Ôn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Đừng bỏ lỡ cơ hội ghi điểm

Để đạt điểm cao môn tiếng Anh, thí sinh nên nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, rèn kỹ năng làm các câu hỏi ở mức vân dụng, vận dụng cao và phân bổ thời gian làm bài khoa học.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cô giáo Nguyễn Việt Hà, giảng viên môn tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội, chia sẻ phương pháp ôn luyện và chiến thuật làm bài để giành điểm câu hỏi dễ và không để vuột câu hỏi khó trong đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT.

Ghi điểm câu dễ

Trong đề minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2021, các câu hỏi môn tiếng Anh chia làm bốn mức độ gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cô Việt Hà nhận định, ma trận đề minh họa năm 2021 không có nhiều điểm khác biệt so với năm 2020. Các câu hỏi nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 80% trong 50 câu và thường rơi vào các dạng bài từ vựng, câu hỏi giao tiếp, liên từ...

Trong giai đoạn nước rút, thí sinh nên ôn tập lại nội dung trong sách giáo khoa lớp 12 vì phần lớn đề minh họa thuộc chương trình này. Đặc biệt đề minh họa có 6 câu, gồm câu 15, 16, 17, 20, 21, 22, đã xuất hiện trong sách giáo khoa.

Cô Hà cho biết, trong quá trình làm bài thi, học sinh dễ mất điểm các câu hỏi dễ vì tâm lý căng thẳng dẫn đến làm bài vội vàng, không đọc kỹ yêu cầu đề bài. Do đó, điều đầu tiên học sinh cần lưu ý là giữ bình tĩnh, đọc kỹ câu hỏi và yêu cầu.

Khi chọn đáp án, các em phải tự giải thích được vì sao lại chọn phương án này mà không phải là các phương án khác. Ngoài ra, cần xác định rõ các phương án sai ở đâu, do sai ngữ pháp hay ngữ nghĩa.

Đồ họa: An Nhiên.

Thận trọng với câu khó

Các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao, chiếm 20% trong đề minh họa, là cơ hội để học sinh khá, giỏi giành điểm 9, 10. Những câu này rơi vào dạng bài đọc hiểu, câu thành ngữ và câu đảo ngữ.

Để “vượt chướng ngại vật”, trong quá trình ôn tập, học sinh phải đặt mục tiêu trau dồi từ vựng và rèn luyện kỹ năng đọc nhanh, chính xác lên hàng đầu. Để làm được điều này, các em hãy bám sát vào chủ đề đọc hiểu trong sách giáo khoa; Đồng thời, luyện tập kỹ năng đọc với đồng hồ bấm giờ để làm quen với áp lực thời gian trong phòng thi. Trong quá trình luyện đề, các em hãy chuẩn bị sẵn một quyển sổ để ghi lại các từ mới hoặc cấu trúc mới.

Cô Hà gợi ý để phân bổ thời gian làm bài khoa học, thí sinh nên giải quyết các câu hỏi dễ trước nhưng cần làm cẩn thận để đảm bảo tính chính xác. Các em không nên sa đà vào những câu hỏi khó, đặc biệt với dạng bài đọc hiểu.

Lấy ví dụ từ đề minh họa năm nay, những câu hỏi khó không mang tính chất đánh đố, mức độ chỉ nhỉnh hơn số còn lại nhằm phân loại học sinh. Vì vậy, các em không nên quá lo lắng, sợ hãi khi bước vào phòng thi, dẫn đến thiếu tập trung, quyết đoán trong lựa chọn đáp án.

Ở câu hỏi vận dụng, vận dụng cao, học sinh hay nhầm lẫn dạng bài về từ trái nghĩa. Giả sử, đề bài yêu cầu chọn từ trái nghĩa nhưng nhiều em vội vàng lại khoanh đáp án là từ đồng nghĩa, dẫn đến mất điểm oan. Vì vậy, thí sinh phải đọc kỹ đề và gạch chân những từ khóa chính trong yêu cầu của đề bài.

Click vào ảnh để xem nội dung.

Ngoài ra, những câu hỏi liên quan đến từ vựng thường có 2 phương án sai, một phương án gần đúng và một phương án đúng. Thí sinh cần phát hiện nhanh đáp án sai để loại bỏ. Nhưng các em thường bối rối khi lựa chọn giữa phương án đúng và gần đúng. Cô Hà gợi ý thí sinh hãy lần lượt thay 2 phương án này vào chỗ trống, rồi căn cứ vào ngữ pháp, ngữ nghĩa để chọn ra đáp án chính xác nhất.

Với bài đọc, các em cần bám sát các chi tiết, nội dung đoạn văn và chú ý thời gian. Nhìn chung, các câu hỏi khó cần đọc kỹ và xác định đúng chi tiết để chọn đáp án phù hợp nhất. Thí sinh không nên mải mê với 1-2 câu khó mà để mất điểm ở các câu hỏi ở mức dễ, chiếm phần lớn tổng số điểm.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/on-thi-tot-nghiep-thpt-mon-tieng-anh-dung-bo-lo-co-hoi-ghi-diem-FxlGG1eGR.html