Ở vùng đất nghề mẹ truyền con gái nối

Ở Ninh Thuận - vùng đất đầy nắng và gió ấy có rất nhiều điều thú vị. Và một trong những điều đó là những câu chuyện về nghề mẹ truyền con gái nối…

Nghệ gốm của người Chăm là nghệ mẹ truyền con gái nối

Nghệ gốm của người Chăm là nghệ mẹ truyền con gái nối

Xưa học từ mẹ mình, nay lại truyền cho con gái

Vừa nói chuyện với tôi, nghệ nhân Đàng Thị Lực ở làng gốm Bàu Trúc huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận vừa thoăn thoắt nhào nặn cục đất cho nhuyễn rồi khéo léo tạo hình cho chiếc bình hoa. Đôi bàn tay gầy đen của bà vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất thành hình tròn, rồi ấn đầu ngón tay cái vào miệng bình. Đặt bình lên chiếc ghế, bà dùng mảnh vải thấm nước, xoay người thành vòng tròn để chà láng sản phẩm.

Trong chốc lát, cục đất vô tri đã biến thành lọ hoa xinh xắn, độc bản, không hề giống bất kỳ chiếc lọ nào đã được làm trước đó. Tại sao lại nói là độc bản, bởi với cách làm gốm của người Chăm thì ít sản phẩm nào giống sản phẩm nào, cho dù cùng ra lò từ một đôi bàn tay người thợ.

Nghệ nhân Đàng Thị Lực cho biết, nghề gốm của làng Bàu Trúc có từ rất lâu đời do vợ chồng ông Pôklông Chanh khởi xướng. Đất lấy về được phơi khô 2-3 ngày, trước khi sử dụng phải ngâm trong nước một đêm rồi đem nhồi với cát theo tỉ lệ 1-1. Khi cát và đất hòa vào nhau, nghệ nhân phải dùng chân nhào, sau đó tiếp tục dùng tay nhào thêm lần nữa. Đất đạt yêu cầu cũng là lúc nghệ nhân thực hiện tác phẩm. Sản phẩm gốm hoàn tất được đem phơi 4-5 giờ, sau đó nghệ nhân phải dùng vòng tre cạo lại, tiếp tục chà bóng rồi đem phơi khô lần hai.

Mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc là một tác phẩm nghệ thuật bởi tất cả các công đoạn đều dùng tay, ngay cả khi nung gốm. Nung gốm phải chọn ngày nắng, củi được chất bên dưới, sản phẩm gốm đặt ở trên theo nguyên tắc lớn dưới, nhỏ trên. Cuối cùng, phủ một lớp rơm cho kín để khi cháy, tro rơm không làm bốc hơi nóng giúp sản phẩm có màu đẹp tự nhiên. Thời gian nung gốm 5-6 giờ. Khi gốm chín, cứ để nguyên trên lò nếu là sản phẩm thô. Riêng với sản phẩm mỹ nghệ, lúc lửa tắt cần cho ngay gốm vào nước vỏ đều để có màu đỏ đẹp.

Lúc ban đầu, sản phẩm gốm Bàu Trúc ra đời chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày với những vật dụng thân quen như nồi, chum, vại... Nhưng đến nay khi sản phẩm gốm Bàu Trúc đã được nhiều người tin dùng và nơi đây trở thành làng gốm cổ nhất Đông Nam Á thu hút du khách gần xa, thì những nghệ nhân của làng còn nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn chuyển từ làm gốm gia dụng sang mỹ nghệ. như bình đại, thác nước, tháp, bình hoa...

Nghệ nhân Đàng Thị Lực

Bản thân nghệ nhân Đàng Thị Lực từ năm 2000 cũng đã chuyển sang làm gốm mỹ nghệ. Cách đây vài năm, bà đã hoàn thành 2 chiếc bình đại (mỗi chiếc có chiều cao 2 m, nặng 220 kg) được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bình gốm Chăm lớn nhất Việt Nam. Tại phiên đấu giá diễn ra ở Công viên Văn hóa Đầm Sen - TP HCM, 2 chiếc bình đã được mua với giá 300 triệu đồng. Bà được phong nghệ nhân năm 2005.

