Ôn lại thanh xuân để thấy rằng mình sống đẹp

Ngôi nhà chính là văn hóa, là tâm hồn và ước vọng của đời người. Chính vì lẽ đó, mà chương trình 'Quán thanh xuân' số 3 (VTV1, 20h ngày 3/3/2019) với chủ đề 'Nhà chật' (cùng tiêu đề một bài thơ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) đã chấn động tâm can những người xem thuộc thế hệ 4X tới 7X. Hóa ra, một thời mình từng ngỡ như rất đau khổ, rất đáng thương, lại thực ra rất đẹp và rất đáng nhớ.

Thời chiến tranh, bao cấp, từ những năm 50 tới 70, nhiều thế hệ đã sinh ra và lớn lên, gắn bó với những khu chung cư, nhà tập thể, cư xá… Nhà rất chật, nào ai có thể tưởng tượng rằng, chỉ trong 6 mét vuông chật chội, mà có tới 8 thành viên trong gia đình chung sống! Chỉ nghĩ đến thôi đã ngạt thở! Nhưng thực tế, cuộc sống như thế đã diễn ra, vẫn đầy đủ các cung bậc, khổ sở, đau đớn, va chạm, đùm bọc và yêu thương. Để đến nay, khi có một chương trình truyền hình đủ sức gợi lại ký ức, thì toàn bộ quá khứ đã trở về sống động, y nguyên như mới đây thôi, và đẹp đến nao lòng. Và thậm chí, ta còn có thể tự hào vì mình đã sống như thế.

 Nhà thơ Hữu Việt và diễn viên Minh Trang trong chương trình “Quán Thanh xuân”

Nhà thơ Hữu Việt và diễn viên Minh Trang trong chương trình “Quán Thanh xuân”

“Quán thanh xuân” với ký ức về nhà chật thời bao cấp, không chỉ có tác dụng gợi nhớ, gợi thương, mà còn tạo động lực sống cho hiện tại. Nữ diễn viên Minh Trang, một thời nổi tiếng vai chính trong vở kịch “Hà Mi của tôi” chia sẻ: “Chương trình “Quán thanh xuân” số 3 thực sự làm sống lại trong tôi thời mình thanh xuân rực rỡ nhất, mà lứa chúng tôi gọi vui là “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

Khi ấy, gia đình tôi chuyển cả vào miền Nam, còn tôi ở lại, lang thang trong nhà tạm, cho đến khi trưởng đoàn Kịch Hà Nội thương tình, bố trí cho không gian dưới gầm cầu thang nhà hát để tôi tạm ở. Đó chỉ là một không gian chừng 3 mét vuông, lót một tấm ván kê lên làm giường. Thế là tôi có một chỗ riêng để nằm, một chốn riêng để ở. Tuy chật chội thế mà nó chứa biết bao niềm vui, hy vọng và thăng hoa nghề nghiệp. Tuy lúc đầu rất sợ, khi đêm về, một mình tôi còn lại trong nhà hát, với biết bao tấm pa-nô cũ xếp chồng lên nhau quanh khu vực sân khấu, khi mất điện cứ như những bóng ma đang theo dõi mình. Ban đêm, tôi sợ đến nỗi không dám ra khỏi cái ổ 3 mét vuông của mình để băng qua sân khấu tới khu vệ sinh đi tiểu. Sau rồi cũng quen dần, nghĩ rằng mình chẳng hại ai thì sẽ không ai hại mình, tôi đã lên sân khấu một mình, nhớ lại những lời của đạo diễn, tự mình luyện lại vai diễn, và thăng hoa trên sân khấu. Việc được ở lại một mình trong nhà hát ban đêm, đã trở thành lợi thế riêng của tôi.

Sau này, dù điều kiện kinh tế đã khác, được ở nơi khang trang rộng rãi hơn, nhớ về một thời sống trong 3 mét vuông ấy, khiến tôi luôn tìm thấy động lực sống mạnh mẽ cho mình.”

