Ốc bươu vàng vẫn gây hại mạnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, trong số 8 loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn, ốc bươu vàng (pomacea canaliculata) là loài gây hại nguy hiểm nhất cho hệ sinh thái nông nghiệp.

Từ năm 2010 đến nay, tình hình lây nhiễm ốc bươu vàng trên đồng ruộng vẫn dao động từ 5.737 - 20.902ha. Loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm tiếp theo là bọ cánh cứng hại lá dừa (brontispa longissima). Theo số liệu ghi nhận của ngành nông nghiệp, diện tích trồng dừa của tỉnh bị bọ cánh cứng xâm hại từ mức nhẹ đến mức trung bình là 226ha, xuất hiện hầu hết các địa phương.

Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, cây mai dương (trinh nữ thân gỗ hay mimosa pigra) đã xâm hại khoảng 175ha, tập trung tại các huyện: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc. Riêng tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên) ghi nhận sự xâm lấn của cây mai dương với diện tích khoảng 2ha.

Ngoài 3 loài trên, còn có 5 loài ngoại lai xâm hại nhưng chưa đánh giá mức độ gây hại gồm: cá tỳ bà lớn (cá lau kiếng lớn hay pterygoplichthys pardalis), rùa tai đỏ (trachemys scripta), trinh nữ móc (mimosa diplotricha), cây ngũ sắc (bông ổi hay lantana camara) và bèo tây (bèo lục bình, bèo Nhật Bản hay eichhornia crassipes).

N.C

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/oc-buou-vang-van-gay-hai-manh-a272478.html