Ổn định quan hệ lao động những tháng cuối năm

Cuối năm là thời điểm dễ xảy ra tranh chấp lao động liên quan đến việc chi trả lương, thưởng Tết, các chế độ, chính sách của doanh nghiệp (DN) đối với người lao động (NLĐ).

Cán bộ Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp nêu ý kiến về ổn định quan hệ lao động tại hội nghị mới đây

Cán bộ Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp nêu ý kiến về ổn định quan hệ lao động tại hội nghị mới đây

Trước thực trạng này, các cấp Công đoàn tỉnh đã chủ động nắm bắt tâm tư, việc làm của NLĐ, đồng thời khuyến khích các chủ DN quan tâm đến đời sống NLĐ, có kế hoạch chi trả chế độ, chính sách đầy đủ, giúp NLĐ yên tâm làm việc, giữ ổn định quan hệ lao động.

* Bám sát cơ sở

Để ổn định quan hệ lao động, từ đầu tháng 9, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức đoàn đến các DN nắm bắt tình hình việc làm, quan hệ lao động và việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Thông qua đó, LĐLĐ tỉnh đã đôn đốc, nhắc nhở các DN thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với NLĐ, nhất là các chế độ, chính sách liên quan đến việc làm thêm giờ, tiền lương, thưởng Tết, bữa ăn ca và các chế độ phúc lợi khác.

Theo Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng, việc giữ gìn mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định là nhiệm vụ xuyên suốt của tổ chức Công đoàn, đặc biệt những tháng cuối năm. Vì vậy, ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật của DN đối với NLĐ, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở (CĐCS) nắm bắt tâm tư của NLĐ, kịp thời phát hiện những vướng mắc về chế độ chính sách, lương, thưởng nếu có để đề xuất với DN, các ban, ngành chức năng giải quyết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ DN chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, nhằm hạn chế thấp nhất các vụ ngừng việc tập thể xảy ra.

Tại hội nghị giao ban với các CĐCS khối DN mới đây, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng đề nghị các CĐCS tiếp tục sát cánh cùng DN vượt qua khó khăn, đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Đồng thời, giám sát các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ; tập trung ổn định quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong các DN, nhằm bảo vệ và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Ở các Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động cử cán bộ bám sát cơ sở nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, bức xúc của công nhân để làm việc với các DN, không để những mâu thuẫn nhỏ phát sinh thành lớn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh tại các DN, nhất là những DN vừa phục hồi sản xuất sau dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, hướng dẫn CĐCS tăng cường tuyên truyền Bộ luật Lao động, các chính sách cho NLĐ và chủ DN hiểu, nắm bắt thông tin và thực hiện đúng pháp luật lao động. Từ đó, giảm thiểu những mâu thuẫn phát sinh, bất hòa giữa chủ DN và NLĐ.

Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho hay, hiện trên địa bàn huyện nhiều DN đã khôi phục sản xuất sau dịch bệnh Covid-19. Một số DN đã có nhiều đơn hàng trở lại và đẩy mạnh sản xuất. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với DN và NLĐ. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định sản xuất, đáp ứng yêu cầu các đơn hàng gấp rút cuối năm, LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các CĐCS cần ổn định tâm lý làm việc của NLĐ, phối hợp với DN quan tâm đến phúc lợi và thực hiện đúng các chính sách như đã cam kết với NLĐ tại thỏa ước lao động tập thể. Nếu làm tốt vấn đề này, chắc chắn DN sẽ có đội ngũ lao động gắn bó, giữ chân lao động lành nghề, cùng DN phát triển sản xuất sau những ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại LĐLĐ TP.Long Khánh, các cán bộ Công đoàn thường xuyên bám sát cơ sở, đôn đốc các CĐCS quan tâm đến tâm tư, phúc lợi của NLĐ. Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Long Khánh Lê Thanh Tùng cho biết, ngoài đi sâu, đi sát cơ sở nắm bắt tình hình, LĐLĐ thành phố nắm chắc tình hình quan hệ lao động để hỗ trợ các CĐCS hoạt động hiệu quả. Đối với các DN đang gặp khó khăn, CĐCS chủ động bàn với chủ DN tìm biện pháp, tạo nguồn để trả lương, thưởng đầy đủ, kịp thời cho NLĐ. Không để tranh chấp lao động xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống NLĐ.

