Ớn lạnh thùng phuy đựng hóa chất 'quay vòng' dùng trong sinh hoạt

Thay vì phải thu gom, xử lý, tiêu hủy theo quy trình nghiêm ngặt, vỏ thùng phuy đựng hóa chất công nghiệp lại được tập kết về các lò súc rửa thủ công để biến thành thùng 'sạch'.

Ước tính mỗi ngày, khu vực sản xuất công nghiệp TP.HCM và vùng phụ cận đang thải ra hàng trăm tấn rác nguy hại này; ít nhất có vài ngàn thùng phuy được tái sử dụng vào đời sống, ẩn chứa những mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Súc rửa trái phép rác nguy hại

Khoảng 15 giờ, chiếc xe tải BS: 51C - 430... rời khỏi Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh). Trên xe chất những chiếc thùng phuy sơn màu xanh, đỏ. Khi ra đến QL1, xe này chạy về Q.Bình Tân, rồi vào thẳng một kho bãi nằm trên phường Bình Hưng Hòa, nơi có những đống thùng nhựa, thùng sắt nằm la liệt. Một người cho chúng tôi biết, đây là điểm súc rửa thùng phuy gom về từ các KCN lân cận. Sau khi được rửa sạch, những chiếc thùng này được đưa về kho lưu bán.

Một điểm bán thùng phuy chứa hóa chất, nhưng chưa qua súc rửa

Một điểm bán thùng phuy chứa hóa chất, nhưng chưa qua súc rửa

Trong vai chủ doanh nghiệp chế biến nước mắm ở Bình Thuận đi mua thùng phuy về phục vụ sản xuất, chúng tôi đến kho lưu của cơ sở trên theo chỉ dẫn. Đó là một bãi đất nằm giữa một khu dân cư, cách nơi tập kết thùng phuy bẩn vài cây số. Tại đây, có hàng ngàn thùng đã được súc rửa, chất chồng lên nhau cao hơn 3m. Biết ý định của chúng tôi, người quản lý tư vấn nên lấy thùng nhựa dung tích 200 lít. “Loại này bền, dễ sử dụng, lại có cả hàng Trung Quốc nên giá rất tốt” - chị ta cho biết.

Chúng tôi hỏi về chất lượng của thùng phuy Trung Quốc, chị ta nói: “Trước đây, chỉ có các loại được thu gom súc rửa trong nước thôi, nhưng gần đây do nhu cầu sử dụng tăng cao nên người ta nhập từ Trung Quốc về bán. Cơ sở chúng tôi chỉ nhận phân phối lại loại hàng này thôi, kỳ thực không biết nguồn gốc thế nào, nhưng thấy rất tốt”.

Trưa 16-4-2018, tại một con hẻm đất trên đường Nguyễn Văn Quá (P.Tân Thới Hiệp, Q12) tấp nập những chiếc xe tải ra vào. Đi sâu vào trong vài chục mét, hai bên là nhà xưởng với la liệt thùng phuy chất cao, từ ngoài cổng đến tận trong nhà. Trời nắng, nhiều chiếc thùng cáu bẩn, móp méo bị trương phình, xì bọt ở nắp, bốc mùi ngai ngái rất khó chịu.

Một ông chủ ở đây bước ra, xởi lởi: “Anh lấy nhiều lắm không? Phuy nhựa hay sắt?”. Chúng tôi nói muốn làm đại lý cung cấp thùng phuy ở khu vực miền Tây Nam bộ nên đang đi tìm hiểu, xem chỗ nào rẻ rồi mới quyết định. “Loại nhựa 200 ngàn/cái, sắt thì 160 ngàn thôi. Đảm bảo giá bán sỉ, không nơi nào có” - ông này khẳng định. Khi nghe có sơ sở đã chào giá thấp hơn, ông ta kéo chúng tôi vào trong, chỉ chỏ rồi giải thích: “Đây, thùng phuy có nhiều loại và nhiều giá. Muốn rẻ cũng có, nhưng là loại kém chất lượng, nếu dùng vào việc chứa nước, đựng thực phẩm thì không bảo đảm đâu nhé!”.

