Ông bác họ

Vinh là cháu họ xa của ông Tùng. Tuy là cháu họ xa nhưng Vinh với ông Tùng thân thiết với nhau còn hơn cả tình ruột thịt. Chuyện ấy xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa.

Những lúc rỗi rãi, Giám đốc Vinh thường hay trò chuyện với đám công nhân trẻ về người ân nhân của mình, tức là ông Tùng. Vinh bảo, anh được như ngày hôm nay là nhờ ông Tùng. Không giống nhiều doanh nhân thành đạt thường ít khi tiết lộ về thời trai trẻ không mấy vẻ vang của mình, Vinh lại bô bô kể với đám công nhân trẻ rằng hồi mười sáu tuổi, anh là một đứa bé bán kem rong nhếch nhác, ngày ngày thùng kem đeo lệch bên vai, mồ hôi đầm đìa lưng áo mà vẫn không đủ miếng ăn. Một lần lội qua suối lũ, trượt chân, thùng kem văng ra trôi mất. Đang ngồi ủ rũ bên bờ suối thì một ông đã đứng tuổi đến vỗ vào vai:

- Vinh! Làm sao cháu khóc?

Một câu hỏi nghe rất quen tai. Ồ! Thì ra đó là câu hỏi của những ông bụt trong truyện cổ tích. Giọng Vinh thiểu não:

- Thùng kem trôi mất rồi. Không có tiền đền cho ông chủ, cháu không biết làm thế nào. Ô, nhưng sao bác biết tên cháu?

Người đàn ông cười;

- Vinh này, cháu không biết bác nhưng bác với mẹ cháu có họ hàng với nhau đấy. Bố cháu hy sinh lâu rồi nhưng bác với bố cháu là bạn chiến đấu cùng đơn vị. Thôi, bây giờ cứ đi theo bác.

Và rồi, sau vài thỏa thuận, ít ngày sau Vinh theo ông Tùng về phố huyện, nơi có căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng của gia đình bác. Vợ mất đã lâu, bác Tùng sống cùng với cô con gái, hơn Vinh vài tuổi.

Sau hai năm học bổ túc văn hóa, bác Tùng dạy Vinh nghề in lưới, là cái nghề mà bác đã học được trong những năm còn đóng quân ở một tỉnh xa. Bác bảo:

- Cái nghề này tuy không thể làm giàu nhưng nó phù hợp với đức tính tỉ mỉ, cẩn thận của cháu.

Khi đã thành nghề, bác Tùng nhờ một người bạn đang sinh sống ở một tỉnh vừa được chia tách, giúp Vinh mở một xưởng in lưới. Bác bảo, những thành phố mới được thành lập như vậy thường rất cần đến việc in ấn. Nếu chịu khó và biết giữ chữ tín, bác tin là cháu sẽ thành công.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Quả nhiên bác Tùng nói đúng. Chỉ trong vòng ngót mười năm, Vinh đã có một cơ ngơi kha khá, có thể được gọi là một doanh nhân vượt khó và thành đạt. Nhiều lần Vinh ngỏ ý hàng tháng xin được gửi tiền để bác Tùng phụ thêm vào đồng lương hưu cho cuộc sống được tươm tất hơn, nhưng bác kiên quyết từ chối. Bác bảo cô con gái bác đã có gia đình riêng, cuộc sống rất khá giả. Đồng lương hưu của bác cũng dăm triệu, không cần tiêu gì thêm.

Nghe Vinh kể, một cậu công nhân trẻ tỏ ra cảm kích:

- Giám đốc đúng là người nhân nghĩa, có trước có sau. Nhưng bác Tùng cũng rất nghĩa khí. Làm ơn đâu cần trả ơn.

Vinh xua tay:

- Không, không! Việc bác Tùng cưu mang anh lúc hoạn nạn và việc anh tình nguyện trả ơn bác Tùng chỉ là chuyện nhỏ. Những việc như thế, người tử tế nào cũng làm được. Điều anh muốn nói với các chú hôm nay còn cao hơn nhiều, còn kì lạ hơn nhiều!

Bọn công nhân trẻ tròn mắt:

- Còn chuyện gì có thể cao, lạ hơn chuyện đó nữa hả anh?

Vinh thủng thẳng:

- Có đấy!

*

Sau một thời gian điều trị, bác sĩ cho ông Tùng biết, căn bệnh của ông nếu một tháng không có khoảng mười triệu để mua thuốc thì chắc chắn không sống quá hai năm. Vậy là vô phương cứu chữa. Lương hưu của ông ngót năm triệu, chỉ dư dật đôi chút so với mức sống tuổi già. Con gái ông dĩ nhiên là rất buồn, khẩn thiết nói với ông chồng phó giáo sư tiến sĩ: "Anh ơi, phải giúp bố tiền mua thuốc chứ, chả lẽ… Gia đình ta tuy chẳng giàu có gì nhưng…". Ông phó giáo sư ngồi lặng đi như đang suy tính những dữ liệu cần và đủ để tiến hành một đề tài khoa học lớn.

- Em nói không sai. Tổng thu nhập của gia đình ta khoảng trên hai mươi triệu một chút. Nếu đưa cho bố mười triệu thì cả nhà chỉ được chi tiêu trong vòng hơn mười triệu. Xét về mặt đạo lí thì quá chuẩn xác, nhưng nhìn trên thực tế khách quan thì không hề lô gích. Mà cái gì không lô gích thì bao giờ cũng dẫn đến thất bại. Xét trên bình diện sức khỏe, tuổi tác và qui luật sinh lí, bố đã ở cái độ xưa nay hiếm rồi.

