Ôm mộng làm giàu từ công nghệ, dân Thâm Quyến khó mua nhà

Người lao động Trung Quốc đổ xô đến Thâm Quyến khiến giá bất động sản tăng vọt. Mức giá trung bình của một căn hộ tại thành phố bằng 43,5 lần mức lương trung bình.

Trong cái nắng nóng tháng 8, cô Hu Jinjin đã đứng suốt 5 tiếng bên ngoài một showroom dự án nhà. Cô muốn tìm mua một căn hộ hai phòng ngủ, cách trung tâm Thâm Quyến hai tiếng đi xe.

Mức giá 3,6 triệu NDT (550.000 USD) khá lớn đối với cô Hu và người cha làm nghề lái taxi. Tuy nhiên, đó là lựa chọn hợp lý nhất trong một thành phố đắt đỏ như Thâm Quyến.

Sau thời gian dài chờ đợi, cô Hu hay tin quy tắc đã thay đổi. Là lao động từ nơi khác đến, cô phải sống và đóng thuế cho thành phố thêm ba năm nữa rồi mới có thể mua căn hộ. "Tôi bật khóc ngay lập tức", Bloomberg dẫn lời cô Hu, 29 tuổi, kể lại.

Cô làm công việc biên tập video cho một công ty truyền thông xã hội. "Giờ, thành phố muốn thu hút lao động có tay nghề cao. Những người bình thường như tôi không còn quan trọng nữa", cô Hu than thở.

Câu chuyện của cô Hu không phải là trường hợp duy nhất ở Thâm Quyến - thành phố được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc". Từ một làng chài nhỏ trở thành đô thị với khoảng 22 triệu dân trong vòng bốn thập kỷ, Thâm Quyến từ lâu đã là điểm đến lý tưởng cho những người trẻ muốn trở thành "Jack Ma thứ hai".

 Mức giá một căn hộ tại Thâm Quyến bằng 43,5 mức lương trung bình hàng năm của một cư dân. Ảnh: Getty Images.

Mức giá một căn hộ tại Thâm Quyến bằng 43,5 mức lương trung bình hàng năm của một cư dân. Ảnh: Getty Images.

Chi phí đắt đỏ

Theo Bloomberg, chính sách hộ khẩu lỏng lẻo trước đây của Thâm Quyến đã giúp thành phố thu hút 500.000 cư dân mới mỗi năm. Họ đến để xin việc vào những công ty hàng đầu, từ Huawei Technologies, Tencent Holdings đến Ping An Insurance Group.

Tuy nhiên, sự bùng nổ đẩy giá bất động sản tăng mạnh. Trung bình, một căn hộ hai phòng ngủ sẽ được bán với giá khoảng 900.000 USD. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại thành phố chỉ 20.000 USD/năm.

Theo công ty bất động sản Trung Quốc E-House, với mức giá một căn hộ bằng 43,5 mức lương trung bình hàng năm của một cư dân, khả năng chi trả nhà ở của Thâm Quyến chỉ tốt hơn một bậc so với Hong Kong. Chỉ 1/3 cư dân Thâm Quyến có thể sở hữu nhà, bằng 50% so với các thành phố lớn khác của Trung Quốc như Thượng Hải.

Đáng nói, tỷ lệ này còn thấp hơn những trung tâm công nghệ nổi tiếng đắt đỏ của Mỹ như San Francisco và Seattle. Nhìn rộng hơn, việc thiếu nhà ở giá rẻ tại Thâm Quyến cho thấy tình trạng chênh lệch thu nhập đã tăng vọt trong những năm gần đây. Nền kinh tế mở cửa sinh ra các tỷ phú như Jack Ma, nhưng đe dọa bỏ lại nhiều lao động hơn.

Giá bất động sản tăng mạnh khiến cư dân Thâm Quyến ngày càng khó mua nhà. Ảnh: Bloomberg.

“Nếu các thành phố của Trung Quốc tiếp tục áp dụng mô hình tăng trưởng này, sự bất bình đẳng đối với những lao động có trình độ học vấn thấp và kỹ năng không cao sẽ ngày càng gia tăng. Đó thực sự là một vấn đề lớn”, PGS Qiao Shitong tại Đại học Hong Kong nhấn mạnh.

Thế hệ lao động hiện tại của Trung Quốc đặt kỳ vọng ngày càng cao, sau khi chứng kiến khối tài sản khổng lồ đã được tạo ra trong nền kinh tế thứ hai thế giới. Hiện nay, việc sở hữu một ngôi nhà vẫn là một nhu cầu văn hóa trong hôn nhân của đất nước tỷ dân, chưa kể đến việc giá cả đã tăng 300%.

"Quyền sở hữu nhà được coi là điều kiện tiên quyết đối với những người đàn ông độc thân nếu muốn tìm bạn đời", ông Yukon Huang, cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh, chia sẻ.

Bùng nổ kinh tế của Trung Quốc và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu là một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trên thế giới trong bốn thập kỷ qua. Theo dữ liệu về bất bình đẳng thế giới, tổng tăng trưởng thu nhập của nước này đã tăng 776% từ năm 1980 đến năm 2015, gấp hơn 10 lần tỷ lệ của Mỹ.

