Ổn định cấu trúc để ổn định xã hội

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ngày 25-10-2017 ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 'Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả'' và Nghị quyết 'Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập'. Đây là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cấu trúc của thể chế nhà nước cần ổn định trong trung - dài hạn.

Đầu tư cho phát triển năm nay chỉ vào khoảng 17%, kể cả huy động thêm các nguồn khác. Ảnh: NGUYỄN NAM

Càng chủ trương giảm thì càng tăng

Từ sau khi thống nhất, nước ta đã nhiều lần có chủ trương thay đổi - điều chỉnh địa giới, địa danh và tổ chức - bộ máy - biên chế - ngạch bậc hành chính ở tất cả bốn cấp. Xét theo tinh thần đó, bộ máy tổ chức hành chính - sự nghiệp nước ta đang đặt ra những vấn đề rất cấp bách mà các hội nghị trung ương nói trên đặt ra. Và, ngày 10-7-2018, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Năm 1976, nước ta có 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh, năm 1986 tăng lên 44 đơn vị. Từ đó, trải qua nhiều lần điều chỉnh, tách - nhập, tính từ 1986 đến năm 2016, sau 30 năm đổi mới, số đơn vị hành chính hiện có là 58 tỉnh và năm thành phố trực thuộc trung ương (tăng thêm 19 đơn vị); còn cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 282 đơn vị); cấp xã từ 9.657 đã tăng lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị). Như vậy, dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện cả nước có 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn, phải xếp gọn lại.

Sửa sai thì phải có “bộ tổng tham mưu” gồm những người giỏi về khoa học hành chính và kinh nghiệm quản lý hành chính, có tư cách học thuật và trách nhiệm xã hội công dân. Nếu cứ dùng “chuyên gia” như lâu nay thì cũng sẽ rơi vào cảm tính, tự phát.

Bộ máy hành chính địa phương tăng, cấp trung ương cũng “đua” theo không kém. Tính đến tháng 6-2017 (Chính phủ khóa XIV), cả nước có 42 tổng cục, tăng 100% so với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI. Số lượng các cục, vụ, phòng tăng từ 4,7-13,6% so với năm 2011.

Bộ máy Đảng, đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc cũng thường có sự “gia tăng” tương tự, nhất là tăng khoán quỹ lương và phụ cấp, cao hơn cả khối hành chính - nhà nước (xem như “tiền dưỡng liêm”).

Bộ máy tăng, biên chế cũng tăng. Sau 20 năm (1997-2017), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng từ 1.351.900 lên 2.726.917, tăng 100%, trong khi dân số chỉ từ 77 triệu lên 92 triệu người, tăng 20%. Chỉ riêng tỉnh Bình Phước mới tách ra, thành lập ngày 1-1-1997, mà theo UBND tỉnh, từ nay đến năm 2021 sẽ phải tinh giản 2.340 công chức, viên chức cấp tỉnh và cấp huyện so với biên chế được giao trong năm 2017 và theo kế hoạch, bước đầu sẽ phải giảm 107 đơn vị sự nghiệp, 180 cấp trưởng, 200 cấp phó; 150 trưởng phòng và 250 phó phòng của các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện (Tuổi trẻ 29-7-2018).

Cùng với số biên chế cán bộ, công chức, viên chức cả nước hiện có như vừa nói, nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người trên 92 triệu dân (2016).

Hàng năm, trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72% tổng chi ngân sách. Năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt chi thường xuyên ít hơn đôi chút, nhưng vẫn tới 65%. Đầu tư cho phát triển năm nay chỉ vào khoảng 17%, kể cả huy động thêm các nguồn khác.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân của tình hình trên là do chiến tranh liên miên - kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới suốt hơn nửa thế kỷ, cùng những cuộc di cư - di dân bị động về kinh tế hoặc do quá độ chính trị của những giai đoạn lịch sử. Đất nước bị xáo trộn, hình thành tâm lý tạm bợ, thiếu ổn định trong tư duy và hành động của mỗi người. Chúng ta cũng chưa đào tạo được những nhà chính trị - kỹ trị giỏi về quản lý nhà nước trong thời bình và trong kinh tế thị trường.

