Omar al-Bashir từ Tổng thống thành tội phạm tham nhũng

Ngày 14-12, với cáo buộc phạm tội tham nhũng và sở hữu ngoại tệ bất hợp pháp, Tòa án Sudan đã chính thức tuyên án 2 năm tù với cựu Tổng thống Omar al-Bashir. Thẩm phán Al-Sadiq Abdelrahman cho biết, theo luật Sudan, những phạm nhân từ 70 tuổi trở lên sẽ không phải thụ án trong nhà tù.

Do đó, tòa án đã tuyên án phạt ông al-Bashir phải cải tạo giam giữ tại một trung tâm cải tạo của cộng đồng. Vậy là sau 8 tháng bị quân đội lật đổ, cựu Tổng thống 75 tuổi al-Bashir đã trở thành tội phạm.

30 năm cai trị Sudan

Omar Hasan Ahmad al-Bashir sinh ngày 1-1-1944 tại làng Hoshe Bannaga ở Sudan (thống nhất với Ai Cập vào thời điểm đó), và học hết tiểu học ở đây. Sau đó gia đình ông dời đến Khartoum, nơi ông hoàn tất chương trình học trung học. Al-Bashir nhập học trường quân sự của Quân đội Sudan, sau đó tu nghiệp tại Học viện Quân sự Ai Cập ở Cairo.

Ông Omar Al-Bashir khi còn đương nhiệm trong một lần nói chuyện với người ủng hộ tại trụ sở đảng của ông ở Thủ đô Khartoum vào tháng 4-2010.

Ông Omar Al-Bashir khi còn đương nhiệm trong một lần nói chuyện với người ủng hộ tại trụ sở đảng của ông ở Thủ đô Khartoum vào tháng 4-2010.

Tiếng mẹ đẻ của ông là tiếng Arab. Al-Bashir kết hôn với em họ mình là Fatma Khaldid. Ông cũng có vợ hai tên Widad, bà này đã có một số con với chồng đầu qua đời trong tai nạn rơi máy bay trực thăng. Al-Bashir không có con.

Cũng phải nói qua về đất nước Sudan để có thể hình dung vì sao al-Bashir lại có thể tại vị trên ghế Tổng thống suốt 30 năm. Sudan nằm ở Đông Phi, phía Bắc giáp Ai Cập, phía Đông Bắc giáp biển Đỏ, phía Đông giáp Eritrea và Ethiopia, phía Tây giáp Tchad, Libya và Cộng hòa Trung Phi, phía Nam giáp Nam Sudan.

Ước tính người Arab chiếm khoảng 70% dân số Sudan. Những nhóm dân tộc khác là Arabized sống ở khu vực Nubia theo Giáo hội Công giáo Coptic và người Beja. Sudan có tới 597 bộ lạc nói hơn 400 ngôn ngữ khác nhau và tiếng địa phương. Người Arab đến nay là nhóm dân tộc lớn nhất ở Sudan.

Họ gần như hoàn toàn theo Hồi giáo, trong khi phần lớn nói tiếng Arab Sudan, một số bộ tộc Arab khác nói tiếng địa phương khác nhau như bộ tộc Awadia, Fadnia và Bani Arak nói tiếng Arab Najdi và các bộ lạc Rufa'a, Bani Hassan, Al-Ashraf, Kinanah và Rashaida tiếng ArabHejazi. Ngoài ra, các bang miền Tây có các nhóm dân tộc khác, trong khi một vài người Bedouin của bang phía bắc Rizeigat.

Người Arab sống ở miền Bắc và miền Đông chủ yếu là những người di cư từ bán đảo Arab và một số người dân bản địa đã có từ trước của Sudan, đặc biệt là những người Nubian, cùng chia sẻ một lịch sử chung với Ai Cập và Beja. Ngoài ra, một vài bộ tộc Arab tiền Hồi giáo tồn tại ở Sudan từ trước đó di cư vào khu vực từ Tây Arabia, mặc dù hầu hết người Arab ở Sudan ngày nay di cư từ sau thế kỷ XII.

Chung với nhiều phần còn lại của thế giới Arab, quá trình Arab hóa ở Sudan từ những cuộc di cư Arab sau thế kỷ XII đã dẫn đến sự thống trị của tiếng Arab và các khía cạnh của văn hóa Arab, dẫn đến sự thay đổi lớn của Sudan và đã để lại một bản sắc dân tộc Arab ngày hôm nay.

Người biểu tình Sudan xuống đường yêu cầu Tổng thống al-Bashir từ chức.

Quá trình này được đẩy mạnh bởi cả hai sự lây lan là Hồi giáo và di cư đến Sudan của phả hệ người Arab từ bán đảo Arab, và hôn nhân của họ với người dân bản địa. Có 97% dân số tuân thủ Hồi giáo. Hầu hết là người Hồi giáo Sunni. Một số ít người theo Hồi giáo Shia hoặc Sufism. Ngoài ra còn có Giáo hội Công giáo Coptic và Chính Thống giáo Hy Lạp ở Khartoum và các thành phố khác ở phía Bắc.

