Ổn định kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị 'Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp'. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức

Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Mức tăng trưởng phát triển doanh nghiệp có xu hướng chững lại từ giữa năm 2018 (năm 2018 chỉ tăng 3,48% về số DN và 13,77% về số vốn đăng ký; 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 4,8% về số DN và 31,66% về vốn đăng ký), trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể có những giai đoạn tăng mạnh trên 30 - 40% so cùng kỳ. Nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa cao là do hạn chế về quy mô, công nghệ, quản trị điều hành doanh nghiệp.

Trong chương trình hội nghị, các chuyên gia chia sẻ quan điểm về những vấn đề: Ổn định nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách Mạng 4.0; Giải pháp tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; Quản trị rủi ro kinh tế đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; Chuyển đổi số và các nền tảng toàn cầu thay đổi thị trường và khuynh hướng tiêu dùng ; Phát huy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thị trường.

Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Nam nhìn nhận, vài năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu vươn lên, tuy nhiên, không đều giữa các khối doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều trì trệ, thực hiện cải cách chậm trễ, cổ phần hóa còn rất ì ạch. Điều này gây lãng phí lớn cho Nhà nước. Khối doanh nghiệp tư nhân có bước phát triển mạnh, đã bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp nổi lên đảm nhiệm công việc lớn như xây đường băng, sân bay, cầu cảng… Tuy vậy khối doanh nghiệp này đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt, thể hiện qua lượng doanh nghiệp mới tăng rất cao nhưng số bị thải loại cũng cao. “Khi hai khối doanh nghiệp này đang gặp lúng túng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “thong dong” bước vào và phát triển rất nhanh. Họ đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, đem lại lợi ích trước mắt, nhưng về lâu dài chúng ta không thể sống nhờ họ mà Việt Nam phải phát triển doanh nghiệp của mình”, ông Nam nhấn mạnh.

Để nâng cao sức cạnh tranh, trước tiên mỗi doanh nghiệp phải quản trị công ty tốt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nói. Khi đó hoạt động kinh doanh được cải thiện, đem đến thông điệp cho đối tác, các nhà đầu tư cho rằng chúng ta là một nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáng tin cậy và bền vững, từ đó thiết lập quan hệ lâu dài. Thế nhưng, khái niệm quản trị đối với doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn rất xa xỉ, ông Hiếu nhận xét. Việt Nam mới đang chuyển từ giai đoạn thức tỉnh, bắt đầu nâng cao nhận thức chứ chưa áp dụng chuẩn mực, trong khi các nước như Thái Lan, Singapore đã bước sang giai đoạn mức độ chuẩn mực. Ông Hiếu cho rằng, vấn đề không nằm ở chỗ hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Bởi như Thái Lan, Singapore có luật pháp yếu nhưng năng lực cạnh tranh lại rất cao bởi họ coi trọng và luôn nâng cao trình độ quản trị. Chừng nào còn coi nhẹ khâu quản trị thì chừng đó không thể nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp để phát triển kinh tế và thúc đẩy sự phát triển, cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác để đưa nền kinh tế phát triển ổn định.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/on-dinh-kinh-te-va-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-doanh-nghiep/810707.antd