Chuyên ngành của vị phó giáo sư là khoa học chính xác. Những luận giải của ông bao giờ cũng lô gích và đầy tính thuyết phục.

Ở tỉnh xa, Vinh đã thu nhận được tất cả những nguồn thông tin ấy. Anh về gặp ông Tùng, dứt khoát: Cháu sẽ gửi cho bác mỗi tháng mười triệu.

Ông Tùng đăm chiêu nhìn Vinh:

- Cháu đừng giấu bác là cái nghề in lưới của cháu hiện sắp hết thời. Cả cái xưởng của cháu cũng chỉ đem lại lợi nhuận không quá hai mươi triệu hàng tháng thì làm sao có thể…

Vinh nói một cách tự tin:

- Bác nói đúng, nhưng cũng xin báo cáo với bác là cháu đã có phương án nâng cấp để chuyển dần thành xưởng in ốpsét rồi.

Ngồi đăm chiêu một lúc rất lâu như để suy tính một điều gì sâu thẳm tận tâm can, rồi ông Tùng chậm rãi:

- Theo cháu thì nghề in lưới có thể tồn tại khoảng mấy năm nữa?

- Xưởng của cháu chất lượng không kém gì in máy nên chắc chắn có thể tồn tại được khoảng mười năm nữa.

Ông Tùng gật gù:

- Vậy thì được! Rất cảm ơn lòng hiếu thảo vô bờ bến của cháu. Bắt đầu từ tháng này bác sẽ nhận tiền cháu gửi về cho bác dưỡng bệnh. Vì… bác cũng rất muốn được sống để nhìn thấy những bước đi của cháu.

Lúc ấy, không hiểu bằng một cảm giác vô hình nào mà ông tin rằng mình sẽ sống ở cõi đời này chí ít là mười năm nữa, chứ không phải như lời bác sĩ nói.

Vinh sung sướng cầm tay ông Tùng:

- Vâng! Nhưng bác ơi, chính cháu mới là người phải cảm ơn quyết định này của bác. Những năm trước bác từ chối không nhận tiền làm cháu buồn lắm.

Từ đấy, hàng tháng Vinh đều đặn gửi tiền cho ông Tùng cùng sự thăm hỏi thường xuyên.

Nhiều năm sau đó, thấy ông Tùng vẫn bình an, khỏe mạnh, Vinh rất vui vì anh biết trong chuyện này anh cũng được góp một phần nho nhỏ. Vinh thường nói với vợ: "Tuy nhà mình phải tằn tiện một chút nhưng chắc chắn anh và em sẽ rất hạnh phúc vì bác Tùng vẫn sống vui sống khỏe".

Thoắt cái đã mười năm. Quả như nhận định của ông Tùng và Vinh, nghề in lưới đã hoàn toàn hết thời. Bây giờ đã tới lúc Vinh phải mau chóng mở mang, nâng cấp công nghệ. Nhưng ngặt nỗi, sự tính toán về kinh phí để phục vụ xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho công việc mới đã có những sai số đáng kể. Tất cả số vốn hiện có cộng với tiền vay ngân hàng, trên thực tế cũng phải thiếu tới trên một tỷ. Đúng lúc này Vinh lại nhận được tin ông Tùng đột ngột qua đời. Tùng cùng vợ con vội vã lên đường.

Sau đám tang, chị con gái ông Tùng gọi Vinh vào trong phòng, đóng kín cửa, đưa cho Vinh một phong bì dày:

- Đây là toàn bộ số tiền mà trước khi mất, ông dặn tôi đưa lại cho chú. Ông ghi rõ ở ngoài bì, tất cả là một tỷ bốn trăm hai mươi triệu ba trăm hai mươi sáu ngàn.

Vinh kinh ngạc đỡ gói tiền.

- Ông có viết thư để lại cho chú đấy. Tôi để trong phong bì tiền, chú mở ra mà đọc.

Vinh run run mở thư.

"Vinh yêu quí!

Bác biết là bây giờ cháu đang rất cần đến tiền. Nhưng bác phải nói ngay, tiền này không phải của bác cho đâu. Đó là toàn bộ số tiền hàng tháng cháu gửi cho bác để dưỡng bệnh cùng số lãi ngân hàng, thêm một chút nhỏ nữa là tiền nhuận bút bác dịch tác phẩm văn học cho các báo và nhà xuất bản trong mười năm qua. Tuy không quá lớn, nhưng đó chính là những đồng tiền quí giá hơn tất cả mọi đồng tiền trên thế gian này. Nó đã giúp cho bác sống thêm tới mười năm. Cháu ngạc nhiên phải không? Bác nói để cháu hiểu, nếu sử dụng tiền này để mua thuốc thì chưa chắc bác đã có thể sống vui sống khỏe đến ngày hôm nay. Bác sống chính là nhờ sự hiếu thảo vô bờ bến của cháu đấy, cháu có biết không? Thuốc cũng rất quan trọng nhưng đôi khi niềm tin yêu, tinh thần vị tha và sự tĩnh tâm, tĩnh trí trước cuộc đời mới thực sự làm cho con người trường sinh. Là một người đi lên bằng mồ hôi và nước mắt, bác tin là cháu hiểu những điều bác nói. Vĩnh biệt cháu!"

Vinh gục mặt vào bức thư, òa khóc.

*

Nghe xong câu chuyện, bọn công nhân trẻ đứa tin đứa ngờ nhưng đứa nào cũng tròn xoe mắt. Riêng Vinh thì quả quyết, những lời sau cùng của ông Tùng là một triết lí bất biến.

Truyện ngắn của Hồ Thủy Giang

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/ong-bac-ho-466731/