Là sĩ quan quân đội nhưng al-Bashir đã nuôi tham vọng làm chính trị. Tháng 7-1989, khi đang là Lữ đoàn trưởng lính dù của Quân đội Sudan, al-Bashir đã lãnh đạo một nhóm sĩ quan trong một đảo chính quân sự lật đổ cuộc bầu cử của Thủ tướng Sadiq al-Mahdi sau khi bắt đầu đàm phán với phiến quân ở miền Nam.

Sau cuộc đảo chính này, quyền kiểm soát đất nước nằm trong tay Hội đồng chỉ huy cách mạng cứu quốc gồm 15 thành viên. Người đứng đầu Hội đồng chỉ huy cách mạng cứu quốc là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Chính quyền quân sự của Al-Bashir lên cầm quyền đã tăng cường đàn áp những người nổi loạn ở miền Nam đồng thời khuyến khích Hồi giáo chính thống.

Dù lên nắm quyền sau cuộc đảo chính của quân đội năm 1989, nhưng phải đến năm 1993 al-Bashir mới chính thức là Tổng thống thứ 7 của Sudan, đồng thời là người đứng đầu đảng Quốc hội.

Tháng 10-2005, Chính phủ của al-Bashir đã đàm phán chấm dứt nội chiến Sudan lần thứ hai, là tiền đề cho cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam, dẫn đến việc tách miền Nam thành một quốc gia riêng biệt của Nam Sudan. Lên nắm quyền, cũng như một số nhà lãnh đạo ở châu Phi, al-Bashir không muốn rời quyền lực nên dù vẫn tổ chức bầu cử nhưng al-Bashir tìm mọi cách để duy trì quyền lực của mình.

Vì thế, trong suốt 30 năm cầm quyền của al-Bashir đã có một số cuộc đấu tranh dữ dội giữa quân đội Chính phủ và các nhóm dân quân và phiến quân như Quân đội giải phóng Sudan (SLA) và Phong trào công lý và bình đẳng (JEM) dưới dạng chiến tranh du kích ở vùng Darfur. Cuộc chiến này đã khiến hơn 2,5 triệu người chết.

Tháng 7-2008, công tố viên của Tòa án hình sự quốc tế (ICC), Luis Moreno Ocampo, đã buộc tội al-Bashir của diệt chủng, tội ác chống lại loài người, và tội phạm chiến tranh ở Darfur. Ngày 4-3-2009, Tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ al-Bashir với những cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, nhưng phán quyết rằng không đủ bằng chứng để truy tố ông về tội diệt chủng.

Tiếp đó, ngày 12-7- 2010, Tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ thứ hai với cáo buộc ba tội diệt chủng riêng biệt. Lệnh mới, giống như lần đầu tiên, đã được chuyển đến Chính phủ Sudan nhưng chính phủ không công nhận nó cũng như ICC.

Phiên tòa xét xử al-Bashir với các tội danh tham nhũng, tại Thủ đô Khartoum ngày 19-8-2019.

Tháng 5-2015, al-Bashir tới Nam Phi tham dự Hội nghị thượng đỉnh liên minh châu Phi. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma trước đó đã hứa là tất cả các người tham dự được hưởng quyền miễn tố tụng.

Tuy nhiên, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ra lệnh bắt giam Al-Bashir và Nam Phi là một thành viên có bổn phận phải thi hành. Đây là lần đầu tiên ICC ra lệnh bắt người đứng đầu một quốc gia. Ngày 14-6-2015, Tòa án ở Pretoria đã ra lệnh Al-Bashir không được rời khỏi Nam Phi. Tuy nhiên vào ngày hôm sau ông trốn về nước.

Sudan có diện tích lớn thứ 16 trên thế giới và dân số hơn 40 triệu người, nhưng trong 3 thập kỷ lãnh đạo Sudan, al-Bashir đã khiến đất nước này chìm trong nghèo đói và bị cấm vận.

Năm 1993, Mỹ đưa Sudan vào danh sách các nước tài trợ khủng bố và áp đặt lệnh trừng phạt kể từ năm 1997 do tình trạng xung đột đẫm máu ở khu vực Darfur, Nile Blue và Nam Kordofan, cũng như tranh chấp biên giới với nước láng giềng Nam Sudan, bao gồm khu vực giàu dầu mỏ Abyei.

