Ôi cỗ quê!

Ông anh họ của tôi là cháu trưởng của một chi trong dòng tộc cứ mỗi lần gặp lại than vãn: 'Một năm 365 ngày thì có đến cả trăm bữa cỗ, bữa tiệc, nào là đám cưới, đám ma, giỗ, lên nhà mới, đầy tháng con, sinh nhật, các loại hội ở thôn, ở làng…'.

Vì là cháu trưởng nên phải đi hết, nếu không đi chắc chắn sẽ bị khiển trách, nói xa nói gần hoặc mất hết họ hàng. Nghề lao động tự do như anh sống thiếu trước hụt sau, nhiều khi chẳng đủ tiền đi ăn cỗ.

Nhiều người chịu cảnh dở khóc dở cười, đâm ra bực tức cũng chỉ vì chén rượu mời mọc, ép buộc nhau. Bây giờ đám cưới ở quê tôi kiểu gì cũng phải ăn ba ngày: một hôm dựng rạp, hôm cưới chính và hôm lại mặt. Còn đám ma, một sự kiện đau buồn nhưng người ta cũng bày cỗ ra ăn mấy ngày liền. Nhiều người bảo rằng“ông, bà ấy chết thì lợn, gà cũng phải chết theo”.

Khi ruộng đất bị các khu công nghiệp lấy hết, dân quê tôi có ít tiền đền bù rủng rẻng trong túi là bắt đầu thường xuyên tụ tập nhau ăn uống. Người ở quê nghĩ ra đủ lý do để tụ tập, nào là lên nhà mới, đầy tháng con, sinh nhật, giỗ sơ ông, bà, cụ cố bên nội, bên ngoại, rồi các loại tiệc tùng như hội anh em, hội đồng niên, đồng ngũ, đồng học…

Những bàn cỗ của cánh đàn ông dù là đám ma, đám cưới hay giỗ tết, hội hè… luôn có một bình hoặc chai rượu trắng (loại trên 40 độ). Ở góc rạp là những can rượu để sẵn nhằm tiếp tế khi rượu trên mâm hết.

Chưa được miếng ăn nào vào miệng, vừa ngồi xuống bàn cỗ là họ bắt đầu đổ luôn bình rượu ra một cái bát to (ở quê tôi gọi là bát ô tô) để giữa mâm. Thế là các vị bắt đầy lấy chén của mình múc từ bát rượu chung. Họ bảo làm thế cho nhanh hơn là rót từ bình ra từng chén nhỏ. Có lần tôi hỏi: “Vậy sao không đổ rượu từ can ra bát to luôn mà còn phải giót vào bình”. Họ bảo để bình rượu để trên mâm cỗ lúc chưa ăn nhìn cho lịch sự!”.

Ngay khi nhập mâm, người ta hò nhau “đồng khởi” (tất cả cùng uống) cùng uống cạn 1 chén. Sau phát đồng khởi, chưa được miếng nào thì bắt đầu liên tiếp có người nâng chén mời với lý do làm quen, hỏi han… Để hỏi tên, tuổi, công việc, tình hình… của một người cùng mâm thì chỉ có cách phải tự giác múc rượu vào chén rồi mời, sau đó hỏi gì thì hỏi.

Còn anh, em, chú, bác… ngồi cùng bàn đã quen biết rồi thì lại bắt đầu tìm đủ lý do để mời nhau, ép nhau uống từng chén rượu. Nói chung đã ngồi vào bàn cỗ như ở quê tôi thì dù nói nhiều hay ngồi im đều phải uống rượu. Chỉ cần từ chối là sẽ có đủ lý do theo kiểu ép buộc cho đến khi người được mời phải uống bằng hết mới chịu buông tha. Thậm chí khi hơi men đã ngà ngà say, người ta còn bắt bẻ nhau kiểu: “chén anh đầy, sao chén chú lại vơi hơn”.

Mỗi chén rượu uống xong lại họ lại bắt tay nhau như thắm tình, thân thiết lắm. Những người tửu lượng cao bắt đầu cầm chén đi các mâm để chiến tiếp.

Ở quê, họ càng to càng nhiều cỗ bàn, tiệc tùng. Cứ mỗi bữa cỗ, bữa tiệc nhân có rượu là họ hàng lại bắt đầu xét hỏi, trách móc nhau kiểu “biết anh, biết chú, biết bác…là ai, chi nhánh nào ở họ không?”.

Hải Dương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275499/oi-co-que.html