Xung quanh các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng tồn tại nhiều điểm súc rửa thùng phuy tương tự. Hai bên quốc lộ tại các khu vực này, người đi đường thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy những đống thùng phuy đủ màu, đủ loại.

Không ai kiểm soát được hàng ngàn thùng phuy rồi sẽ về đâu

Cơ sở của ông Trần Văn Đ. nằm trên đường vào xã Phước Bình (H.Long Thành, Đồng Nai) nằm giữa vườn cây. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 án ngữ phía trước khu vườn, ông Đ. cho biết, thùng phuy được mua về từ các công ty sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, sau khi rửa sạch thì xuất cho các chủ buôn bán hoặc tái sử dụng.

“Mỗi tháng tôi xuất ra khoảng 2 nghìn cái. Chủ vựa họ mua về bán cho ai, làm gì thì tôi không biết” - ông Đ. thành thật. Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, điểm súc rửa này không nằm trong danh sách các cơ sở được cấp phép thu gom, xử lý chất thải công nghiệp hay chất thải nguy hại.

Phải nghĩ đến hậu quả

Theo quy định hiện hành, các loại thùng đựng hóa chất công nghiệp, dung dịch sơn, keo dán, dầu nhớt, chất tẩy, nhuộm, thuốc trừ sâu, diệt côn trùng... là chất thải nguy hại, thuộc nhóm bao bì thải có chứa hoặc nhiễm thành phần nguy hại, phải được tập trung giao nộp và dùng giải pháp công nghệ để xử lý, tiêu hủy. Mọi hành vi mua bán đều bị nghiêm cấm.

Thế nhưng qua tìm hiểu, phần lớn các loại vỏ thùng này hiện không được thu gom, xử lý theo quy trình mà bị tuồn ra ngoài, đưa về các lò súc rửa thủ công. Công nghệ “hóa kiếp” thùng phuy đang “hái bộn tiền” nên thu hút nhiều đối tượng tham gia, nở rộ tại nhiều nơi.

Điều đáng nói, mặc dù biết rõ sự nguy hại nếu việc tái sử dụng không đúng mục đích (như để chứa nước sinh hoạt, mật, cồn, đựng nông sản, thủy sản, thực phẩm...), nhưng vì món lời kếch xù nên không ai chịu đưa khuyến cáo kèm theo sản phẩm.

Qua lấy mẫu khảo sát của Viện Công nghệ môi trường, hiện thùng phuy tái sử dụng lưu hành trên thị trường còn tình trạng tồn dư hóa chất ở bề mặt vỏ. Đặc biệt, qua kiểm tra thử nghiệm đã phát hiện hóa chất có trong thành phần cấu tạo thùng. Tiến sĩ công nghệ hóa Huỳnh Đình Thanh cho biết, sở dĩ có tình trạng như vậy là do nhiều hợp chất hóa học rất khó có thể tẩy rửa, những hợp chất này lại dễ ăn mòn, hấp thu, thẩm thấu vào lớp vật liệu của thùng.

Thùng phuy bày la liệt khắp nơi ở các cơ sở ngoại thành TP.HCM

Xe thu gom vỏ thung phuy từ các cơ sở sản xuất công nghiệp ở H.Bình Chánh

Cơ quan chức năng TP.HCM đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo người dân về việc tái sử dụng thùng đựng hóa chất, do lo ngại độc tố tồn dư sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe. Gần đây còn xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do cưa, cắt gây nổ thùng phuy, rất đáng báo động. Năm 2017, cả nước ghi nhận 9 vụ nổ, với 5 trường hợp tử vong. Trong có vụ xảy ra ở Q9 vào sáng 4-1-2017, nạn nhân là người đàn ông 60 tuổi tử vong tại chỗ.

