Olympic Việt Nam: Khoảng lặng nào sau cơn bão ăn mừng?

Chiến thắng hôm nay chỉ là cái 'nền' để kiến tạo đội tuyển, chứ không phải một cái cớ để ăn mừng say sưa mà quên đi hiện thực.

"Đi bão" đang là cụm từ được dùng phổ biến nhất từ khoảng 10h tối qua, bên cạnh những mỹ từ như "chiến tích lịch sử", "kỳ tích", "đẳng cấp" hay "địa chấn". Người người "đi bão", nhà nhà "đi bão", tái hiện nguyên vẹn khoảnh khắc bùng nổ sau những chiến thắng lịch sử trước U23 Iraq hay U23 Qatar tại giải U23 châu Á.

Người hâm mộ giờ "đi bão" lành nghề hơn, với những lá cờ và băng rôn được cất giữ và chuẩn bị kỹ lưỡng từ cách đây... tám tháng. Bóng đá Việt Nam giờ đã được nhìn nhận ở vị thế khác. Các cấp độ đội tuyển không còn dự giải châu Á để cọ xát, học hỏi. U20 Việt Nam dự U20 World Cup, U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á, còn Olympic Việt Nam đã đi tới bán kết ASIAD. Kỳ vọng lớn hơn, và người hâm mộ nên quen dần với những khoảnh khắc như vậy.

Video: Người hâm mộ ăn mừng bùng nổ sau chiến thắng của Olympic Việt Nam

Chiến tích giờ không phải vấn đề với bóng đá Việt Nam. Những màn ăn mừng thâu đêm suốt sáng đang dần trở nên quen thuộc. Vấn đề nằm ở chỗ: sau những cơn cuồng phong ăn mừng trên khắp đường phố, chúng ta còn lại gì?

Những lời tung hô, ca tụng như một cơn say, mang lại cảm giác thích thú cho người tiếp nhận. Nhưng một sáng thực dậy, khi cơn say qua đi, người ta sẽ nhận ra mình không còn gì. Chiến tích nào rồi cũng qua đi, song không phải chiến thắng nào cũng tạo được động lực để "chỉ hướng" đúng đắn cho bước đi của cả một nền bóng đá. Chức vô địch AFF Cup 2008 là một ví dụ. Nếu chiến thắng không khiến bóng đá thay đổi, thì chiến thắng ấy cũng chỉ như một cơn say. Đến rồi đi, chỉ để lại cảm giác bẽ bàng.

Nhưng thật may, chiến công U23 Việt Nam tám tháng trước hay Olympic Việt Nam hôm nay không khiến bóng đá Việt Nam phải chịu thêm cơn say nào nữa. V-League có những bước chuyển biến khi khán giả đến sân nhiều hơn. Bóng đá trẻ được quan tâm chu đáo hơn. Bóng đá bạo lực, trên một phương diện nào đó, dần bị đẩy lùi khỏi sân cỏ V-League.

U23 Việt Nam tạo động lực để bóng đá Việt Nam chuyển mình. (Ảnh: Duy Thành)

Quan trọng nhất: niềm tin của người hâm mộ vào bóng đá Việt Nam đã được phục hồi. Chưa bao giờ, chúng ta có một lứa cầu thủ lành mạnh, sạch sẽ và giàu tính chiến đấu như hiện tại. Mồ hôi, máu và nước mắt đổ ra để đổi lấy niềm tin bị đánh cắp trong gần một thập kỷ mòn mỏi đợi chờ. Nói như HLV Park Hang Seo thì "đây là chiến thắng của tất cả chúng ta", chứ không phải chiến thắng của cá nhân ai.

Tuy nhiên, hiệu ứng Olympic Việt Nam vẫn chỉ tạo ra những cơn bão đơn thuần. Chúng ta thiếu những nốt lặng để nhìn lại cả cuộc hành trình. Dư luận đổ xô chỉ trích quyết định loại thủ môn Văn Lâm khỏi đội tuyển, vì không tin tưởng vào phong độ của Bùi Tiến Dũng sau quãng thời gian dự bị ở V-League.

Kết quả, Tiến Dũng chơi xuất sắc, bản lĩnh để góp công giúp Olympic Việt Nam sạch lưới sau năm trận ở ASIAD.

Đội trưởng Văn Quyết bị nghi ngờ về khả năng, phẩm cách, cũng chơi ở ngưỡng đạt yêu cầu và có in dấu giầy và một bàn thắng. Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa còn khẳng định "Văn Quyết xứng đáng là thủ lĩnh của Olympic Việt Nam". Một bộ phận không đồng tình với cách Olympic Việt Nam bung sức với Olympic Nhật Bản, song thực tế chỉ ra nếu không căng sức, liệu Quang Hải cùng các đồng đội có giữ được nhịp độ hưng phấn trong cả cuộc hành trình dài, hay việc đá với tinh thần cao nhất ở giải giao hữu Tứ hùng có khiến toàn đội lộ bài,... hôm nay, tấm vé bán kết của Olympic Việt Nam đã xóa tan những lời chỉ trích.

Máu đổ xuống, để những mầm cây hy vọng được mọc lên. (Ảnh: Duy Thành)

Người ta thường nói: khi bạn thắng, bạn nói gì cũng đúng, và mọi điều bạn làm đều trở thành chân lý. Olympic Việt Nam được ngợi khen khi chiến thắng, song nếu toàn đội thua trận, thì với cùng những nỗ lực đã bỏ ra, đôi khi dư luận lại nhìn đội tuyển với con mắt khác. Thất bại hay chiến thắng đều mang đến hiệu ứng tích cực cho các cầu thủ trẻ, chỉ cần chúng ta nhìn nhận với lăng kính bao dung.

Đức Chinh, Tiến Dũng, Trọng Đại,... từng về nước với không ai chờ đón ở sân bay sau trận thua U19 Thái Lan 0-6 cách đây hai năm. Nếu không có thất bại ấy, sẽ không có Olympic Việt Nam cứng cỏi và bản lĩnh hôm nay.

Đừng say sưa với chiến thắng và đừng vô tình với thất bại. Mọi trải nghiệm đều là bài học bổ ích, nếu chúng ta có phương pháp tốt và hội tụ đủ quyết tâm. Mọi chiến công đều là cú hích, giúp bóng đá Việt Nam xây chắc phần nền. Mọi công trình kỳ vĩ đều phải được xây dựng trên nền đất đủ tốt. Mồ hôi, nước mắt và máu rơi xuống, những hạt mầm tin tưởng và hy vọng sẽ được mọc lên. Và muốn mọc lên, chúng cần khoảng lặng, chứ không phải cơn bão tung hô của một đám đông.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/olympic-viet-nam-khoang-lang-nao-sau-con-bao-an-mung-d423121.html