Olympic và cơ hội hâm nóng quan hệ Trung-Nhật

Vào thời điểm mà Nhật Bản đang chịu áp lực ngày càng lớn về việc hủy bỏ hoặc trì hoãn Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo một lần nữa, Trung Quốc lại bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho sự kiện thể thao này. Động thái bất ngờ này khiến nhiều người tỏ thái độ hoài nghi.

Đầu tháng 5-2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach để cam kết hỗ trợ cho một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới được tổ chức tại Nhật Bản. Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin rằng ông Tập Cận Bình đã đề nghị cung cấp cho IOC vaccine phòng COVID-19 do Trung Quốc phát triển và giúp “xây dựng một hàng rào hiệu quả để bảo vệ sự an toàn của các vận động viên”.

Ông Tập Cận Bình cho biết phía Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với IOC và ủng hộ việc tổ chức Thế vận hội Tokyo, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc tự tin sẽ tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông Olympic và Paralympic Bắc Kinh 2022 theo đúng lịch trình.

Trong bối cảnh mâu thuẫn từ lâu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cuộc điện đàm đó đã khiến một số người ngạc nhiên - đặc biệt là vì nó diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Nhật Bản từ chối một đề nghị tương tự từ Bắc Kinh.

Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 đã bị hoãn lại do dịch COVID-19.

Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 đã bị hoãn lại do dịch COVID-19.

Thật vậy, cam kết hỗ trợ của ông Tập Cận Bình được đưa ra vào thời điểm thử thách mối quan hệ phức tạp của Trung Quốc với nước láng giềng Nhật Bản. Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1-2021.

Với việc Tokyo đang tiến gần hơn tới Washington theo cách mà Bắc Kinh coi là một liên minh chống Trung Quốc, Thế vận hội mang đến cho Trung Quốc cơ hội để cài đặt lại quan hệ. Trong bối cảnh Mỹ đang kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, Trung Quốc hy vọng rằng nếu có thể giành được “trái tim” của Nhật Bản, Tokyo sẽ đáp lại bằng cách ủng hộ sự kiện thể thao diễn ra vào năm sau.

Cơ hội cài đặt lại quan hệ

Tokyo đã ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận đa phương dựa vào các đồng minh của chính quyền ông Biden để đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Nhật Bản đã tham gia nhóm Bộ tứ, nhóm an ninh do Mỹ dẫn đầu bao gồm Ấn Độ và Australia, được nhiều người coi là nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Tập Cận Bình từng hy vọng tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản. Ông đã lên kế hoạch đến Nhật Bản vào đầu năm 2020 nhưng chuyến đi đã bị hoãn do đại dịch COVID-19 và các mối quan hệ trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây.

Theo giới chuyên gia, việc ủng hộ Thế vận hội Tokyo có thể là một cách nào đó để bù đắp cho cơ hội đã mất. Phát biểu với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Huang Yanzhong, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại có trụ sở tại New York, nói: “Bất chấp những căng thẳng, Trung Quốc đã áp dụng lập trường ủng hộ và dự kiến sẽ cử một đoàn lớn vận động viên và huấn luyện viên tới Thế vận hội Tokyo”. Ông cho rằng sự ủng hộ của Trung Quốc không phải vì nước này sợ rằng bất kỳ sự trì hoãn nào nữa có thể ảnh hưởng đến lịch trình của Bắc Kinh vào năm 2022. Thay vào đó, sự ủng hộ này nhấn mạnh mối quan ngại của Trung Quốc về việc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh bị chính trị hóa và thái độ của Nhật Bản sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc khi bị Mỹ và EU tẩy chay.

Ngày 7-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc được phát triển bởi Sinopharm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhưng vẫn chưa rõ liệu các vaccine của Trung Quốc có được sử dụng cho các vận động viên hay không. Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Hải Dương Trung Quốc, cho rằng dù Nhật Bản có chấp nhận vaccine của Trung Quốc hay không, lời đề nghị này là một cử chỉ thân thiện và tạo cơ hội cho Trung Quốc cải thiện quan hệ song phương.

Tương lai Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh

Trong khi ánh mắt của giới truyền thông đang đổ về tranh cãi xung quanh Thế vận hội Tokyo thì sự chú ý của Trung Quốc lại tập trung vào Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ diễn ra từ ngày 4-2 đến ngày 20-2-2022. Tuy nhiên, kế hoạch của họ đã bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi tẩy chay ngày một gia tăng từ bên ngoài để phản đối cách đối xử của Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trong khi đó, Trung Quốc trước nay luôn phản đối các cáo buộc của phương Tây về vấn đề nhân quyền nói trên, cho rằng đó là những cáo buộc phi thực tế.

Sourabh Gupta, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ ở Washington, nhận định với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng trong bối cảnh này, Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia tiên tiến, tuy lên án vấn đề Tân Cương nhưng đã không thực hiện bất kỳ biện pháp chống Trung Quốc đáng kể nào hoặc ủng hộ việc tẩy chay Thế vận hội mùa đông. Ông cho rằng những khó khăn của Nhật Bản đối với Thế vận hội mùa hè có nghĩa là họ sẽ không hưởng lợi gì nếu tham gia các cuộc kêu gọi tẩy chay vì nó dường như trái ngược với tinh thần Olympic.

Lần cuối cùng Mỹ tẩy chay Thế vận hội Olympic là vào năm 1980 khi Tổng thống Jimmy Carter không cho cử vận động viện đến Moscow (Nga) giữa lúc Chiến tranh Lạnh căng thẳng. Nga đáp trả sau đó bằng việc tẩy chay Thế vận hội mùa hè ở Los Angeles (Mỹ) 4 năm sau đó.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Mark Dreyer, một nhà bình luận thể thao và là người sáng lập trang web China Sports Insider, tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của Thế vận hội mùa đông. Ông nói: “Có vẻ như không có quốc gia nào sẽ thực sự tiến hành tẩy chay sự kiện này, nói cách khác là sẽ không cử vận động viên”. Hành động tẩy chay sẽ làm tổn thương các vận động viên đang luyện tập hăng say để thi đấu. Nếu thực sự các nhà lãnh đạo tẩy chay Thế vận hội, các vận động viên chính là người phải trả giá cho hành động đó.

Bích Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/olympic-va-co-hoi-ham-nong-quan-he-trung-nhat-642658/