NSƯT Chiều Xuân (giữa) trong chương trình “Quán thanh xuân”

Cho đến nay, chắc không ai, kể cả những người thương nhớ thời thanh xuân thập niên từ 50-70 hồi đó nhất, muốn rằng sẽ quay lại sống trong điều kiện nhà chật như thế. Nhưng khi được hồi tưởng lại, thì chắc chắn rằng nhiều người cũng giống như NSƯT Chiều Xuân, sẽ chọn nhớ những ấn tượng đẹp, hình ảnh ấm áp mà thôi. Để thấy rằng, ồ thế ra ta đã được sống tuyệt đẹp lắm lắm.

Chiều Xuân chia sẻ, rằng chị được sống cùng chồng là nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân trong khu tập thể toàn các văn nghệ sĩ ở phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Đó là một biệt thự Pháp cổ, được biến đổi chức năng, chia ra thành các căn nhà nhỏ cho các văn nghệ sĩ sinh sống. Hàng xóm của gia đình Chiều Xuân – Đỗ Hồng Quân là gia đình nhà văn Vũ Tú Nam, cùng các văn sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, được gần gũi họ, học tập và cùng sẻ chia vui buồn trong không gian chung, thật hạnh phúc. Dù ở rất chật, buộc phải xích lại gần, có thể va chạm nhau nhưng không ai than phiền, không ai thấy khó sống, trái lại, nơi này đã giúp các nghệ sĩ sáng tác nên những tác phẩm quan trọng nhất trong cuộc đời họ. Chính nhạc sĩ Trần Hồng Quân cũng cho rằng đó là không gian sống lý tưởng nhất, đầy đủ nhất, đáng sống nhất đối với anh. Sau này, những người sinh ra và lớn lên trong khu tập thể đó dù chuyển đi nơi khác sống, nhưng vẫn gắn bó tình cảm trong một cộng đồng, vẫn mang nét văn hóa chung, giúp đỡ nhau khi cần.

Trong cuộc sống tốc độ hiện nay, khi mà ai cũng vội vàng, thì việc được lắng lại trong không gian cũ, nhớ lại kỷ niệm xưa quả rất ngọt ngào, và đáng trải nghiệm. Quá khứ cho ta rất nhiều bài học, nhất là khi chúng ta ở chung trong những ngôi nhà chật, trong không gian hẹp, phải thực hành nhiều nhất bài học chung sống.

Nhà thơ Hữu Việt, em trai của tác giả Bình Ca, người viết tác phẩm “Quân khu Nam Đồng” – một tác phẩm rất nóng về đề tài tuổi thanh xuân của những người qua thời sống trong những khu tập thể, nhà chật – cho rằng, việc anh được là khách mời trong chương trình “Quán thanh xuân” số 3 với chủ đề “Nhà chật” rất ý nghĩa. Ngoài việc anh được chia sẻ ký ức thời thanh xuân sống trong khu Nam Đồng của mình, anh còn được nghe những kỷ niệm giá trị của những người khác, trong các khu tập thể khác, và điều này thôi thúc anh thực hiện một cuốn sách mà anh dự định viết từ lâu, cuốn sách về cuộc sống của chính anh và những người cùng lứa trong khu tập thể cũ, với góc nhìn khác, với độ chênh thời gian khác so với tác phẩm của anh trai mình. Chuyện quân khu Nam Đồng, không chỉ có chuyện tụ tập đánh nhau, mà còn có biết bao những vị tướng, bao vị anh hùng, bao nhà văn, nghệ sĩ danh tiếng sống ở nơi đây cùng nhau. Nó còn rất nhiều điều bí ẩn và đặc biệt để khai thác. Anh cho rằng, quá khứ, nếu không được viết ra, kể lại, chia sẻ một cách trung thực bởi những người đã đi qua, thì sẽ mất mát, sẽ bị nhìn sai lệch một cách thật đáng tiếc! Và các thế hệ tương lai, dù có muốn, cũng không thể làm ra được.

Kiều Bích Hậu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/on-lai-thanh-xuan-de-thay-rang-minh-song-dep-529144.html