Ông Assad ngăn Nga can thiệp nội trị Syria thời hậu IS?

Tổng thống Assad lừng khừng cử đại diện tham gia Ủy ban Hiến pháp Syria và còn khẳng định cải cách Hiến pháp không do ý muốn nước ngoài...

Tổng thống Assad loại bỏ yếu tố nước ngoài trong cải cách Hiến pháp Syria

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình NTV của Nga vào ngày 24/6, Tổng thống Syria Bashra al-Assad đã thể hiện sự lạc quan về tình hình Syria, dù đất nước vẫn còn ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Đó là sự đoàn kết dân tộc.

“Xung đột là động lực giúp cho người dân Syria gắn kết với nhau hơn. Syria đã học được bài học quý giá từ chiến tranh. Syria giờ đây là một xã hội gắn kết hơn trước khi chiến tranh xảy ra”, ông Assad nhận định.

Theo nhà lãnh đạo đương thời của Syria, cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến chống xâm lăng và cuộc "huynh đệ tương tàn" sẽ sớm kết thúc và đất nước Syria rồi đây sẽ được tái thiết trong hòa bình.

Tổng thống Assad tự tin là trung tâm đoàn kết xã hội

Tổng thống Assad tự tin là trung tâm đoàn kết xã hội

Và Syria sẽ có những cải cách, trong đó có cải cách hệ thống chính trị, mà bắt đầu bằng cải cách Hiến pháp.

Tuy nhiên, cả việc tái thiết đất nước lẫn cải cách Hiến pháp đều phải xuất phát từ ý nguyện của người dân Syria và do người Syria tự thực hiện.

“Mặc dù chiến tranh vẫn đang diễn ra nhưng chúng tôi có đủ phương tiện cần thiết để phục hồi đất nước. Chúng tôi đảm bảo điều đó… Còn việc cải cách Hiến pháp sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn của người dân”, ông Assad cho hay.

“Cải cách Hiến pháp không phải cho chính quyền, mà xuất phát từ người dân. Nếu người dân muốn thay đổi thì chắc chắn sẽ có trưng cầu dân ý. Nếu người dân ủng hộ một bản Hiến pháp mới, chúng tôi sẽ chấp nhận”, ông Assad khẳng định.

Tổng thống Syria cũng nhấn mạnh rằng, mọi tiến trình - cải cách chính trị, cải cách Hiến pháp - diễn ra không phải do sức ép của Mỹ hay các quốc gia khác, mà phải dựa trên ý nguyện của người dân Syria.

Hiến pháp hiện tại của Syria được thông qua vào tháng 2/2012, đảm bảo cho một hệ thống chính trị mới. Từ năm 2012 đến năm 2016, Syria đã tổ chức các cuộc tổng tuyển cử trên nền tảng chính trị ấy.

Qua phát biểu của Tổng thống Assad, có thể thấy dường như nhà lãnh đạo chưa sẵn sàng cho việc soạn thảo một bản Hiến pháp mới và đặc biệt là không muốn "yếu tố nước ngoài" liên quan đến tình hình nội trị của Syria, khi tái thiết và cải cách diễn ra.

Do vậy, mặc dù ông Assad nói rằng Mỹ không thể tác động đến việc cải cách Hiến pháp của Syria, song thực ra theo nhiều nhà quan sát thông điệp của nhà lãnh đạo Syria còn hướng tới cả Nga.

Bởi tuyên bố của ông Assad về cải cách Hiến pháp được đưa ra chỉ 5 ngày sau khi quan chức cấp cao ba nước Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán về việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria và cách thức hoạt động của ủy ban này.

Xin nhắc lại, hồi cuối tháng 1/2018, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria được Nga bảo trợ đã diễn ra tại thành phố Sochi nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về tiến trình cải cách Hiến pháp và việc tổ chức các cuộc bầu cử do LHQ giám sát ở Syria.

Chính quyền Assad quyết loại yếu tố nước ngoài ra khỏi cải cách chính trị

Đại hội đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, trong đó có danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp cho Syria, còn gọi là Ủy ban Hiến pháp Syria.

Theo sự thống nhất giữa các bên, Ủy ban Hiến pháp Syria có 150 thành viên, gồm cả đại diện của chính phủ Syria cũng như phe đối lập, nhằm soạn thảo một bản Hiến pháp mới cho Syria.

Vì có nhiều nhóm đối lập tẩy chay Đại hội nên việc phe đối lập Syria chậm trễ cử đại diện tham gia Ủy ban Hiến pháp Syria là đương nhiên, tuy nhiên điều khó hiểu là cả phía chính phủ Syria cũng không tích cực cử đại diện tham gia vào ủy ban này.

Vì phải tới ngày 17/5, trong cuộc gặp Tổng thống Vladimir Putin, khi có chuyến thăm bất ngờ tới Nga, Tổng thống Bashar al-Assad mới quyết định cử một phái đoàn tham gia Ủy ban Hiến pháp Syria ở Geneva.

Như vậy, rõ ràng Damascus không thực sự mong muốn "yếu tố nước ngoài" tác động đến tình hình chính trị và đặc biệt là tình hình nội trị của Syria, trong đó có tiến trình cải cách hệ thống chính trị, mà bắt đầu bằng cải cách Hiến pháp.

Tổng thống Assad không muốn Nga can thiệp vào nội trị Syria thời hậu IS?

Không phải tới khi Ủy ban Hiến pháp Syria được thành lập tại Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria, chính quyền Tổng thống Assad mới thể hiện sự không sẵn sàng cho yếu tố nước ngoài ảnh hưởng tới việc cải cách quyền lực, cải cách Hiến pháp của Syria.

Trước đó chính quyền Damascus và cả cá nhân Tổng thống Assad đã nhiều lần thể hiện lập trường, quan điểm đó và đáng nói là tất cả đều là những phản ứng lệch pha với Moscow trong vấn đề này.

Ngày 27/5/2016, khi hãng Bloomberg loan tin Nga đã soạn xong một bản Hiến pháp mới cho Syria, Tổng thống Assad đã ngay lập tức khẳng định, không có bất cứ bản dự thảo Hiến pháp nào được trình lên nhà nước Cộng hòa Ả Rập Syria.

Nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh: "Bất cứ bản Hiến pháp mới nào dành cho Syria sẽ không được đưa ra bởi quốc gia khác, mà sẽ là của Syria, được nhất trí bởi người Syria và sau đó sẽ được trưng cần dân ý. Mọi thứ khác sẽ là vô giá trị và vô nghĩa".

Dù rất thân thiết và đồng điệu với Tổng thống Putin

Hay gần đây nhất là tại Hòa đàm Astana diễn ra vào cuối tháng 1/2017, Nga cũng đã đưa ra một bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Syria, sau khi tham vấn Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Nội dung chính của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tháng 1/2017 do Nga đề xuất cho Syria, gồm 6 Chương, 85 Điều, xác định các nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, chế độ chính trị và chế độ xã hội của nước Cộng hòa Ả rập Syria.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-assad-ngan-nga-can-thiep-noi-tri-syria-thoi-hau-is-3360698/