Ôn cố tri tân: Lý Tường Quan, từ quan trường đến thương trường

Ông Lý Tường Quan từng nắm giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền thực dân nhưng đã từ bỏ chốn quan trường về buôn bán kinh doanh. Sự nghiệp kinh doanh của ông phất lên nhanh chóng, Lý Tường Quan trở thành 'vua' ngành thực phẩm và sau đó là 'đại gia' bất động sản nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn – Gia Định vào thế kỷ XIX.

Chân dung ông Lý Tường Quan (1842-1896)

Chân dung ông Lý Tường Quan (1842-1896)

Lý Tường Quan (1842-1896) sinh ra trong một gia đình có cha là người Hoa và mẹ là người Việt ở vùng Gia Định.

Ông là người có tài, rất thông minh và ham học. Ông tinh thông tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Pháp. Người Hoa tại Chợ lớn đã bầu ông là bang chủ Tiều Châu. Người Pháp nghe tiếng mời ông làm thông ngôn rồi kiêm luôn bang chủ của cả 7 bang người Hoa.

Nghề thông ngôn không đơn giản chỉ là đi phiên dịch cho Tây, mà còn nắm nhiều thông tin cơ mật. Nếu được làm thông ngôn cho quan Tây chức to, cộng thêm chút khôn khéo thì cơ hội tiến thân vào bộ máy chính quyền thực dân rất lớn.

Lý Tường Quan hiểu rõ điều đó nhưng ông không muốn tiến thân bằng con đường quan lộ. Năm 30 tuổi, ông xin nghỉ làm thông ngôn, chuyển sang nghề buôn bán. Trên thực tế, khoảng thời gian ông làm việc cho chính quyền Pháp đã dành dụm được chút vốn liếng, rồi nhờ các mối quan hệ với Pháp mà việc đi buôn của ông rất thuận lợi.

Lĩnh vực kinh doanh mà ông Lý Tường Quan nhắm đến là cung cấp lương thực, thực phẩm cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Nhận thấy nhu cầu về mặt hàng thủy hải sản rất lớn, ông thu mua cá ở lục tỉnh mang lên bán ở vùng Chợ Lớn và Sài Gòn.

Để tăng lợi nhuận và mở rộng thị trường tiêu thụ, ông còn cho chế biến cá khô, mắm để bán ở các vùng xa hơn. Thậm chí, ông còn cho xuất khẩu cá khô ra nước ngoài.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, những lần đánh thuyền không từ Sài Gòn xuống, ông đưa thêm các nhu yếu phẩm ở thành thị như quần áo, giày dép, xà bông… bán lại cho người dân vùng nông thôn.

Nhờ sự linh hoạt trong kinh doanh, hiểu rõ được nhu cầu của thị trường mà hệ thống buôn bán của ông chủ họ Lý gần như thâu tóm toàn bộ vùng Nam Kỳ lục tỉnh.

Khối tài sản của ông tăng lên đáng kể, người ta gọi ông là bá hộ Xường. Xường chính là chữ Tường, tên ông, đọc theo tiếng Hoa.

Chưa dừng lại ở lĩnh vực kinh doanh lương thực, thực phẩm; bá hộ Xường tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực bất động sản. Tận dụng các mối quan hệ với chính quyền thực dân, ông đã mua được nhiều khu đất ruộng, đất hoang giá rẻ. Sau đó ông xây nhà rồi cho thuê lại. Theo tài liệu cũ ghi lại, thời bấy giờ bá hộ Xường sở hữu phần lớn nhà cửa trong vùng Chợ Lớn và các quận lân cận. Ông được xem như là một trong ‘tứ đại phú hộ’ của vùng đất Sài Gòn xưa.

Ông bá hộ Xường không những giỏi chuyện thương trường mà còn có hiểu biết uyên bác về thơ văn. Ông đã để lại ít nhất 3 cuốn sách viết về giáo dục, được viết bằng chữ Hán và dịch Nôm theo thể văn thơ. Đó là: “Ấu học thi diễn nghĩa”, “Thiên tự văn diễn nghĩa” và “Tam tự kinh diễn nghĩa”.

Đang trong giai đoạn cực thịnh của sự nghiệp và gia sản thì bá hộ Xường bất ngờ qua đời ở tuổi 54. Con cháu ông chia nhau cai quản gia sản. Tuy nhiên không một ai gây dựng được sự nghiệp kinh doanh như ông Lý Tường Quan. Sau này, hầu hết họ đều ra nước ngoài sinh sống.

Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn hai công trình kiến trúc ghi dấu ấn của ông Lý Tường Quan. Một là khu mộ ông và bà vợ cả Nguyễn Thị Lâu được xây dựng năm 1896 ở quận Tân Bình. Toàn bộ công trình tuy không đồ sộ nhưng rất khoáng đạt và tinh tế, mang nhiều nét độc đáo của kiến trúc cổ Trung Hoa.

Khu cổ mộ rộng khoảng 100 m2 của vợ chồng ông Lý Tường Quan ở đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM

Ngôi mộ nằm trong nhà mồ đá ngay chính giữa có cửa vòm, hai bên cửa là cặp liễn chữ Hán. Mộ bằng đá xanh, hình chữ nhật. Phía trước mộ có tượng hai người bằng đá đứng hầu, được cho là tạc theo gia nhân có thật của ông lúc sinh thời. Sau bia mộ có bia đá lớn khắc hơn 300 chữ Hán, ghi chép lại tiểu sử và sự nghiệp của ông Lý Tường Quan.

Bên trong khu mộ

Một công trình khác là căn nhà ông sống thuở sinh thời trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thuộc quận 5. Ngôi nhà cổ ba gian hai chái với những cột gỗ lớn và mái lợp ngói đã có niên đại hơn 130 năm. Ngôi nhà hiện là từ đường của dòng họ Lý tại TP Hồ Chí Minh và được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Từ đường của dòng họ Lý ở số 292, đường Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5, TP HCM

Hoài Thương

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/on-co-tri-tan-ly-tuong-quan-tu-quan-truong-den-thuong-truong-20180504224246699.htm