Ồn ào chưa có hồi kết quanh một chương trình nghệ thuật ở Hội An

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, chương trình nghệ thuật Ký ức Hội An chính thức được công chiếu tại cồn nổi Gami nằm giữa sông Hoài (TP. Hội An, Quảng Nam). Dù được giới thiệu công phu, hoành tráng nhất từ trước đến nay, nhưng khi biểu diễn trên một cồn nổi, sự kiện liên tiếp gây phản ứng trái chiều từ không ít người dân…

Những hoạt cảnh trong vở diễn Ký ức Hội An

“Vấp” phản ứng từ đầu!

Với thông điệp “Một ngày Hội An- Trăm năm hoài cổ”, chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” bắt đầu diễn ra gần cuối tháng 3/2018. Chương trình được giới thiệu tái hiện như một con thuyền lớn đưa khán giả cập bến thương cảng Hội An thế kỷ 16-17 và chứng kiến những thăng trầm của phố Hội trải suốt dòng thời gian 400 năm lịch sử, nơi giao thoa văn hóa, kết nối nước Việt vào con đường tơ lụa trên biển huyền thoại....

“Ký ức Hội An” còn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) ghi nhận là chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với không gian biểu diễn trải rộng 25.000 m2, bao gồm những công trình kiến trúc đặc trưng phố Hội, thuyền bè, sông nước và hệ thống âm thanh, hiệu ứng ánh sáng tối tân phục vụ cho biểu diễn. Các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc được kể bởi nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao của gần 500 diễn viên.

Đội ngũ cố vấn bao gồm những chuyên gia uy tín hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lịch sử như: Nhà Hội An học Hoàng Đạo Kính, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Phó Chủ tịch thường trực hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách phần âm nhạc; trang phục được cố vấn bởi họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ; giảng viên Thanh Hằng - trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phụ trách biên đạo múa.

Thế nhưng, sau những suất diễn và mới nhất vào đầu tháng 4/2018, chương trình liên tiếp nhận nhiều ý kiến phản ứng trái chiều xoay quanh nội dung kịch bản, trang phục, thiết kế sân khấu... Trên các trang mạng xã hội suốt những ngày tháng 4 vừa qua, người dân Hội An còn kêu gọi “tẩy chay” vở diễn, gọi “Ký ức Hội An” là “Uất ức Hội An” vì “không có gì để có thể hình dung đó là văn hóa Hội An”.

Đáng nói, “Ký ức Hội An” có sân khấu biểu diễn đặt trên nền dự án Trung tâm hội nghị - Làng du lịch sinh thái Gami Hội An do Công ty CP Đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An làm chủ đầu tư. Ngày từ những ngày đầu triển khai, dự án trên 10 ha nằm tại cồn giữa sông Hội An lập tức bị nhiều cán bộ, người dân bức xúc, phản ảnh do ảnh hưởng đến dòng chảy sông; làm biến dạng cảnh quan, kiến trúc hai bên sông đô thị cổ Hội An; ảnh hưởng đến tình trạng sạt lở hai bên sông… Thậm chí, lãnh đạo TP. Hội An đề nghị công trình nhà hát cao từ 16,5m phải hạ còn 13,5m để phù hợp cảnh quan hai bên sông Hội An và quy định kiến trúc đô thị cổ Hội An, nhưng sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam vẫn chấp nhận phương án của chủ đầu tư.

Tranh cãi trái chiều về chi tiết vở diễn!

Nhà văn Trần Kỳ Trung, một nhà văn đang sống tại Hội An bức xúc: “Ngay từ phần mở màn, buổi ban đầu của thương cảng Hội An với hình ảnh người phụ nữ mang bụng chửa, rồi đẻ, ông chồng đánh cá… không hiểu nổi cuộc sống thời nào”. Ông Trung cho rằng, cái này mang âm hưởng của Trung Quốc tương đối nặng, từ vấn đề nội dung cho đến phong cách, cách dẫn dắt. Chưa hết, màn diễn Công chúa Ngọc Hoa cưới ở Hội An, trong chương trình họ giải thích Huyền Trân Công Chúa lấy ông Chế Bồng Nga, thế nhưng lịch sử lại nằm ở đời nhà Trần cách thế kỷ 16 mấy trăm năm. Cái này, theo ông Trung, ban tổ chức cố tình dựng lên một đám cưới của người Trung Quốc ở đất Hội An.

