'Oằn mình' trong sạt lở mùa lũ

Bùng phát trên diện rộng ngay trong thời điểm trái mùa, sạt lở đã dồn đẩy hàng triệu người dân ĐBSCL thêm 'oằn mình' sau khi gánh những hệ lụy từ mùa lũ 2018 đầy bất thường. Tuy nhiên, điều khiến cho các chuyên gia lo lắng hơn chính là các giải pháp phòng chống có thể được thực hiện theo kiểu 'giật mình'.

Cận cảnh sạt lở nhà dân trên rạch Ông Chưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ảnh: LỤC TÙNG

Chưa đến hẹn đã lên

Một, hai, ba... chỉ một loáng, tôi không tài nào nhớ nổi mình đã đi qua bao nhiêu điểm sạt lở bờ kênh Thường Phước - Ba Nguyên khi ngồi đoạn đường dài chưa đầy 5km từ đầu vàm vào ấp Giồng Bàng (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp). Nơi chỉ vài ba mét đất, nhưng cũng có nơi sạt lở kéo dài hơn chục mét. Có những đoạn đất màu mới nguyên như vừa trải qua trận lở, ngoạm sâu vào bờ với vách thẳng đứng. Tất cả như cho thấy sạt lở đang diễn ra dồn dập và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đáng lo hơn khi đó không phải là trường hợp cá biệt. Ngày 9.10, tại hội nghị giao ban báo chí tháng 9.2018, ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố bị sạt lở tấn công với tổng chiều dài sạt lở 26,1km. Những ngày qua, sạt lở đã nhấn chìm 5,72ha đất ven sông và đe dọa 5.978 hộ dân, ước thiệt hại 12,62 tỉ đồng.

Còn ở An Giang, tình hình cũng hết sức nguy cấp. Liên tiếp vào các ngày 11 - 12.9, sạt lở liên tiếp tấn công hơn 100m đất bờ sông thuộc ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân. Không dừng lại ở đó, sạt lở còn dồn đẩy nhiều địa phương vào thế “chân tường”.

Hơn 1 tháng nay, tuyến lộ vòng quanh cù lao Vĩnh Trường (xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, An Giang) trở nên vắng lặng vì địa phương đã ban hành lệnh cấm xe 4 bánh do sạt lở đã đến hồi báo động. Đây là 1 trong số 18 điểm sạt lở tấn công huyện An Phú trong mùa lũ 2018.

Còn theo kết quả quan trắc của Sở TNMT tỉnh An Giang, toàn tỉnh có đến 51 đoạn sông được cảnh báo sạt lở ở mức độ nguy hiểm.

Thực ra, từ nhiều năm nay, sạt lở bờ sông đã trở thành chuyện thường ngày ở vùng ven sông, kênh, mương tại các địa phương vùng ĐBSCL. Nhưng với việc rộ lên vào thời điểm lũ chảy tràn như hiện nay được đánh giá là bất thường. Bởi thông thường, sạt lở chỉ rộ lên vào 2 thời điểm: Lúc lũ mới về và khi lũ rút. Khi đó, sự đột ngột đến và đi của dòng nước đã làm bờ sông, kênh, mương mất thăng bằng nên xảy ra hiện tượng sạt lở.

“Oằn mình” nhưng không... giật mình

Không ai phủ nhận sạt lở ngày càng nghiêm trọng hiện nay có sự tác động của thiên tai. Biến đổi khí hậu toàn cầu - nước biển dâng (BĐKH-NBD) khiến triều cường liên tục tăng cao, làm gia tăng tốc độ dòng chảy, thay đổi dòng trọng lực của sông.

Mặt khác, thời tiết nhiều năm gần đây cũng ngày một cực đoan khi liên tiếp xuất hiện chuỗi năm hạn và mưa nhiều càng khiến tình hình sạt lở vùng ĐBSCL ngày thêm nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng không ai có thể chối bỏ yếu tố “nhân tai”.

“Con người với những hoạt động thái quá của mình đã góp phần làm gia tăng sạt lở đất bờ sông” - TS Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về thủy lợi và môi trường nước - cho biết.

Ngoài những công trình thủy nông, thủy điện, cùng nạn phá rừng phía thượng nguồn đã làm thiếu hụt lượng phù sa về hạ lưu, khiến dòng chảy sông bị thay đổi còn là sự xuất hiện ngày một nhiều những công trình tải trọng lớn trái phép, lấn chiếm mặt sông, cản trở việc thoát lũ trong nước khiến cho nền địa chất vốn đã yếu phải thêm gánh nặng, hậu quả là xói lở gia tăng. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng từ hoạt động vận tải thủy.

Tuy nhiên theo TS Tô Văn Trường, chính nạn khai thác cát bừa bãi trên các dòng sông mới thực sự là thủ phạm. Bên cạnh các hoạt động khai thác theo quy hoạch, có tác dụng nắn dòng chảy tích cực, nạn khai thác cát lậu vẫn diễn ra khá rầm rộ. Vì mục tiêu lợi nhuận, khai thác cát lậu đã tác động tiêu cực đến đáy sông, khiến dòng chảy càng thêm bất thường khiến dòng nước “đói phù sa” trên bước đường đi của mình, sẵn sàng tấn công bờ sông.

Thế nhưng, trên thực tế ngành chức năng gần như “bất lực” việc kiểm soát nạn “cát tặc”. Bởi theo quy định hiện hành, các phương tiện khai thác cát lậu có quy mô trên 50m3 trở lên mới bị phạt, tịch thu phương tiện. Lợi dụng kẽ hở này, cát tặc đưa phương tiện nhỏ vào trộm cát.

ĐBSCL đang trên “cơn sốt” sạt lở. Theo TS Tô Văn Trường, điều này rất đáng quan tâm, nhưng đừng lấy đó mà cuống lên đến mức “giật mình” rồi dễ cuốn vào nạn “tiền mất tật mang”. “Sạt lở bờ sông là một hiện tượng tự nhiên theo quy luật riêng của nó với chu kỳ thăng và trầm - TS Trường đưa ra ví dụ.

Do ảnh hưởng Elnino thế kỷ, mùa khô năm 2015 - 2016 diễn ra hạn hán cực kỳ nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL. Lúc đó, nhiều người thổi phồng sự việc: Nào là do BĐKH-NBD quá nhanh, do hệ thống đập thượng nguồn sông Mekong ảnh hưởng đến châu thổ quá mạnh. Tuy nhiên, sang mùa khô 2016 - 2017, mọi chuyện lắng dịu.

Vì vậy theo TS Trường, đừng thấy “một năm thăng” trong chuỗi dài không có điểm kết thúc của quy luật tự nhiên để tự làm “giật mình” rồi chọn giải pháp công trình. Vì thực tế cho thấy, nhiều nơi đầu tư rất tốn kém, nhưng hiệu quả ngược lại. “Thế giới có hẳn ngành khoa học chỉnh trị sông.

Trước khi quyết định, họ phải thực hiện hai bước công việc minh bạch: Nghiên cứu nguyên nhân hình thành và quy luật diễn biến bờ, lòng dẫn và nghiên cứu xây dựng các công trình phù hợp nhất” - TS Trường đặc biệt lưu ý: “Nhưng, lựa chọn hàng đầu của các nhà chỉnh trị sông thế giới vẫn là những giải pháp phi công trình”.

LỤC TÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/oan-minh-trong-sat-lo-mua-lu-635998.ldo