Ổn định việc học tập sau lũ: Vẫn còn bộn bề khó khăn

Gần 2 tuần, sau khai giảng năm học 2018-2019, những trường học ở vùng tâm lũ vẫn còn bộn bề khó khăn. Các thầy, cô giáo đã không quản ngại vất vả, trèo đèo, lội suối, băng rừng vào các điểm trường lẻ, vận động, đưa học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, do đường giao thông còn chia cắt nên học sinh ở nhiều bản vẫn chưa thể đến trường.

Giờ học của học sinh lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý (Mường Lát).

Vượt khó, đưa học sinh đến trường

Theo thống kê thiệt hại sau đợt mưa lũ vừa qua, ngành giáo dục có 40 điểm trường bị ảnh hưởng; 17 phòng học, phòng chức năng, nhà ở tập thể, nhà bán trú bị thiệt hại; 303 phòng bị ngập nước. Gạt đi những khó khăn, các trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại do lũ lụt gây ra đang nỗ lực vận động học sinh đến trường, ổn định việc dạy và học.

Tại huyện Quan Hóa, đợt mưa lũ đã khiến 7 điểm trường bị thiệt hại nặng nề. Ngay sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả, động viên, vận động học sinh ra lớp, tiến hành khai giảng đúng lịch và tổ chức dạy học ngay sau khi khai giảng năm học mới. Các điểm trường bị bùn đất tràn vào phòng học, nhà công vụ, sân trường, nhà trường đã huy động giáo viên, phụ huynh học sinh lau rửa, dọn dẹp sạch sẽ; trạm y tế xã phun thuốc diệt khuẩn... đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học trong nhà trường.

Trường Tiểu học Trung Sơn, xã Trung Sơn (Quan Hóa) bị vùi lấp hoàn toàn trong cơn lũ. Cơ sở vật chất, bàn ghế học sinh, trang thiết bị dạy học của nhà trường cũng bị hư hỏng. Sau khi lũ rút, nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên nhặt lại được một ít bàn ghế, sửa chữa cho học sinh ngồi học. Bên cạnh đó, huyện Quảng Xương cũng ủng hộ nhà trường 75 bộ bàn ghế mới. Hiện toàn trường có 17 lớp với 315 học sinh ở 3 điểm lẻ và điểm trường chính. Riêng điểm trường chính bị sập có 11 lớp, nhà trường sắp xếp 3 lớp học tại điểm lẻ bản Bó, còn 8 lớp hiện đang học nhờ tại khu nhà điều hành của Nhà máy Thủy điện Trung Sơn. Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, trang thiết bị dạy học thiếu thốn nên học sinh nhà trường đang học 2 ca (4 lớp học buổi sáng, 4 lớp buổi chiều).

Thầy giáo Hắc Xuân Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn, cho biết: Cũng do mưa lũ, toàn bộ khu nhà tập thể của giáo viên cũng bị hư hỏng, hiện có 11 giáo viên đang phải ở nhờ trong các nhà dân. Gạt đi khó khăn của cá nhân, các thầy, cô giáo vẫn bám lớp, bám trường, vận động học sinh đến lớp. Hiện nay, số học sinh của nhà trường đã đi học trở lại đạt khoảng 98%. Ở mỗi lớp chỉ còn vắng một vài học sinh do gia đình chưa ổn định được cuộc sống sau lũ hoặc do đường đi đến trường quá khó khăn. Để thầy trò nhà trường sớm có trường học mới, theo chỉ đạo của tỉnh, địa phương đã có kế hoạch xây dựng trường mới ở khu đất mới. Dự kiến, hết học kỳ I năm học 2018-2019 sẽ hoàn thành xây dựng trường mới.

Huyện Mường Lát là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua. Vượt lên khó khăn, thiếu thốn, hầu hết các trường trên địa bàn huyện đều đã tổ chức dạy học cho học sinh vào năm học mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn một số điểm trường lẻ chưa tổ chức dạy học được, do đường giao thông vẫn bị chia cắt, cô lập khiến việc các thầy cô di chuyển vào điểm trường gặp nhiều khó khăn.

Bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát), cách trung tâm xã hơn 20km. Con đường đất vào bản Ón khoảng 12 km bị sạt lở, đứt gãy không thể đi được. Tại đây có 2 điểm trường mầm non và tiểu học, mặc dù đã qua khai giảng gần 2 tuần nhưng hiện học sinh vẫn chưa thể đến trường do các thầy, cô giáo chưa thể di chuyển vào bản được.

Cô giáo Phạm Thị Đợi, giáo viên điểm lẻ bản Ón, Trường Mầm non Tam Chung, chia sẻ: Hiện nay, điểm trường mầm non đã bị lũ cuốn trôi, khu trường mới lại chưa xây xong nên học sinh sẽ học tạm tại nhà văn hóa bản Ón. Để vào được bản Ón phải đi đường rừng. Con đường rừng không chỉ khó đi, mà còn nguy hiểm, phải mất khoảng 9 giờ đồng hồ mới vào được đến bản Ón và phải có người dân bản địa dẫn đường. Việc liên lạc với người dân bản địa lại gặp khó khăn do khu vực bản Ón chưa có sóng điện thoại. Khó khăn chồng chất, nhưng dù vất vả bao nhiêu, chúng tôi cũng cố gắng đến trường dạy học cho các em.

