One-shot, cảnh quay tiền tỷ trong phim Bố già

Thời điểm này, Bố già đang gây 'bão' tại các rạp chiếu. Khán giả bắt đầu tò mò về những yếu tố làm nên thành công lớn của bộ phim này.

Một trong những dấu ấn đáng nhớ của phim có lẽ là cảnh mở đầu được quay bằng kỹ thuật one-shot.

Tốn kém và cực khổ

Được biết, kinh phí cho cảnh quay này lên tới hơn 1 tỷ đồng, với gần 100 diễn viên quần chúng. Cụ thể, khung hình của cảnh phim bám theo từng nhân vật trong khu hẻm của ông Ba Sang (Trấn Thành đóng), vẽ nên bức tranh toàn cảnh về xóm lao động nghèo. Máy quay từ trên cầu Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM tiến dần vào bên trong con hẻm lao động, đi lướt qua từng ngôi nhà, khái quát chân dung từng con người, vén màn mối quan hệ nhiều bi hài của từng hộ dân. Để tạo nên sự chân thật, ngoài câu chuyện, Trấn Thành cùng ê-kip đã phải bơm nước ngập đường cho những cảnh thành phố bị ngập sau mưa.

Kỹ thuật one-shot đòi hỏi cách sản xuất tốn kém và cực khổ nên rất ít đạo diễn chọn.

Kỹ thuật one-shot đòi hỏi cách sản xuất tốn kém và cực khổ nên rất ít đạo diễn chọn.

Đây là cảnh phim hiếm hoi của màn ảnh Việt được quay chỉ bằng một cú máy (one-shot). Trên thực tế, one-shot được hiểu là việc sử dụng một máy quay để nắm bắt toàn bộ các diễn biến của tình tiết câu chuyện. Máy quay này sẽ chuyển động liên tục quanh các diễn viên để nắm bắt từng cử chỉ hành động theo yêu cầu diễn đạt của kịch bản. Người xem khi theo dõi sẽ có cảm giác như những gì xảy ra trong khung hình đang thực sự diễn ra ngay trước mắt mình.

Tại Việt Nam, phim đầu tiên sử dụng kỹ thuật one-shot là Kiều @. Trương Tuấn, đạo diễn hình ảnh của phim chia sẻ: “Kỹ thuật one-shot từng được áp dụng trong các phim đoạt giải Oscar như 1917, Birdman... Do kỹ thuật one-shot đòi hỏi cách sản xuất tốn kém và cực khổ nên rất ít đạo diễn chọn. Trên thế giới có 2 dạng phim được gọi chung là phim một cú máy. Dạng thứ nhất chỉ quay một cú máy, thời gian quay phim bằng thời gian thật của phim. Dạng thứ hai quay bằng cú máy tiếp diễn (continuous shot) để tạo thành phim một cú máy bằng dựng phim và kỹ thuật hậu kỳ.

Trong vai trò nhà sản xuất kiêm đồng biên kịch, đồng đạo diễn và nam chính, Trấn Thành đưa ra ý tưởng về cảnh mở đầu one-shot cho Bố già bởi anh luôn muốn làm những điều mới lạ. Để dàn dựng được cảnh này, đoàn phim phải phong tỏa một con hẻm dài, sử dụng cần cẩu, xe đẩy để đưa máy quay từ trên cao tiến vào trong hẻm.

Theo lời kể của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, ê-kip tập luyện cảnh này trong vài ngày, dựng bối cảnh trong 1 ngày trước khi chính thức bấm máy. Mệt nhất trong đoàn là diễn viên nhí Bảo Phúc vì bé có đất diễn khá nhiều và phải chạy, đá bóng liên tục. Quay đi quay lại nhiều lượt, Bảo Phúc mệt, sợ mình không làm nổi. Nhưng khi được yêu cầu diễn lại, cậu bé vui vẻ đồng ý.

“Cú hích” cho điện ảnh Việt

Lý giải về việc mạnh tay chi cho cảnh mở đầu phim, Trấn Thành cho biết: “Đã là phim điện ảnh, tôi muốn đẩy mạnh yếu tố nghệ thuật. Hơn nữa, muốn khán giả nhìn nhận đúng đắn hơn thì mình phải đầu tư. Hy vọng khán giả sẽ thấy được tâm huyết, tài sản, công sức của ê-kip làm phim Bố già bản điện ảnh”.

Từ “hiện tượng” của Bố già có thể thấy điện ảnh Việt hoàn toàn có khả năng làm ra những bộ phim với câu chuyện thuần Việt và được khán giả Việt đón nhận, cũng là tiền đề cho các hãng phim trong nước sản xuất những bộ phim hiện đại, kỹ thuật cao nhưng đậm màu sắc, chất liệu Việt.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ: “Thành công của Bố già thực sự đem lại cảm hứng, mục đích mới cho các nhà đầu tư, sản xuất phim lẫn đạo diễn với một dòng phim thuần Việt giàu cảm xúc. Phải có mơ mộng, phải có bùng nổ, phải có mục tiêu mới thì điện ảnh Việt mới có sự phát triển”.

Một khán giả chia sẻ: “Bố già đã thực sự tạo nên một dấu mốc đặc biệt cho điện ảnh Việt, một dấu chuyển giữa cũ và mới, phản ánh được bầu không khí riêng, tình cảm rất riêng, chạm vào trái tim của những khán giả Việt”.

Việt Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/one-shot-canh-quay-tien-ty-trong-phim-bo-gia-n188197.html