Mỹ yêu cầu Sudan chấm dứt hỗ trợ các nhóm khủng bố tại Nam Sudan, đất nước mới thành lập năm 2011 sau khi tách khỏi Sudan, đồng thời chấm dứt tình trạng thù địch tại các vùng Darfour, Nile Blue và Nam Kordofan, hợp tác với cơ quan tình báo Mỹ để chống khủng bố. Chính quyền Mỹ cho rằng cần thêm thời gian thử thách vấn đề này, mặc dù thừa nhận Chính phủ Sudan "có những tiến bộ đáng kể". Việc bị Mỹ cấm vận đã khiến nền kinh tế Sudan bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Là quốc gia chậm phát triển, kinh tế Sudan chủ yếu dựa vào nông nghiệp (chiếm 80% lực lượng lao động), gồm ngành trồng cây lương thực (lúa miến, khoai lang, sắn) và ngành chăn nuôi (bò, cừu, dê, lạc đà) ở các vùng phía Bắc và phía Nam. Bông vải là mặt hàng xuất khẩu chính.

Nguồn khoáng sản và năng lượng chưa được chú trọng khai thác. Suốt nhiều năm, cơ cấu kinh tế của Sudan bị xáo trộn do cuộc nội chiến hoành hành ở miền Nam có đa số người Kitô giáo da đen chống lại sự cai trị của người Hồi giáo ở miền Bắc.

Các nước phương Tây và một số nước Arab ôn hòa đã đình chỉ những khoản trợ giúp, nợ nước ngoài gia tăng chồng chất. Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, năm 2018, Sudan xếp ở vị trí 167 trong tổng số 189 quốc gia về chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc; đứng thứ 15 từ dưới lên trong bảng xếp hạng chỉ số các nước nghèo nhất thế giới của Liên hợp quốc.

Tháng 12-2010, WikiLeaks công bố các tài liệu cáo buộc al-Bashir đã đánh cắp tới 9 tỉ USD từ quốc gia nghèo đói của mình và cất giấu số tài sản khổng lồ này trong các ngân hàng nước ngoài. Số tiền này tương đương 10% GDP bình quân hằng năm của Sudan.

Trở thành tội phạm và tiếp tục bị săn lùng

Ngày 19-12-2018, các cuộc biểu tình tại Sudan bắt đầu nổ ra khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Thời điểm đó, Tổng thống Bashir tuyên bố không từ chức và khẳng định cách duy nhất để thay đổi chính phủ là thông qua bầu cử. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã kéo dài suốt 4 tháng khiến đất nước rơi vào hỗn loạn.

Ngày 11-4-2019, trước sức ép của quân đội, al-Bashir đã phải tuyên bố từ chức, kết thúc 30 năm cai trị đất nước. Chính quyền mới giam giữ ông trong nhà tù Khartoum khét tiếng, nơi ông từng tống giam nhiều thế hệ người chống đối suốt 3 thập niên cầm quyền của mình. Sau khi bị lật đổ, al-Bashir phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng và sở hữu ngoại tệ bất hợp pháp. Hội đồng quân sự chuyển tiếp tại Sudan cho hay đã thu giữ số tiền trị giá hơn 113 triệu USD tại tư dinh của ông al-Bashir.

Tại phiên tòa thứ 3 xét xử ông al-Bashir vào tháng 8-2019, Thẩm phán Al-Sadiq Abdelrahman cho biết nhà chức trách đã tịch thu 6,9 triệu euro, 351.770 USD và 5,7 triệu bảng Sudan tại nhà riêng của ông al-Bashir. Thẩm phán Abdelrahman cho rằng số tiền này ông al-Bashir "có được và sử dụng một cách bất hợp pháp".

Ông al-Bashir thừa nhận đã nhận tiền từ Hoàng gia Saudi Arabia cũng như từ các nguồn khác, nhưng khẳng định ông không nhận hoặc sử dụng các khoản tiền này cho mục đích cá nhân. Trong khi đó, Thiếu tướng Yassir Bashir, người quản lý văn phòng tổng thống từ năm 2015-2018, nói trong tòa rằng: "Al-Bashir là người duy nhất có chìa khóa của căn phòng nơi tìm thấy tiền. Nhiệm vụ của tôi chỉ là giao tiền mặt theo lệnh của al-Bashir". Còn Thiếu tướng Cảnh sát Sudan Ahmed Ali cho biết cựu Tổng thống đã khai báo từng nhận 90 triệu USD tiền mặt từ Hoàng gia Saudi Arabia.

Sau khi al-Bashir bị bắt, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) kêu gọi chính quyền quân sự tại Sudan giao nộp ông cho Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) để xét xử về các tội ác liên quan đến cuộc xung đột tại vùng Darfur. AI khẳng định ông al-Bashir "đã tránh né công lý trong thời gian quá dài". Điều đó có nghĩa con đường tù tội với cựu tổng thống 75 tuổi này có thể vẫn chưa kết thúc.

Minh Khuê (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/omar-al-bashir-tu-tong-thong-thanh-toi-pham-tham-nhung-574848/