Quan tâm, giúp đỡ những học sinh khó khăn

Tình trạng nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề, mất nhà cửa do mưa lũ vừa qua, nhiều học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết ở vùng tâm lũ đi qua.

Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý, xã Trung Lý (Mường Lát) mặc dù không bị thiệt hại lớn từ cơn lũ vừa qua, nhưng nhiều gia đình học sinh bị mất nhà cửa, tài sản. Sự việc này diễn ra ngay trước thềm năm học mới đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh, đặc biệt là học sinh chủ yếu ở xa. Thầy giáo Đoàn Văn Sơn, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2018-2019, nhà trường có 427 học sinh ở 16 bản tập trung về học tại trường, trong đó bản xa nhất là bản Tà Cóm cách trường 50km. Hiện nay, có 95% học sinh đã đến trường. Những em chưa đến trường được phần lớn là ở bản Tà Cóm do đường đi đến trường xa, giao thông bị chia cắt không thể đi xe máy được nên phụ huynh chưa thể đưa con em ra trường học. Nhà trường cũng đã phối hợp với bí thư chi bộ, trưởng bản đến gia đình các em động viên các em tiếp tục đi học. Sau khi các em đến trường đi học trở lại, nhà trường sẽ phân công giáo viên dạy kèm nhằm bổ sung kiến thức giúp các em theo kịp chương trình học cùng các bạn trong lớp.

Cũng theo thầy Sơn, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi gia đình bị mất nhà, tài sản. Theo thống kê, toàn trường có gần 30 em thuộc diện gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ (nhà sập, nhà bị lũ cuốn trôi). Việc đưa được các em đến trường là cả sự nỗ lực của nhà trường cũng như các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do các em ở lứa tuổi có thể giúp đỡ được nhiều việc trong gia đình nên trong thời điểm khó khăn này rất dễ xảy ra tình trạng các em bỏ học giữa chừng để về nhà phụ giúp gia đình. Vì vậy, bên cạnh việc chia sẻ những khó khăn với các em, nhà trường hỗ trợ cho các em sách giáo khoa, đồ dùng học tập... Các thầy, cô giáo luôn động viên để các em yên tâm học tập, không để các em bỏ học giữa chừng.

Theo Phòng GD&ĐT Mường Lát, hiện nay các trường học bị ảnh hưởng nặng nề từ trận mưa lũ vừa qua đang gặp rất nhiều khó khăn. Những trường, lớp học bị sập, không thể khắc phục được, các nhà trường đang phải mượn nhà dân và nhà văn hóa thôn bản để tổ chức dạy học tạm thời trong thời gian xây dựng hoặc sửa chữa. Khó khăn nhất là điểm lẻ bản Lìn, xã Trung Lý, lũ cuốn trôi toàn bộ 2 điểm học mầm non và tiểu học. Học sinh bản Lìn đang phải học nhờ tại nhà dân và nhà văn hóa; 2 Trường PTDT bán trú THCS Tam Chung và Trung Lý bị thiệt hại 17 phòng ký túc xá học sinh, sập đổ hoàn toàn. Hiện, học sinh ở hai trường này phải ở ghép. Trong khi đó, số học sinh ở lại ký túc xá đông khiến việc, ăn, ở, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Khắc phục những khó khăn, để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh vùng lũ, ngành giáo dục Mường Lát đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục quan tâm đối với những học sinh nghèo, học sinh khó khăn bị ảnh hưởng sau lũ. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn cũng đã có nhiều tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ quần áo, sách vở cho các em. Nhìn chung, về cơ bản học sinh đã đủ các điều kiện về sách vở, quần áo... để tham gia học tập. Nhờ sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục huyện Mường Lát, đến ngày 17-9, số học sinh ra lớp của bậc học mầm non đạt 98,7%; tiểu học đạt 99,5%; THCS đạt 97,4%.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Riêng huyện Mường Lát thiệt hại khoảng hơn 44,116 tỷ đồng. Ngoài ra, các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Cẩm Thủy, Bá Thước... cũng bị thiệt hại. Trước những thiệt hại trên, Sở GD&ĐT đã đề nghị Trung ương hỗ trợ các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh số tiền là 140,1 tỷ đồng. Trong đó, đề xuất hỗ trợ huyện Mường Lát khoảng 69,1 tỷ đồng; huyện Quan Hóa khoảng 56 tỷ đồng; còn lại là các huyện Quan Sơn, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thạch Thành, Vĩnh Lộc...

Bài và ảnh: Hoàng Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/vhr4kk/new-article.aspx