Ðối phó và đón đầu

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Indonesia có thể suy giảm 3,9% trong năm 2020, nếu để xảy ra làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ hai. Ðây sẽ là lần đầu kinh tế Indonesia bị suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Mặc dù còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng Indonesia đã bắt đầu triển khai chính sách 'đi trước đón đầu' làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp Mỹ trong thời gian tới.

Một góc của thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 19-5. (Ảnh: Reuters)

Một góc của thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 19-5. (Ảnh: Reuters)

Theo OECD, tăng trưởng kinh tế của Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Ðông - Nam Á - sẽ đạt 2,8% trong năm nay nếu tránh được làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. OECD cảnh báo, Indonesia hiện đối mặt con đường đầy chông gai phía trước khi chính phủ đang phục hồi kinh tế bằng cách mở lại một số lĩnh vực sau hơn hai tháng phong tỏa một phần. OECD cho rằng nguy cơ lớn đối với Indonesia là sự bùng phát dịch trở lại trong nửa cuối năm nay, dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp ngăn chặn tương ứng.

Tổng thống Indonesia J.Widodo mới đây lên tiếng cảnh báo nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt sau khi nới lỏng các hạn chế xã hội quy mô lớn tại một số khu vực. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công nghiệp Indonesia có kế hoạch áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ ngành công nghiệp dệt may trong nước. Cục trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa G.Wibawaningsih cho biết, Bộ Công nghiệp sẽ thông qua việc áp đặt các biện pháp tự vệ, xuất phát từ việc kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may tăng mạnh trong ba năm qua, đạt 2,38 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2019. Bà nhấn mạnh, bảo vệ ngành may mặc là “bắt buộc”, do lĩnh vực này đóng góp đáng kể vào GDP của Indonesia, với 5,4% trong năm 2019.

Theo số liệu mới nhất, Indonesia hiện ghi nhận 37.420 ca nhiễm Covid-19, trong đó số người chết là 2.091. Chính quyền tỉnh Tây Java đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn đến ngày 26-6 tới sau khi các ca nhiễm mới gia tăng đột biến trong tuần qua, trong đó có ngày ghi nhận thêm hơn 1.000 ca nhiễm. Quyết định nêu trên sẽ có hiệu lực trên toàn tỉnh, ngoại trừ ba thành phố vệ tinh thuộc khu vực Ðại Jakarta là Bogor, Depok và Bekasi, nơi các biện pháp này sẽ được duy trì đến ngày 2-7 tới.

Thống đốc Tây Java R.Kamil cho biết, chính quyền đã quyết định không nới lỏng các biện pháp giám sát Covid-19, dù trước đó đã công bố 10 khu vực mầu vàng và 17 khu vực mầu xanh. Các khu vực vàng được phép gia tăng hoạt động kinh tế lên khoảng 60% mức bình thường, song phải duy trì nghiêm ngặt các quy định về y tế.

Trong khi đó, các khu vực xanh được phép mở lại tất cả cơ sở công cộng và thương mại nhưng không được tập trung đông người. Nhất là tại các chợ truyền thống, địa điểm có nguy cơ lây lan virus cao. Dự kiến, Tây Java sẽ tiến hành các đợt xét nghiệm nhanh tại 700 chợ trên toàn tỉnh, với sự tham gia hỗ trợ của lực lượng cảnh sát và quân đội. Cũng theo Thống đốc R.Kamil, chính quyền địa phương vẫn chưa quyết định mở lại các trường học và nơi vui chơi giải trí do lo ngại sẽ trở thành các ổ dịch mới trong làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Mặc dù còn đối mặt nhiều thách thức trong cuộc chiến chống dịch bệnh, nhưng Indonesia đã bắt đầu triển khai chính sách “đi trước đón đầu” làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Mỹ trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Công nghiệp Indonesia có kế hoạch phát triển 27 khu công nghiệp vào cuối năm 2024 nhằm tận dụng cơ hội khi các doanh nghiệp, công ty của nhiều nước, trong đó có Mỹ, tại Trung Quốc có thể thay đổi địa điểm, tìm kiếm một địa bàn hoạt động mới tại khu vực Ðông - Nam Á.

Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia A.Kartasasmita cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, gồm các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu, công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp sử dụng nhiều lao động và công nghiệp sản phẩm dựa trên công nghệ cao. Do đó, Bộ Công nghiệp Indonesia sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp các khu công nghiệp sẵn có và tích hợp. Hiện tại, Indonesia có 114 khu công nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng A.Kartasasmita, Mỹ luôn là đối tác thương mại quan trọng của Indonesia. Ðiều này được đánh dấu bằng sự gia tăng đầu tư và hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Trong giai đoạn 2013-2017, đầu tư của Mỹ vào Indonesia chạm mốc 36 tỷ USD. Các công ty Mỹ đóng góp rất nhiều cho Indonesia, gồm những tập đoàn công nghệ lớn như IBM, HP, Microsoft, Facebook, Google và Apple là chìa khóa để thúc đẩy “thời đại số hóa” ở Indonesia.

Với những hành động quyết liệt nhưng thận trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ hai trong bối cảnh Indonesia đang tìm cách phục hồi kinh tế, việc chính phủ đồng thời triển khai chính sách “đi trước đón đầu” làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Mỹ, được dư luận Indonesia hoan nghênh và đánh giá cao. Những động thái nêu trên được coi là bước đi phù hợp và nhạy bén nhằm đưa “đất nước vạn đảo” sớm vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội phát triển.

ÐỨC THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44855902-%C3%B0oi-pho-va-don-dau.html