Ổn định nhịp tim lúc nghỉ ngơi để bảo vệ sức khỏe

Nhịp tim khi nghỉ ngơi (RHR) là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe trái tim, tuổi thọ cũng như nguy cơ bệnh tật. Thông thường, nhịp tim khi nghỉ ngơi hoặc thư giãn ở mức trung bình (60-100 nhịp/phút), chậm hơn trong lúc ngủ (dưới 60 nhịp/phút) hoặc nhanh hơn khi vận động thể chất (hơn 100 nhịp/phút) như tập thể dục hay chạy bộ. Nếu nhịp tim của bạn trở lại bình thường sau vận động, chứng tỏ bạn có sức khỏe tim tốt. Nhưng nếu nhịp tim luôn duy trì ở mức cao không rõ nguyên nhân thì hãy chú ý, bởi đây có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến suy tim hoặc đột quỵ.

Ðể khắc phục tình trạng tim đập nhanh lúc nghỉ ngơi, các chuyên gia khuyến nghị mọi người áp dụng những biện pháp sau đây:

Tập thể dục và thực hành các bài tập kiểm soát hơi thở. Nghiên cứu chứng minh, tất cả các loại hình thể thao, đặc biệt là các hoạt động rèn luyện sức bền và yoga giữ vai trò quan trọng trong việc làm giảm đáng kể RHR ở cả nam và nữ, từ đó cải thiện sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch.

Vận động là cách hạ thấp RHR hiệu quả. Ảnh: Boldsky

Vận động là cách hạ thấp RHR hiệu quả. Ảnh: Boldsky

Trong khi đó, các bài tập kiểm soát hơi thở như Pranayama trong yoga giúp làm chậm nhịp tim chỉ trong một tuần tập luyện. Pranayama được xem là bài tập cải thiện hệ thần kinh phó giao cảm và làm giảm hoạt động giao cảm, từ đó cải thiện sức khỏe tim tổng thể.

Giảm stress. Dù mối liên hệ trực tiếp giữa căng thẳng tinh thần (stress) và sức khỏe tim mạch vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng nhiều bằng chứng cho thấy, stress hoặc bất kỳ hoạt động gây stress nào cũng có thể làm tăng RHR và gây ra các vấn đề về tim. Do đó, để đẩy lùi tình trạng này, phải tìm cách làm dịu tâm trí và giảm stress, bằng cách tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, giải trí, chăm sóc thú cưng.

Không hút thuốc, uống rượu. Nghiên cứu phát hiện, so với những người không hút thuốc, những người hút thuốc có RHR cao hơn và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch vành. Nguy hiểm hơn, thuốc lá và rượu làm các tĩnh mạch và động mạch bị thu hẹp, khiến tim hoạt động nhiều hơn và đập nhanh hơn.

Tránh xa nơi có nhiệt độ cao. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ cao có thể gây ra tác động ngắn hạn lên tim. Do đó, nên tránh xa những nơi có nhiệt độ cao để ổn định nhịp tim và bảo vệ trái tim.

Bổ sung axít béo Omega-3 vào chế độ ăn. Tác dụng của axít béo Omega-3 trong việc giảm RHR đã được chứng thực trong các nghiên cứu trên người mắc hoặc không mắc các bệnh liên quan đến tim. Theo đó, tiêu thụ dầu cá hoặc các loại cá giàu axít béo (như cá thu, cá hồi, cá nục, cá ngừ...) làm giảm đáng kể RHR, từ đó ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Giảm cân. Theo các chuyên gia, lượng mỡ dư thừa của cơ thể sẽ giải phóng các tế bào adipokine làm tăng hoạt động của hệ thần kinh và làm gia tăng RHR. Vì vậy, để giảm RHR, hãy nỗ lực giảm cân bằng cách tăng cường vận động bằng các hoạt động như chạy bộ, đạp xe và bơi lội.

Tắm nước ấm. Tắm hơi hoặc nước ấm ít nhất 5 lần/tuần được chứng minh làm giảm đáng
kể RHR.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Mất nước có thể có tác động tiêu cực đối với sức khỏe tim. Theo đó, mất nước cấp tính gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim, bởi làm suy giảm chức năng mạch máu cũng như giảm hoạt động nội mô.

Cắt giảm caffeine. Caffeine hoặc thức uống chứa caffeine có đặc tính lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu thường xuyên, từ đó dẫn tới mất nước, làm giảm lưu thông máu và khiến tim hoạt động nhiều hơn, đập nhanh hơn.

Có chế độ ăn uống cân bằng. Chế độ ăn giàu trái cây, rau củ và trái cây khô giúp cải thiện sức khỏe tim. Nghiên cứu phát hiện, chế độ ăn cân bằng hàm lượng các dưỡng chất như đạm, vitamin, khoáng chất, tinh bột và chất béo làm giảm đáng kể RHR.

TRÍ VĂN (Theo Boldsky)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/on-dinh-nhip-tim-luc-nghi-ngoi-de-bao-ve-suc-khoe-a123233.html