Omicron đang 'hạ nhiệt', nhưng chưa thể biết được khi nào đại dịch kết thúc

Thời điểm đại dịch kết thúc vẫn là câu hỏi còn để ngỏ, khi còn đó nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.

Người dân xếp hàng chờ đợi tại một địa điểm thử nghiệm di động COVID-19 ở khu vực Quảng trường Thời đại của New York, Mỹ hồi tháng 1/2022

Người dân xếp hàng chờ đợi tại một địa điểm thử nghiệm di động COVID-19 ở khu vực Quảng trường Thời đại của New York, Mỹ hồi tháng 1/2022

Chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu

Các quan chức y tế cấp cao Mỹ đang tìm cách trấn an công chúng rằng đất nước này đang tiến gần hơn đến thời điểm mà COVID-19 sẽ không chi phối cuộc sống hàng ngày của họ nữa, khi sự gia tăng mắc bệnh và số ca nhập viện bắt đầu thuyên giảm ở nhiều nơi trên cả nước.

Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, TS Anthony Fauci cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần này rằng Mỹ đang vượt ra khỏi "giai đoạn đại dịch toàn diện" của COVID-19. Ông Fauci nói rõ rằng Mỹ sẽ không tiêu diệt được COVID-19, nhưng ông tin tưởng rằng quốc gia này có thể kiểm soát được virus để nó không còn đe dọa, đẩy các bệnh viện đến điểm bùng phát hoặc phá vỡ nền kinh tế. Vào thời điểm đó, mọi người có thể trở lại nhịp sống bình thường sau 2 năm gián đoạn và không chắc chắn bởi những đợt nhiễm trùng lặp đi lặp lại.

"Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng chúng ta đang tiến tới một thời điểm mà COVID-19 sẽ không làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thời điểm mà COVID-19 sẽ không phải là một cuộc khủng hoảng liên tục, vì vậy chúng ta không còn lo sợ về việc bị phong tỏa xã hội nữa" – ông Jeff Zient, điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra tuần trước.

Các nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã chứng minh rằng biến thể Omicron, mặc dù dễ lây lan hơn, nhưng nhìn chung không làm cho mọi người bị bệnh nặng như biến thể delta. Trong khi các ca nhiễm trùng tăng vọt, số ca nhập viện và tử vong không tăng cùng một tỷ lệ.

Trong một nghiên cứu gần đây, các bác sĩ và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi cho biết rằng sự gia tăng và suy giảm nhanh chóng của biến thể Omicron ở Nam Phi cho thấy quỹ đạo khác biệt đáng kể so với các biến thể trước đây. Các nhà khoa học cho rằng đó có thể là một dấu hiệu cho thấy đại dịch sẽ chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu ít gây ảnh hưởng đến xã hội hơn.

TS James Lawler, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nebraska (Nam Phi), nói: "Bệnh đặc hữu nói chung là bệnh mà bạn mắc ở mức độ thường xuyên và có thể dự đoán được, đơn cử như bệnh cúm mùa. Những dịch bệnh đó nói chung là có thể dự đoán được và xảy ra trong phạm vi dự báo".

Tuy nhiên, không có định nghĩa chính xác về đặc hữu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường định nghĩa đại dịch là sự lây lan không kiểm soát được của virus trên toàn cầu, còn mức độ lây truyền ổn định không dẫn đến bùng phát rộng rãi thường được coi là bệnh đặc hữu.

Mức độ lây truyền ổn định này thường đạt được khi tốc độ sinh sản của virus là một hoặc ít hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể COVID-19 ban đầu có tỷ lệ sinh sản khoảng 2, trong khi những người mắc biến thể Delta thường lây nhiễm cho 5 người khác trở lên. Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, biến thể Omicron được ước tính có khả năng lây lan gấp 3 lần so với biến thể Delta.

Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm sang những người đã được tiêm chủng đầy đủ và thậm chí đã được tiêm mũi tăng cường. Một nghiên cứu của cơ quan y tế công cộng ở Đan Mạch cho thấy rằng biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn từ 2,7 đến 3,7 lần so với biến thể Delta ở những người được tiêm chủng đầy đủ, khiến virus dễ dàng bùng phát ngay cả ở những quần thể có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy 2/3 số người bị lây nhiễm biến thể Omicron đã từng mắc COVID-19 trước đó. Điều này làm cho khả năng miễn dịch bầy đàn trở nên khó nắm bắt hơn so với suy nghĩ ban đầu. Trong năm đầu tiên của đại dịch, các quan chức chính phủ hy vọng chiến dịch tiêm chủng toàn cầu sẽ giúp tiêu diệt COVD-19 bằng cách đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, nơi có đủ số người được bảo vệ bằng vaccine.

