cần thiết cho bộ phim.

Phần hành động của bộ phim không quá nổi bật, với thời lượng chủ yếu dồn vào xung đột cuối cùng của hai nhân vật chính. Trường đoạn hành động diễn ra dài hơi, lôi cuốn, không hề thua kém các xuất phẩm đến từ Hollywood.

Đồng thời, bộ phim duy trì tiết tấu khẩn trương xuyên suốt nhờ các pha hành động liên quan đến tuyến truyện của nhân vật phản diện Hiro Shishigami, với phong cách hành động tàn độc và thẳng tay của gã.

Phần kỹ xảo trong phim được thực hiện hết sức chân thực.

Người yêu điện ảnh chắc chắn sẽ cảm thấy thích thú với sự thể hiện của tài tử Takeru Satoh trong vai diễn phản diện có tâm lý phức tạp. Đây là cuộc chuyển mình khá thành công, cho thấy tài tử có khả năng hóa thân đa dạng thành nhiều kiểu nhân vật. Song, bản thân Hiro có lẽ cần thêm thời lượng để chuyển biến tâm lý trở nên thuyết phục hơn.

Sở hữu nhiều ưu điểm đáng khen, nhưng Inuyashiki vẫn tồn tại một số điểm chưa trọn vẹn. Giống như nhiều tác phẩm chuyển thể từ manga, bộ phim phải đẩy nhanh tiết tấu, cũng như lược bớt tình tiết, nhân vật, sự kiện để phù hợp với thời lượng phim chiếu rạp.

Hậu quả là một số chi tiết giúp đào sâu tâm lý, xây dựng cá tính và động lực của các nhân vật không xuất hiện. Theo đó, tâm lý các nhân vật biến chuyển có phần còn vội vàng, chưa đủ thuyết phục. Đặc biệt là nhân vật Hiro, hành trình “dồn ép” anh trở thành ác quỷ còn hơi khiên cưỡng và cực đoan.

Việc nâng cao tình cảm gia đình thay vì câu chuyện tìm kiếm ý nghĩa bản thân cũng khiến cho lý tưởng của các nhân vật không còn sâu sắc như nguyên tác. Mâu thuẫn nội tại về việc bản thân có còn là con người hay không của mỗi nhân vật bỗng trở nên nhạt nhòa.

Thay vào đó chỉ là lý tưởng cứu giúp nhân loại hoặc hủy diệt thế giới để báo thù còn sáo rỗng.

Các nhân vật, đặc biệt là Hiro, có chuyển biến tâm lý gấp gáp, chưa đủ thuyết phục. Lý do bởi thời lượng của một bộ phim điện ảnh không thể truyền tải được hết một bộ manga kéo dài nhiều tập.

Một lần nữa, nhân vật chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Hiro. Ở nguyên tác, tâm lý nhân vật diễn ra rất phức tạp với bản chất lẫn lộn giữa đơn giản, hồn nhiên với vô cảm, tàn độc. Nhưng trong bộ phim chuyển thể, cậu đơn thuần chỉ muốn tàn sát tất cả vì hận thù, với tâm lý chủ yếu là lạnh lùng, vô cảm tương đối đơn điệu.

Nhìn chung, Inuyashiki là một bộ phim chuyển thể từ manga tương đối thành công và chất lượng. Tuy chưa thể đạt đến mức xuất sắc như Death Note, Rurouni Kenshin hay I Am a Hero, tác phẩm vẫn xứng đáng nhận lời khen khi biết cân đối hợp lý giữa kỳ vọng của người hâm một nguyên tác với nhu cầu giải trí của khán giả đại chúng.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Ông bác siêu nhân.

Khánh Hưng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-bac-sieu-nhan-phim-chuyen-the-truyen-tranh-hap-dan-va-y-nghia-post862283.html