Nhưng dù thay đổi thế nào đi chăng nữa thì ở làng gốm Bàu Trúc cũng có một điều không thay đổi. Đó là nghề làm gốm chỉ được truyền cho con gái hay nói cách khác, nghề làm gốm là nghề mẹ truyền con nối.

“Tôi sinh ra và lớn lên tại làng gốm Bàu Trúc. Từ nhỏ sáng nào tôi cũng thấy mẹ mình và rất nhiều phụ nữ trong làng quẩy gánh chất đầy chum, vại, nồi, khuôn bánh căn… đem ra chợ bán. Như những phụ nữ Chăm khác, tôi học nghề từ năm 10 tuổi, đến nay đã 65 năm tuổi đời, như vậy là có hơn năm chục năm gắn bó với những khối đất làm gốm” - bà Đàng Thị Lực cho biết.

Cũng theo bà Lực, xưa bà học làm gốm từ mẹ mình, thì nay bà lại truyền cho con gái. “Tôi có 3 cô con gái, cô lớn nhất sinh năm 1975 và cũng chỉ có nó là theo nghề của tôi. Con gái làng Chăm bây giờ ít thích học nghề truyền thống mà thích đi làm công ty vì nhàn, lương cao hơn. Con gái tôi theo nghề gốm và có lò gốm, bán sản phẩm ở nhà. Nó cũng có hai cháu nội gái, nhưng không biết là bọn trẻ có còn chịu học nghề hay không” – nghệ nhân Đàng Thị Lực tâm sự.

Giới thanh niên trong làng còn rất ít người mặn mà theo nghề

Câu chuyện của nghệ nhân Đàng Thị Lực cũng là câu chuyện của bà Đàng Thị Phan – cũng là một nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bàu Trúc. Suốt 50 năm qua, nghệ nhân Đàng Thị Phan theo đuổi cái nghề mà người làng vẫn nói vui là “nặn bằng tay, xoay bằng mông” này.

Bà kể, từ năm 18 tuổi bà đã học nghề gốm từ cụ cố nội. Đời bà nội, rồi đến mẹ bà đều gắn bó với gốm Bàu Trúc. Điều đặc biệt ở làng gốm được xem là cổ nhất Đông Nam Á này đó chính là những sản phẩm hầu hết do phụ nữ làm, bởi nghề được truyền theo kiểu mẫu hệ của người Chăm.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan nói rằng, các phụ nữ Chăm yêu nghề của bà, của mẹ mà tự mày mò “học mót” rồi tự sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới, ngoài ra chẳng có sách vở nào dạy làm gốm Bàu Trúc cả. Nghệ nhân Đàng Thị Phan có 11 người con, trong đó 3 người con gái, nhưng chẳng ai theo nghề của bà vì giới thanh niên trong làng còn rất ít người mặn mà theo đuổi cái nghề “xoay tròn” này.

Cũng ở huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận còn có làng Mỹ Nghiệp là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm, hình thành từ thế kỷ thứ 10 và được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Giống làng gốm Bàu Trúc, đến đây hình ảnh dễ thấy nhất là những người phụ nữ Chăm đôn hậu, cần mẫn, chăm chỉ ngồi hàng giờ trước khung cửi, luồn từng sợi chỉ dệt nên những tấm thổ cẩm đủ sắc màu rực rỡ.

Sản phẩm của làng dệt Mỹ Nghiệp thu hút du khách

Sẵn sàng nhiệt tình kể cho tôi nghe lịch sử làng nghề, rồi câu chuyện về nghề, nhưng người phụ nữ Chăm chừng ngoài 40 tuổi đang dệt chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ với những cuộn chỉ màu sắc rực rỡ lại e ngại không muốn nói tên của mình. Chị cho biết, nguyên liệu chính để dệt nên thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp là cây bông vải được trồng nhiều ở địa phương.