“Rõ ràng, chương trình này đã quên người Nhật ở Hội An, vì người Nhật đối với Hội An kể cả quá khứ và tương lai dân Hội An đều tôn trọng và biết ơn. Vì chính người Nhật đã đến Hội An và xây dựng Hội An, biết ơn Hội An, người ta đã chết và chôn ở Hội An. Và đến bây giờ họ vẫn đang giúp Hội An tu bổ Chùa Cầu, xử lý nước thải, tu bổ nhà cổ… Vậy tại sao trong chương trình gọi “Ký ức Hội An” lại không có điều đó”, ông Trung nói.

Nhà văn Trần Kỳ Trung và nhiều người ở Hội An đều cho rằng ở Hội An không có chuyện người phụ nữ đợi chồng, hay đợi người yêu mà hóa đá như trong vở diễn. Văn hóa Hội An thuộc văn hóa mở, người Hội An, phụ nữ Hội An cũng không hề bị gò bó, trói buộc theo mô típ, định kiến khắt khe như thế.

Còn rất nhiều chi tiết trong vở diễn mà người dân cùng các chuyên gia am hiểu về Hội An bức xúc sau khi xem như các cô gái mặc áo dài Việt Nam đội nón không đúng cách, âm thanh, ánh sáng nhấn chìm không gian tĩnh lặng của phố cổ, sân khấu lớn bằng bê tông sừng sững trên một cồn cát giữa sông đã che mất không gian mênh mông mà thiên nhiên ban tặng cho sông Hoài, cho người dân Hội An...

Trao đổi với báo chí xoay quanh vở diễn, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An bày tỏ, về phần chương trình nghệ thuật, thành phố hoàn toàn không tham gia. Hội đồng nghệ thuật không có thành viên nào của Hội An. Kịch bản, giấy phép biểu diễn do Sở VH-TT&DL thẩm định và cấp phép. Ông Sơn khẳng định, chương trình này cũng chỉ vừa mới đưa vào biểu diễn phục vụ và theo kế hoạch cứ 3 tháng sẽ thay đổi kịch bản khác. Kịch bản vẫn chưa khai thác hết chiều dài, độ sâu giá trị văn hóa lịch sử của Hội An nên nếu các nhà tổ chức lắng nghe ý kiến đóng góp, tham khảo ý kiến của các nhà văn hóa, người dân Hội An, khán giả để từ từ điều chỉnh, khắc phục sẽ có phản hồi tốt hơn.

Trong khi đó, ông Tôn Thất Hướng - Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, vở diễn này do Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hà Nội duyệt kịch bản, sở chỉ có chức năng theo dõi xem có diễn đúng kịch bản không. Tuy nhiên, ông Hướng cho rằng ý kiến đánh giá của những người nêu trên nói vở diễn mang hơi hướng không gian, văn hóa Trung Quốc là thiếu chính xác, không hiểu rõ gì về lịch sử xứ Đàng Trong và không có cơ sở về khoa học lịch sử.

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nói thêm, đang chờ ý kiến trả lời của Cục Nghệ thuật Biểu diễn để có văn bản chính thức thẩm định nội dung vở diễn trên. “Hội An có sự giao thoa văn hóa của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, sau này là Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... Nếu như chương trình có hơi hướng văn hóa Trung Quốc cũng là điều đương nhiên”, ông Cường nêu.

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/on-ao-chua-co-hoi-ket-quanh-mot-chuong-trinh-nghe-thuat-o-hoi-an-388023.html