Một cán bộ Phòng Tuyên truyền Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy TP.HCM cũng lưu ý, thùng phuy rỗng là một tác nhân gây nổ, đặc biệt là loại trước đây đựng xăng, dầu, sơn, thuốc trừ sâu,... do hóa chất tồn dư phía trong khi tiếp xúc với nguồn nhiệt sẽ bắt lửa, gây nổ. Trong nhiều trường hợp đã súc rửa cẩn thận vẫn không ngăn ngừa triệt để nguồn nguy hiểm này.

Trở lại vấn đề tái sử dụng và tái chế rác thải nguy hại (gồm cả bao bì đựng hóa chất), theo các chuyên gia, đây là hoạt động được khuyến khích, nhưng chỉ mang ý nghĩa về mặt môi trường là chính, vì phải sử dụng giải pháp công nghệ tốn kém nên sản phẩm làm ra không lợi ích nhiều về kinh tế.

“Đã là chất thải độc hại thì phải được quản lý chặt. Đây không chỉ trách nhiệm của Nhà nước mà còn buộc mọi thành phần, doanh nghiệp phải tham gia, vì lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người. Vì thế, việc tổ chức súc rửa thùng hóa chất để bán như hiện nay là không thể chấp nhận” - một chuyên gia về môi trường nhận định.

TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển sức khỏe cộng đồng:

Tuyệt đối không sử dụng thùng phuy đựng hóa chất để chứa nước hay thực phẩm dưới dạng lỏng khi chưa xác định được nó thật sự an toàn. Bởi nếu hóa chất còn lượng tồn dư, khi tái sử dụng sẽ thôi nhiễu ra ngoài, dễ dàng ngấm vào nước và thực phẩm. Dù không phát bệnh hay ngộ độc ngay, nhưng sẽ tích lũy vào cơ thể. Trong thời gian dài sẽ phơi nhiễm, gây các bệnh về phổi, gan thận, đường tiết niệu...

Thạc sĩ môi trường Dương Xuân Huệ - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương:

Quy định về xử lý bao bì thải có chứa hoặc nhiễm thành phần nguy hại hiện nay rất chặt chẽ, nhưng thực tế không làm nghiêm được. Đơn cử như việc buộc xử phạt nghiêm các nguồn thải nhỏ lẻ nếu tự xả ra môi trường. Riêng các nguồn thải lớn, hàng tháng doanh nghiệp phải có báo cáo, kèm theo chứng từ cho thấy đã giao nộp tại các nhà máy có chức năng xử lý để cơ quan quản lý môi trường theo dõi.

Bao bì, nhất là các loại thùng bằng sắt, nhựa lại bán được dễ dàng, nên nhiều doanh nghiệp không chịu đưa đi xử lý vì tốn kém (phí xử lý khoảng 40 ngàn đồng/thùng phuy). Ngoài việc tăng cường kiểm tra, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng mức giá tối thiểu về xử lý chất thải nguy hại để tạo thuận lợi cho đối tượng tham gia.

Một cán bộ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Bộ Công an:

Theo Quyết định 155/1999/QĐ-TTg, bao bì đựng hóa chất sau khi hết sử dụng được xác định là chất thải nguy hại, phải được thu gom, xử lý, tiêu hủy theo một quy trình nghiêm ngặt. Việc mua bán thùng phuy từng đựng hóa chất tràn lan như hiện nay là vi phạm pháp luật. Điều này cho thấy lượng lớn chất thải độc hại đã không được thu gom đúng quy trình mà còn bị hoạt động súc rửa lén lút làm tăng thêm ô nhiễm. Chưa kể còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại trong tái sử dụng. Thực tế đã có khá nhiều cơ sở thu mua, súc rửa bị cảnh sát môi trường triệt xóa, nhưng con số này vẫn còn quá ít so với thực tại.

Hồng Kiệt

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/an-hoa-tu-thung-phuy_54128.html