Quy trình làm nên một tấm thổ cẩm Mỹ Nghiệp phải trải qua nhiều công đoạn: bông sau khi thu hoạch về được tách hạt, se sợi, cuộn, ngâm, dập, nhuộm, hồ, chải, đánh bóng, phơi… Trong đó, khâu nhuộm đặc biệt quan trọng, đòi hỏi người nghệ nhân phải có nhiều kinh nghiệm và khả năng thẩm mỹ cao để tìm kiếm màu, pha màu sao cho vừa hài hòa vừa giữ được độ bền của màu sắc. Tất cả các màu dệt nên tấm thổ cẩm đều được lấy từ các loại lá, vỏ cây rừng trong tự nhiên.

Điều quan trọng nhất là để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, bền đẹp, toát lên được những tinh hoa văn hóa truyền thống đặc sắc đó là cả một quá trình công phu của những người phụ nữ làng Chăm Mỹ Nghiệp.

“Làng tôi hiện có khoảng 500 thợ dệt lành nghề. Đa phần những nữ nghệ nhân dệt đều là những người gắn bó lâu năm với khung dệt và có khiếu thẩm mỹ chuẩn về màu sắc, đường nét, hình khối và khả năng dệt ra được những tấm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo, độc đáo, không tấm nào giống tấm nào. Ở làng phụ nữ lo khâu dệt, còn để phục vụ khách du lịch với các sản phẩm như túi xách, ví, ba lô, áo ghi lê, váy, mũ, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường… thì công việc cắt, may từ những tấm thổ cẩm thô, để tạo nên những sản phẩm là công việc dành cho những người đàn ông” – chị cho biết.

Cũng theo chị, tuy nghề dệt là nghệ mẹ truyền con gái nối nhưng bây giờ giới trẻ ít thích học nghề vì theo chúng làm nghề dệt như bà, như mẹ chỉ quanh năm ở trong nhà cúi mặt xuống khung dệt, ít được bay nhảy đi đây đi đó…

Người phụ nữ ở làng dệt Mỹ Nghiệp

Để kết thúc bài viết này cũng cần nói thêm đôi dòng về chế độ mẫu hệ của người Chăm, bởi đây chính là nguồn gốc của việc truyền nghề theo hình thức mẹ truyền con gái nối. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì về mặt văn hóa tâm linh thì người Chăm có theo hai tôn giáo lớn chính, đó là Bà La Môn (Ấn giáo) và Hồi giáo. Trong Hồi giáo, thì lại có chia ra thành hai loại là Chăm Bà Ni và Chăm Islam. Chăm Bà La Môn và Chăm Bà Ni, thì theo chế độ mẫu hệ. Còn Chăm Islam, thì theo chế độ phụ hệ.

Đại bộ phận người Chăm sống ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; còn bộ phận người Chăm ít hơn sống chủ yếu trên cù lao thuộc sông Hậu hoặc ven sông Hậu thuộc tỉnh An Giang. Nghề gốm của người Chăm đặc biệt nổi tiếng ở hai làng Bầu Trúc (Ninh Thuận) và Trì Đức (Bình Thuận). Nghề dệt Chăm là sự đa dạng và tính truyền thống, một nét mà không phải dân tộc nào cũng có được, điển hình là làng Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận).

Ở Ninh Thuận và Bình Thuận, vì là dân tộc còn theo mẫu hệ, nên đám cưới của người Chăm chính là nghi lễ đón rể về nhà gái. Và ngày cưới, nhà trai phải đưa con trai của mình sang nhà gái. Tại đám cưới có một nghi thức là chú rể cởi áo ngoài đưa cho cô dâu như trao thân gởi phận của mình cho nàng. Sau lễ thức này, chú rể chính thức trở thành một thành viên của gia đình nhà gái...

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/o-vung-dat-nghe-me-truyen-con-gai-noi-461404.html