Khả năng chi trả nhà ở của cư dân Thâm Quyến chỉ tốt hơn một bậc so với Hong Kong.

Chìa khóa đằng sau sự bùng nổ này là việc các công nhân, nông dân từ vùng nông thôn chuyển đến thành phố lớn. Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Trung Quốc sở hữu một trong những tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới với khoảng 95%. Trong khi đó, tỷ lệ ở Mỹ và Anh chỉ khoảng 65%, theo Trading Economics.

Trên thực tế, các lao động nhập cư ở Thâm Quyến thường sống trong những chengzhongcun (nghĩa là "ngôi làng giữa thành phố"). Dù đông đúc, chúng vẫn có giá cả phải chăng. Ngày nay, hơn 70% cư dân thành phố sống tại các khu nhà gần với ga xe buýt và tàu điện ngầm.

Tại làng Shixia, cách khu tài chính của thành phố 15 phút đi bộ, một căn phòng đủ lớn cho một cặp vợ chồng có giá khoảng 250-300 USD/tháng, rẻ hơn ba lần một căn hộ có diện tích tương đương ở bên ngoài ngôi làng.

Những lao động từ nơi khác đến thường thuê nhà trong các ngôi làng như vậy từ 3-5 năm. Sau đó, họ nhận một căn hộ tốt hơn trong vòng 7-8 năm nữa và cuối cùng mua một ngôi nhà. Tuy nhiên, lộ trình này giờ bị đe dọa vì chi phí nhà ngày càng tăng cao.

Giảm sức hút

Cũng giống nhiều thành phố đang phát triển, đắt đỏ trên khắp thế giới, vấn đề lớn nhất của Thâm Quyến là không đủ nguồn cung nhà. Số căn hộ mà cư dân thành phố được phép mua chỉ chiếm 12% tổng số đơn vị nhà ở, không đủ cho một thành phố có dân số tăng khoảng 42 lần trong 40 năm qua.

Do chi phí đắt đỏ, dòng người đổ về Thâm Quyến đã giảm hai năm qua - lần đầu tiên giảm trong vòng bảy năm. Năm ngoái, Hàng Châu - thành phố gần Thượng Hải, nơi Alibaba Group Holding đặt trụ sở - có tốc độ tăng dân số nhanh hơn.

Một số công ty có trụ sở tại Thâm Quyến cũng tìm cách để giải quyết vấn đề. Huawei đã và đang xây dựng các khối trường học và chung cư cho công nhân tại trung tâm nghiên cứu và phát triển mới.

Chi phí đắt đỏ khiến sức hút của Thâm Quyến sụt giảm.

Trong khi đó, các nhà phát triển và quy hoạch thành phố phải đối mặt khó khăn trong việc đấu thầu để tăng nguồn cung nhà ở. Không giống như những thành phố khác của Trung Quốc, Thâm Quyến gần như hết đất phát triển khu dân cư.

Kể từ năm 2017, thành phố đã khuyến khích các nhà phát triển cải tạo làng thành những căn hộ cho thuê ấm cúng. Tuy nhiên, việc mua lại đất từ nông dân đã sở hữu đất trong nhiều thập kỷ quá tốn kém.

Thành phố đang hướng tới mô hình Singapore. Theo đó, phần lớn cư dân sống trong những căn hộ nhỏ nhưng tiện nghi do chính quyền xây dựng. Tỷ lệ sở hữu nhà của Singapore đạt 90%. Trong khi đó, người dân có thể hưởng lợi từ đà tăng giá bất động sản nhờ bán lại nhà.

Cô Hu Jinjin, 29 tuổi, một lao động từ nơi khác đến Thâm Quyến làm việc, không thể mua căn nhà mơ ước. Ảnh: Bloomberg.

Hồi năm 2018, chính quyền Thâm Quyến đã công bố giải pháp. Theo đó, đến năm 2035, 60% nguồn cung nhà ở mới sẽ được chính quyền trợ cấp. Theo bà Li Yujia, trợ lý giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Nhà ở Quảng Đông, các ngôi nhà do nhà nước hỗ trợ hiện chỉ chiếm 5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 49% của Hong Kong.

Tuy nhiên, hai năm trôi qua, các nhà chức trách vẫn cố gắng xây dựng một lộ trình chi tiết. Trong khi đó, giá nhà đã tăng vọt 25%.

Trong khi đó, trở lại khu phố Bình Sơn bụi bặm, cách xa trung tâm thành phố, cô Hu nhìn chằm chằm vào những dãy nhà cao tầng dành cho các công nhân tay nghề cao.

“Thâm Quyến từng dùng khẩu hiệu suốt hàng thập kỷ: 'Hãy đến đây, và bạn ngay lập tức trở thành người Thâm Quyến”, cô Hu nhớ lại. "Giờ đây, nó giống như một trò đùa", cô than thở.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/om-mong-lam-giau-tu-cong-nghe-dan-tham-quyen-kho-mua-nha-post1165302.html