Nhưng trực tiếp và trên hết là ở cấp có tầm chiến lược, chưa thể hiện được sự quán triệt những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản, hay nói đúng hơn là khoa học hành chính - quản trị quốc gia. Tư duy, nhận thức về vai trò, chức năng của Nhà nước, quan hệ giữa Nhà nước với thị trường và xã hội cũng chưa đúng mức. Các cơ quan hành chính lại là nơi đệ trình luật để Quốc hội thông qua, và là nơi thi hành luật, quản lý doanh nghiệp, quản lý xã hội nói chung mà dư luận từ lâu cho là “vừa đá bóng vừa cầm còi trọng tài”, “hành dân, trói buộc doanh nghiệp”.

Hệ quả rõ ràng là sự tha hóa của con người trong hệ thống quản lý ngày càng nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực đời sống, kể cả con người ở các cấp quản trị bậc cao. Công tác chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống cho công chức - viên chức không thay được cho khoa học quản lý hành chính - công vụ. Lịch sử nước nhà chưa từng có sự mất “sinh mạng chính trị” trong hàng chính khách cấp cao nhất và tướng - tá nhiều như hiện nay. Lớn hơn nữa là “tổn thất” lòng tin và lòng dân nói chung.

Cần chấn chỉnh để ổn định quốc gia

Những yếu tố ổn định quốc gia, ngoài cái bất biến thể hiện bản chất Nhà nước là lòng dân, thì về hình thức là hệ thống tổ chức - bộ máy - cán bộ. Phải bảo đảm tính ổn định tương đối của các tổ chức - đơn vị - địa giới hành chính; tổ chức bộ máy - biên chế - ngạch bậc công chức, viên chức; các văn bằng - chứng chỉ - học hàm - học vị hay cấp hàm sĩ quan... phải theo chuẩn mực quốc gia và thông lệ quốc tế; luật pháp để vận hành nền hành chính ấy cũng phải được ổn định dài hạn có tính chất thời kỳ. Những hình thức này có quan hệ gắn bó với yếu tố tình cảm - tâm linh của người dân - công dân và vấn đề đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Do vậy nó trở thành văn hóa hành chính, là hạt nhân định hình xã hội văn minh, là cái cần ổn định để xã hội ổn định.

Không như vậy, mọi cái như tự làm mất giá. Ở đây, vận dụng phạm trù vật chất - ý thức, như quan hệ giữa “cốt” và “hồn”, ta sẽ dễ nhận thấy: Nếu hệ thống bộ máy - tổ chức là xương sống, là cốt vật chất của thể chế thì đường lối chính trị là ý thức, là linh hồn của thể chế ấy. Một khi trục máy (cốt máy) bị cong vênh hoặc trong guồng máy có những bộ phận nào không khớp nhau lập tức sẽ làm đứng máy hoặc gãy trục.

Theo quan sát và kinh nghiệm thực tiễn, việc hình thành các khu dân cư, làng xóm, đơn vị hành chính phải căn cứ vào yêu cầu sinh tồn, tức là về kinh tế, quan hệ với thiên nhiên và tình cảm gắn bó cộng đồng; bảo đảm yêu cầu phòng vệ - tự vệ và sự ổn định dài lâu; yêu cầu quan hệ giao tiếp - mở rộng; vừa phù hợp thực tế vừa bảo đảm tính hợp lý. Làng ở đồng bằng Bắc bộ có hình khối bảo đảm các ưu việt của văn hóa cộng đồng, bảo tồn nòi giống trước họa ngoại xâm thôn tính - đồng hóa và thiên nhiên khắc nghiệt; làng ở đồng bằng Nam bộ thuận theo thiên nhiên sông nước và phát triển. Người Pháp phân địa giới các tỉnh, huyện phù hợp với yêu cầu giao tiếp hành chính của thời công nghiệp - cơ giới chưa phát triển; đặt ranh giới không theo sông rạch là thứ hay bị biến đổi theo dòng chảy và trên hết là vấn đề văn hóa - tâm linh, nên hình hài - quy mô - danh xưng - kể cả tục danh của các địa phương, sông - hồ - kinh rạch - đường mòn, họ gần như không thay đổi tùy hứng. Nó trở thành văn hóa - bản sắc, mọi thay đổi nếu không cẩn trọng đều có hệ quả nặng nề như ta thấy.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII chỉ ra thực trạng và yêu cầu chấn chỉnh là quá cần thiết, không thể chậm trễ. Nhưng vội vã sửa sai không khoa học - thực tiễn thì cũng lại phạm cái sai của sai, thậm chí là nguy hiểm, đổ vỡ.

Bắt đầu từ con người, cơ quan tham mưu

Nguyễn Minh Nhị

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277112/on-dinh-cau-truc-de-on-dinh-xa-hoi-.html