Ông An không mắc mưu kẻ xấu

Vừa thấy bà Loan đi chợ về tới ngõ, bà Thủy đã trách khéo: 'Bác không đem theo điện thoại à? Làm em đợi mỏi mắt từ sáng. Có việc quan trọng em muốn trao đổi với bác đây…'.

Không đợi bà Loan kịp cài cổng, bà Thủy liền lôi tuột bà Loan vào nhà, giọng bí mật: “Cô Mai nhà em ở Hà Nội vừa điện thoại về bảo anh bạn của cô ấy có mối quen có thể xin vào làm việc ngay, lương cao lại được biên chế luôn. Em thấy thằng Hào nhà bác nhanh nhẹn, tác phong chững chạc, phù hợp với việc này…”. Chả biết bà Thủy thì thầm điều gì, nhưng thấy nét mặt bà Loan giãn ra rồi cất giọng: “Để tôi trao đổi qua với ông An nhà tôi và gọi thằng Hào về luôn”.

Tối đó, ông An đang ngồi uống nước, xem ti vi thì bà Loan đon đả cất lời: “Ông ạ, có cơ hội xin được việc làm tốt cho con, nên nếu phải vay mượn thêm thì vợ chồng mình cũng cố gắng lo cho nó…”. Rồi bà Loan hào hứng kể cho ông nghe chuyện có “mối quen” xin việc vào cơ quan Nhà nước… Mặc cho ông An can ngăn, bà Loan vẫn nói giọng cương quyết: “Nhà chỉ có mỗi thằng con trai, ông không đồng ý thì tôi sẽ tự quyết. Chậm trễ là mất cơ hội…” rồi vùng vằng bỏ vào phòng riêng.

Chiều theo ý vợ và cũng muốn tìm hiểu về "cơ hội việc làm" của con trai nên ông An đồng ý cùng bà Loan đến nhà bà Thủy để gặp "đối tác". Ngay trong lần gặp đầu tiên, vợ chồng ông An đã được nghe người bạn của em bà Thủy luôn miệng khoe được cấp trên giao cho nhiệm vụ tuyển chọn nhân sự vào cơ quan… Người này còn cho vợ chồng ông xem một số công văn, giấy tờ liên quan đến việc tuyển người trong điện thoại di động. Khi ông An ngỏ ý muốn chụp lại các giấy tờ này thì người đàn ông kia nói đó là “tài liệu mật” và không cho chụp.

Nghi ngờ về quy trình tuyển dụng, ông An tìm kế hoãn binh và lựa lời nói với vợ: “Tôi đồng ý lo việc cho thằng Hào, ông Hùng hứa cho mượn thêm tiền rồi, nhưng đang vướng làm thủ tục với ngân hàng, hôm nào xong tôi sẽ trực tiếp giao tiền cho cô Thủy, bà cứ yên tâm”. Đến ngày hẹn, ông An ngỏ ý yêu cầu viết giấy biên nhận trước khi giao tiền thì em bà Thủy và người đàn ông nọ viện nhiều lý do khác nhau như là bạn thân, rồi phải… bí mật.

Thấy có nhiều dấu hiệu khả nghi, ông An tiếp tục tìm kế hoãn binh bằng cách "chưa lo đủ tiền” và hẹn một tuần sau sẽ giao đủ. Ngay sau đó, ông An cất công tìm hiểu qua mấy người bạn có con hiện đang công tác ở một số cơ quan Nhà nước, ông đều nhận được câu trả lời “không biết và không nghe có chủ trương đó…”. Nghe đến đây, ông An thấy yên tâm bởi sự cẩn trọng của mình là có cơ sở.

Vào một buổi tối nọ, khi đang ngồi uống trà với mấy người bạn bên hàng xóm thì bà Loan hớt hải chạy sang, giọng lạc đi: “Thôi chết rồi! Mình bị lừa mất tiền rồi ông ơi…” rồi thất thần ngồi bệt xuống mép sân không nói thêm được lời nào nữa.

Thì ra, chương trình thời sự trên ti vi vừa đưa tin cơ quan chức năng mới điều tra, triệt phá đường dây lừa đảo của các đối tượng tự nhận là người của cơ quan Nhà nước. Theo cơ quan điều tra, những kẻ lừa đảo đã đánh vào tâm lý cần việc làm của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo với chiêu thức tuyển dụng và chiếm đoạt tiền của hàng trăm người. Nghe đến đây, ông An thở phào nhẹ nhõm vì ông đã cảnh giác, thận trọng nên không rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

HÀ KHÁNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ong-an-khong-mac-muu-ke-xau-551811