* Tăng cường đối thoại, ngăn mâu thuẫn

Theo LĐLĐ tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tranh chấp lao động tập thể tại 16 DN. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp lao động tập thể chủ yếu liên quan đến việc DN chưa thực hiện nghiêm những quy định liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ. Bên cạnh đó, một số ít DN điều chỉnh lương chưa phù hợp, cắt giảm các khoản phụ cấp ngoài lương, trả lương chậm, chưa thỏa thuận với NLĐ trước khi tổ chức tăng ca...

Công nhân Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc

Để NLĐ yên tâm làm việc, theo các cán bộ Công đoàn, bên cạnh việc thực hiện các chính sách đầy đủ, các DN nên dành thời gian gặp gỡ, tăng cường đối thoại với NLĐ. Qua đối thoại, DN có thể nêu những khó khăn trong sản xuất, giải thích chi tiết những kiến nghị, bức xúc của NLĐ để họ hiểu, chia sẻ và cùng DN vượt qua khó khăn. Đối thoại cũng là cách để DN và NLĐ thông hiểu nhau, những mâu thuẫn sẽ không tồn tại, hạn chế được các vụ ngừng việc tập thể diễn ra.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Phương cho hay, điều cốt lõi để giữ quan hệ ổn định đó là DN cần đối thoại với NLĐ. Tại công ty, định kỳ hằng tháng, Ban chấp hành CĐCS và Ban giám đốc công ty tổ chức đối thoại với NLĐ; thường xuyên tập hợp ý kiến NLĐ thông qua hộp thư góp ý, qua các tổ trưởng, quản lý sản xuất trực tiếp theo dõi sản xuất, gần gũi với công nhân. Thông qua đó, NLĐ có cơ hội để trình bày những bức xúc, nguyện vọng của mình với chủ DN. Chủ DN sẽ ghi nhận, tổ chức họp và đưa ra những phương án giải quyết hợp lý, giúp NLĐ yên tâm.

Còn theo anh Nguyễn Quốc Phong, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Starite International (H.Trảng Bom), cùng với sự giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách của DN đối với NLĐ, CĐCS cần tăng cường nắm bắt dư luận xã hội bởi những thông tin sai lệch về các chính sách, việc làm trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của công nhân. Trong khi đó, nhận thức một bộ phận lao động còn hạn chế. Công đoàn cấp trên cần xây dựng lực lượng nòng cốt ở cơ sở, tổ chức nâng cao kỹ năng thương lượng, giải quyết vấn đề, đối thoại để cán bộ CĐCS có kỹ năng tốt trong việc thương lượng, tham mưu chủ DN các chính sách hợp lý, cũng như tổ chức đối thoại với NLĐ.

Phó chủ tịch LĐLĐ H.Long Thành Đào Thị Kim Loan cho rằng, những vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn huyện thời gian qua thường do DN chậm trả lương hoặc chế độ bữa ăn giữa ca không đảm bảo, sắp xếp thời gian lên ca không hợp lý. Để hạn chế tình trạng ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động những tháng cuối năm, DN cần thông báo công khai cho NLĐ biết về việc điều chỉnh tiền lương, mức thưởng, làm thêm giờ cho NLĐ. Ngoài ra, các DN quan tâm, chú ý đời sống của NLĐ, giải tỏa mâu thuẫn trong quan hệ lao động bằng cách đối thoại, lắng nghe, kiến nghị của NLĐ để cải thiện thấu đáo, hợp tình, hợp lý.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202009/on-dinh-quan-he-lao-dong-nhung-thang-cuoi-nam-3022641/