OCOP tạo sức bật cho Na Hang

Huyện Na Hang (Tuyên Quang) xác định chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giúp tạo sức bật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn.

 Các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của huyện Na Hang được trưng bày, quảng bá với khách tham quan. Ảnh: Thái Sơn.

Các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của huyện Na Hang được trưng bày, quảng bá với khách tham quan. Ảnh: Thái Sơn.

Hướng đi của Na Hang là tập trung phát triển gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn chế biến với tiêu thụ. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Ông Tô Viết Hiệp, quyền Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: Huyện xác định các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương, tập trung phát triển mạnh về đàn trâu bò, cá đặc sản, chè Shan tuyết,... tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc trang thiết bị.

Các địa phương đã có hàng loạt sản phẩm nổi bật, như lợn đen thương phẩm, gà đồi, nếp cái hoa vàng,... góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Huyện Na Hang chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh để khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích, đặc biệt phải phát triển thành hàng hóa với số lượng lớn, kéo doanh nghiệp vào cùng xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) gắn với xây dựng NTM, huyện Na Hang phấn đấu xây dựng mỗi xã trên địa bàn có một sản phẩm chủ lực đặc trưng, có thương hiệu, có giá trị. Chương trình OCOP được xem là giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế ở mỗi địa phương, tạo sức bật trong quá trình xây dựng NTM.

Huyện Na Hang cũng xác định đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, gắn với phát triển nông thôn với đô thị, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của huyện theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa và khuyến khích nhiều thành phần kinh tế thực hiện. Các sản phẩm tạo ra có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa của địa phương.

Phát triển cây chè Shan tuyết trở thành sản phẩm nổi bật của huyện Na Hang. Ảnh: Thái Sơn.

Ông Đặng Ngọc Phố, Chủ nhiệm HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái chuyên sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ cho biết: Trước đây làm chè truyền thống không hiệu quả, đến năm 2018 HTX Sơn Trà đã đầu tư nhà xưởng, đưa dây chuyền công nghệ mới vào sản xuất. Từ đó chè đảm bảo chất lượng, giá bán tăng, đơn vị làm ăn có lãi. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 2 tỉ đồng và phấn đấu trong năm 2020 sẽ còn cao hơn nữa.

Ông Vi Ngọc Quí, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Na Hang cho biết: Sau gần 2 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay Na Hang đã có 7 sản phẩm được cấp nhãn hiệu như: Rau an toàn các xã Hồng Thái và Khâu Tinh, cá đặc sản Na Hang, chè Shan tuyết, đậu xanh và dưa lê.

Na Hang hiện đã có 3 sản phẩm rau an toàn được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cùng một số mặt hàng khác sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, một số sản phẩm đã có tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa.

Sản phẩm cá sạch Na Hang được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Thái Sơn.

Chương trình OCOP không chỉ mang ý nghĩa phát triển sản xuất mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.

Đây được coi là hướng đi đúng trong việc lan tỏa thương hiệu nông sản đặc trưng mang tính địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng NTM của huyện Na Hang.

Toán Nguyễn - Thái Sơn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ocop-tao-suc-bat-cho-na-hang-d263399.html