GS Ottar Bjornstad thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ), người nghiên cứu về sự bùng phát dịch bệnh, cho biết "khái niệm về khả năng miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng mà không cần tiêm phòng là sai sự thật về mặt khoa học". "Mặc dù các trường hợp nhiễm trùng đột phá đã trở nên phổ biến với biến thể Omicron, nhưng những người được tiêm chủng sẽ phát tán ít virus hơn những người chưa tiêm phòng. Quan trọng nhất, vaccine vẫn còn hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Đó mới là điều cốt yếu để khôi phục cuộc sống bình thường" – GS Bjornstad nhận định.

Khi hiệu quả của hai liều vaccine đầu tiên giảm xuống, các mũi tiêm nhắc lại trở nên quan trọng để chế ngự đại dịch. Ví dụ, mũi tiêm tăng cường của Pfizer và BioNTech có hiệu quả lên đến 75% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng có triệu chứng hoặc bệnh tật - theo dữ liệu từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh.

Vẫn tiếp tục gây ra thiệt hại lớn

Việc trở lại cuộc sống giống như thói quen trước đại dịch của mọi người phụ thuộc vào mức độ rủi ro mà các cá nhân và xã hội sẵn sàng chấp nhận.

TS Fauci nói rằng một khi mức độ miễn dịch trong dân số đủ cao, COVID-19 sẽ được coi giống như các loại virus hô hấp theo mùa như cúm. TS Fauci cảnh báo rằng, mặc dù Mỹ đang đi đúng hướng trong việc chế ngự đại dịch, các ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong vẫn còn quá cao.

Theo CDC, Mỹ đã trải qua mùa dịch cúm tồi tệ nhất trong thập kỷ qua, từ mùa thu năm 2017 đến mùa đông năm 2018. Trong giai đoạn đó, 52.000 người chết vì cúm và 710.000 người phải nhập viện. COVID-19 đã giết hơn 236.000 người và các bệnh viện đã báo cáo gần 1,5 triệu trường hợp nhập viện do COVID-19 kể từ mùa thu năm ngoái - theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.

TS Lawler nói rằng theo một số cách nào đó, coronavirus sẽ đáp ứng định nghĩa hiện có về bệnh đặc hữu, theo nghĩa là nó đã lưu hành trong các quần thể trên khắp thế giới trong 2 năm. Tuy nhiên, dù có gọi nó là đặc hữu hay không, cũng không thay đổi được thực tế rằng virus này vẫn tiếp tục gây ra thiệt hại cho loài người.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, trong 6 tuần kể từ khi Omicron trở thành biến thể thống trị ở Mỹ, hơn 26 triệu người đã nhiễm virus này. Các ca nhiễm trùng đạt mức cao nhất mọi thời đại với hơn 803.000 ca mắc mới hàng ngày, tính trung bình trong 7 ngày vào ngày 15/1. Sau đó, con số này đã giảm khoảng 75% xuống mức trung bình khoảng 207.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Số người nhập viện cũng giảm dần. Có 103.000 bệnh nhân tại các bệnh viện Mỹ mắc COVID-19 tính đến 14/2, theo dữ liệu trung bình trong 7 ngày từ HHS, giảm 20% trong tuần qua và 35% so với mức cao nhất vào ngày 20/1.

"Sự bình thường mới"

Ngay cả khi xã hội bắt đầu trở lại hoạt động bình thường, một số biện pháp y tế công cộng có thể sẽ không hoàn toàn biến mất - TS Kelly Cawcutt , một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nebraska (Mỹ) nói rõ.

"Một số biện pháp y tế công cộng đã ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và cũng như giảm thiểu sự lây lan của các virus đường hô hấp khác sẽ kéo dài với một số thay đổi lâu dài" – bà Cawcutt cho hay.

Mặc dù nhiều người đang hy vọng rằng biến thể Omicron là một sự báo trước sự kết thúc của đại dịch, song TS Fauci cảnh báo rằng một biến thể mới có thể xuất hiện làm mất khả năng miễn dịch do Omicron cung cấp.

TS Lawler nói rằng: "Không có dữ liệu nào cho thấy rõ ràng rằng virus đã sử dụng hết các lựa chọn để đột biến và tạo ra các biến thể lây nhiễm mới. Vì vậy, nguy cơ xuất hiện tiếp các biến thể mới là điều hoàn toàn có thể".

Hà Anh (Theo CNBC)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//omicron-dang-ha-nhiet-nhung-chua-the-biet-duoc-khi-nao-dai-dich-ket-thuc-169220215141438675.htm