Ô-xtrây-li-a phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông

Theo tin nước ngoài và TTXVN, trong một tuyên bố chính thức đệ trình Liên hợp quốc (LHQ) ngày 23-7, Ô-xtrây-li-a bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Ðông.

Theo tin nước ngoài và TTXVN, trong một tuyên bố chính thức đệ trình Liên hợp quốc (LHQ) ngày 23-7, Ô-xtrây-li-a bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Ðông.

Theo đó, Ô-xtrây-li-a gửi Công hàm số 20/026 lên LHQ bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Ðông. Công hàm nhấn mạnh, Ô-xtrây-li-a nhận thấy "không có cơ sở pháp lý" cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này, bao gồm cả những yêu sách liên quan các công trình đảo nhân tạo trên các bãi cạn nhỏ hoặc bãi đá ngầm. Công hàm của Chính phủ Ô-xtrây-li-a cũng khẳng định, không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong công hàm gửi LHQ ngày 17-4-2020, nói rằng "các yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận".

* Trước đó, ngày 13-7 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo ra tuyên bố về lập trường của Oa-sinh-tơn đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Ðông, trong đó khẳng định Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng, theo đó coi "các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Ðông là hoàn toàn bất hợp pháp".

* Liên quan vấn đề này, ngày 15-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Ðông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Ðông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Ðông phù hợp luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Ðông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.

* Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Ðông Á và Thái Bình Dương Ð.Xtin-oen mới đây tái khẳng định cam kết của Oa-sinh-tơn ủng hộ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 24-7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Ð.Xtin-oen đưa ra lời khẳng định tại Hội nghị quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ngày 21-7 vừa qua theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN và ARF. Hội nghị có sự tham dự của đại biểu 27 nước, tổ chức tham gia ARF và đại diện Ban Thư ký ASEAN. Các cuộc họp trong khuôn khổ ARF nằm trong số ít những sự kiện đa phương có sự tham dự của các quan chức Triều Tiên. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao... đã nhấn mạnh cam kết hiện nay của Mỹ trong việc ủng hộ một COC ở Biển Ðông, cũng như hướng đến đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện và được kiểm chứng đầy đủ".

Ngoài hội nghị nêu trên, ông Ð.Xtin-oen cũng tham dự Hội nghị trực tuyến quan chức cao cấp các nước tham gia Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS) do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN, trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch khuôn khổ Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), chủ trì. Tại hội nghị này, ông Xtin-oen nhấn mạnh sự cần thiết của việc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và quay trở lại tiến trình đàm phán.

* Tổng thống Mỹ Ð.Trăm và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn đã tiến hành cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Xin-ga-po năm 2018, trong đó hai bên nhất trí hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, các nỗ lực thực hiện thỏa thuận đình trệ kể từ sau cuộc gặp cấp cao thứ hai hồi tháng 2-2019 tại Việt Nam không đạt thỏa thuận nào, do hai bên còn nhiều bất đồng về quy mô phi hạt nhân hóa Triều Tiên và nới lỏng trừng phạt của Mỹ. Lần thứ ba và là lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Khu phi quân sự trên biên giới liên Triều vào tháng 6-2019.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/o-xtray-li-a-phan-doi-cac-yeu-sach-cua-trung-quoc-tai-bien-dong-610060/