Ðổi mới giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

TP Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, sớm đưa thành phố trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) chất lượng cao khu vực Ðông - Nam Á, từng bước tiếp cận nền giáo dục hiện đại của thế giới. Trong nhiều giải pháp triển khai thực hiện, thành phố chú trọng trang bị kỹ năng sống cho học sinh ở các bậc học và bước đầu mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) thực hành tại trung tâm nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) thực hành tại trung tâm nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Ba năm trở lại đây, nhiều mô hình dạy kỹ năng sống, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh ở các trường học tại TP Hồ Chí Minh nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh, học sinh. Các em được trải nghiệm trồng rau, làm thí nghiệm, học năng khiếu, rèn luyện thể chất, tham quan thực tế, tham gia các khóa xử lý tình huống… giúp phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện hơn. Ðể giúp các em "học đi đôi với hành", ứng dụng kiến thức thực tế, trải nghiệm những điều đã học bằng những việc làm cụ thể, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) dành trọn một khuôn viên làm Trung tâm nghiên cứu khoa học cho học sinh. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Bùi Minh Tâm, ngoài kiến thức giảng dạy chuyên môn, trường luôn quan tâm trang bị kiến thức kỹ năng sống cho học sinh. Hằng năm, trường xây dựng kế hoạch giảng dạy kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sinh hoạt ngoại khóa… cho học sinh. Trong năm học 2017-2018 trường tổ chức hơn 10 chuyên đề kỹ năng sống về: an toàn giao thông, gia đình - tình bạn - tình yêu, lạc quan và sẻ chia… Cùng với đó, các hoạt động thể thao, trải nghiệm sáng tạo như: Một ngày làm nông dân, hành trình về thiên nhiên, hành trình về đất phương Nam - trải nghiệm văn hóa Nam Bộ… các hoạt động trải nghiệm kỹ năng sống tạo sự hào hứng trong học tập của học sinh. Em Nguyễn Thị Lan, lớp 10, Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: "Em và các bạn cùng lớp rất thích làm thí nghiệm thực tế tại Trung tâm nghiên cứu khoa học của nhà trường. Qua đây, em hiểu thế nào là quá trình sinh trưởng của các loại cây, thế nào là năng lượng sạch, trồng rau thủy canh, sử dụng năng lượng như thế nào để giảm phát thải nhà kính…".

Tại Trường tiểu học (TH) Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cứ sáng thứ ba hằng tuần lần lượt từng nhóm khoảng 30 học sinh khối lớp 1 và 2 theo cô giáo lên vườn rau trên sân thượng để bắt đầu cho hai tiết học làm nông dân nhí. Học sinh các khối lớp khác thì chăm sóc vườn rau vào các buổi sáng còn lại trong tuần. Các em rất thích thú khi được cô giáo hướng dẫn cách gieo hạt, ươm mầm, cách chăm sóc vườn rau của mình. Cô giáo Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: "Ðến với giờ học trồng rau, các em được cô giáo dạy cách gieo hạt, chăm sóc, theo dõi sự phát triển của hạt mầm. Qua các hoạt động trải nghiệm chung của nhà trường, các em sẽ hiểu và hình thành nếp sống tốt cho mình". Chị Trần Thị Thúy Diễm, phụ huynh học sinh chia sẻ: "Tôi thấy các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trang bị kỹ năng sống cho học sinh của Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm rất thiết thực. Các hoạt động đã khơi gợi được sự khám phá, tìm hiểu của học sinh đối với các hiện tượng, sự vật thiên nhiên".

Theo Sở GD và ÐT thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua, ngành giáo dục thành phố đã, đang chú trọng triển khai các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Trong năm học 2017-2018, đã có gần 41 nghìn học sinh tham gia học tập trải nghiệm. Ngoài ra, các trường học của thành phố đã phối hợp với Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thực hiện gần 40 chủ đề liên quan đến công nghiệp 4.0; phối hợp với các bảo tàng, khu di tích… tổ chức cho hàng chục nghìn học sinh tham gia với nhiều chủ đề được các trường thực hiện. Các nhà chuyên môn nhận định, tuy TP Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những địa phương giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiệu quả nhất cả nước, nhưng xét trên bình diện chung vẫn cần những điều chỉnh, đổi mới đáp ứng nhu cầu. Thầy giáo Ðỗ Quốc Thịnh, Trường THCS Bình Chiểu, quận Thủ Ðức đã nêu ba nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chưa được như kỳ vọng, đó là: Chương trình giảng dạy còn nghiêng nhiều về kiến thức; giáo viên lúng túng khi vận dụng kiến thức kỹ năng sống trong nội dung bài dạy; nhiều thầy giáo, cô giáo dù vững chuyên môn nhưng chưa thật sự nắm bắt tâm lý lứa tuổi học sinh, dẫn đến khó khăn trong giảng dạy kỹ năng sống.

Giám đốc Sở GD và ÐT thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, cho biết: Việc tổ chức các hoạt động kỹ năng sống cho học sinh trong thời gian tới sẽ lồng ghép với các chuyên đề cụ thể, đồng thời tăng cường thêm môi trường học tập, tức là học ngoài nhà trường, học ở trong xã hội. Ðể nhân rộng và sâu hơn, ngành giáo dục sẽ tổ chức các chuyên đề về kỹ năng sống gắn với thực tế như: chuyên đề về hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm để các em học sinh hiểu và nhận thức đúng về vấn đề này trong bối cảnh thành phố đang sụt lún do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh phấn đấu trang bị cho mỗi học sinh có thể chơi ít nhất một môn thể thao, có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp…

Bài, ảnh: Cao Tân và Khánh Duy

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/37650202-%C3%B0oi-moi-giao-duc-ky-nang-song-cho-hoc-sinh.html