Ðón Tết cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Trong suy nghĩ của những trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, Tết là dịp được các em háo hức chờ đợi, ngóng trông. Ngày đó, các em có bánh kẹo, bánh chưng để ăn, có quần áo mới để diện, được sum vầy bên những người yêu thương.

Làng Trẻ em SOS Huế, phường Thủy Xuân, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) tổ chức cho các em nhỏ nấu bánh tét, bánh chưng đón Xuân mới.

“Gói bánh chưng xanh - Tết ấm cho em”

Còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhưng tại các trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em nghèo, mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tết đã về cả tuần nay. Mỗi em một hoàn cảnh, song hầu hết các em là những đứa trẻ không còn cha, mẹ hoặc bị bỏ rơi, khuyết tật. Bởi vậy, sự quan tâm, sẻ chia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân luôn giúp các em ấm lòng hơn mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Những ngày này, các ngôi nhà trong Làng trẻ em (phường Thủy Xuân, TP Huế) tràn ngập không khí Tết, nhà nào cũng chuẩn bị gói sẵn bánh chưng. Chị Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Làng Trẻ em SOS cho biết: Làng Trẻ em SOS phối hợp các ban, ngành, tổ chức chương trình “Gói bánh chưng xanh - Tết ấm cho em”. Ở đó, các em được trải nghiệm các công đoạn gói và nấu bánh chưng. Ðồng thời, làng trẻ luôn cố gắng tạo không khí vui tươi, đầm ấm với các hoạt động như: tổ chức văn nghệ, hoạt động thể thao như đánh cầu lông, đá bóng, thi kéo co; mua sắm cho các em nhỏ quần áo mới; tổ chức cho các em đón giao thừa, vui Xuân, đón Tết. Vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc háo hức, em Phan Thị Mỹ Thuận (14 tuổi, trẻ mồ côi tại làng SOS) hào hứng chia sẻ: “Chương trình “Gói bánh chưng xanh - Tết ấm cho em” đã cho em cảm nhận trọn vẹn được không khí Tết đang về. Chúng em cảm thấy đỡ cô đơn, tủi thân vì hoàn cảnh không may của mình”.

Năm nay, hầu hết các trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ xã hội, trẻ khuyết tật, mồ côi… tại Thừa Thiên - Huế đều tham gia liên hoan “Sắc xuân” với nhiều tiết mục biểu diễn thời trang do chính các em trình diễn. Dẫu các động tác chưa được nhịp nhàng, uyển chuyển nhưng cũng khiến khán giả xúc động.

Anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế cho biết: Trong dịp Tết năm nay, Tỉnh đoàn và Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức Chương trình “Nắng ấm mùa Xuân” năm 2019 và Hội thi biểu diễn nghệ thuật dành cho các trẻ em nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng tại chín trung tâm, cơ sở bảo trợ trẻ em trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Tại chương trình, hơn 150 trẻ em đang nuôi dưỡng tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ trẻ em trên địa bàn được vui chơi, thi ca hát, hóa trang, trang trí mâm ngũ quả và phần thi năng khiếu “Ươm mầm tài năng”, giúp các em phát triển trí tưởng tượng; hình thành và bồi dưỡng cảm xúc trước những điều hay từ cuộc sống chung quanh, nhất là Tết cổ truyền của dân tộc.

Tết đến với trẻ em vùng lũ

Bọn trẻ có thể chẳng nhớ ngày 18-11-2018 là ngày gì. Nhưng, trong trí nhớ non nớt của chúng là những hình ảnh kinh hoàng của mưa trút, của lở núi, nhà sập, người chết. Hoàn lưu bão số tám và số chín tháng 11-2018 đã làm hơn 100 ngôi nhà bị sập; 10 người chết ở xóm Núi, thôn Thành Phát và xóm Mũi, thôn Thành Ðạt, thuộc xã Phước Ðồng, TP Nha Trang. Sau thảm họa, người dân ở đây phải sơ tán đi nơi khác, bởi nguy cơ tiếp tục sạt lở núi là rất cao. Hầu hết người dân đến ở tạm trong nhà văn hóa xã. Nhiều cháu nhỏ không chịu ở nhà lạ, nửa đêm cứ khóc, nằng nặc đòi về nhà mình. Nhưng, về thì về đâu, nhà bị nước lũ cuốn trôi mất rồi. Nhà cửa không còn, sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí quần áo của các em cũng không còn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh cho biết, ở xóm Núi và xóm Mũi, người dân phần lớn thuộc diện nghèo, lên đây làm nhà ở tạm, việc làm không ổn định. Bình thường, việc học tập của các em ở đây vốn đã rất khó khăn. Thảm họa xảy ra, thành phố chỉ đạo xã Phước Ðồng bố trí chỗ ở cho người dân trong điều kiện tốt nhất có thể, trong đó, sắp xếp vị trí, lắp đèn chiếu sáng phù hợp để các em nhỏ tiện việc học hành. Cố gắng là vậy, nhưng nhiều trường hợp vẫn rất khó khăn. Chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Ngọc Hà ở xóm Núi, phải di chuyển chỗ ở rất nhiều lần. Cháu lớn đang học bậc THCS gửi nhà ngoại ngoài phường Vĩnh Phước. Vợ chồng chị cùng cháu nhỏ đang học lớp một mà cứ chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, việc học hành của cháu bị gián đoạn liên tục. “Không biết rồi cháu có theo kịp chúng bạn không?”, chị Hà lo lắng.

Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo TP Nha Trang Trần Nguyên Lập cho biết, ngay sau khi thảm họa xảy ra, chúng tôi nhanh chóng lên kế hoạch sửa chữa trường lớp, mua sắm lại trang thiết bị dạy học với kinh phí hơn năm tỷ đồng; huy động lực lượng thầy trò dọn dẹp, làm vệ sinh trường lớp. Ðồng thời, lập danh sách hỗ trợ mua sách vở, cặp cho các cháu; hỗ trợ mỗi cháu 500 nghìn đồng để mua quần áo, giày dép. Theo Chủ tịch UBND xã Phước Ðồng Ðặng Lợi, bên cạnh sự lo lắng, chăm sóc của gia đình, chính quyền, ngành giáo dục, các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện đã giúp đỡ người dân ở đây rất nhiều, trong đó có nhiều sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép cho các em. Rất nhiều hộ nghèo đã có thể cho con đi học trở lại ngay, không để các em nghỉ học kéo dài do không có sách vở, quần áo.

Chỉ còn có ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Mặc dù hậu quả của hoàn lưu bão số tám và số chín vẫn còn rất ngổn ngang, mặc dù nhiều ngôi nhà hãy còn tình trạng tạm bợ, nhưng cuộc sống người dân xóm Núi và xóm Mũi đã trở lại bình thường. Trong phiên chợ, đã thấy người dân mua măng khô, mộc nhĩ chuẩn bị cho ngày Tết. Nhiều ngôi nhà đã được sơn sửa lại, sạch hơn, đẹp hơn. Và dưới chân núi, những cây mai còn sót lại vẫn hé những chùm nụ vàng tươi, đón chào năm mới đến.

Bài và ảnh: CÔNG HẬU, PHONG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/39106402-%C3%B0on-tet-cung-tre-em-co-hoan-canh-dac-biet.html