Ổ voi, ổ gà trên cao tốc 34 nghìn tỷ: 'Không thể đổ lỗi cho thời tiết'

Theo TS.Phạm Sỹ Liêm, trong quá trình thi công các công trình cũng như cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi, nguyên tắc phải tuân thủ những tiêu chuẩn chứ không thể đổ lỗi cho thời tiết khi xảy ra hư hỏng.

Liên quan tới những ổ gà, ổ voi trên đường cao tốc đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ (tại Km 27 và Km 45) với vốn đầu tư 34 nghìn tỷ đồng, trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) cho hay, hư hỏng này xảy ra có tính chất cục bộ chứ không tính chất đại trà trên diện rộng.

Theo ông Thành có 3 nguyên nhân gây hư hỏng mặt đường: do độ dính bám của lớp bê tông nhựa; do phương tiện lưu thông trên cao tốc làm rơi vãi dầu diezen; do mưa đọng cục bộ tại một số vị trí thấp, trũng hơn so với các vị trí xung quanh dẫn đến đọng nước tức thời khi gặp những cơn mưa lớn. Dưới tác động của tải trọng các bánh xe lưu thông qua những vị trí này làm mất đi tính liên kết của lớp bê tông nhựa ngậm nước, dễ làm bong tróc lớp bê tông nhựa.

Một ổ voi đang được vá trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. (Ảnh: Dân Trí).

Một ổ voi đang được vá trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. (Ảnh: Dân Trí).

Mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với công trình nhưng bằng kinh nghiệm của người nhiều năm công tác trong ngành xây dựng, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam online, TS.Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, nền và móng là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đến chất lượng mặt đường nhưng trong những nguyên nhân mà đại diện BQL dự án trao đổi với báo chí không thấy nhắc tới.

Mặt đường làm việc được hay không, không phải ở cường độ hay độ cứng của nó mà phải dựa vào độ vững chắc của nền. Nền không vững chắc, quá trình thi công không đầy đủ, không đạt tiêu chuẩn, ở trên bong tróc rất nhanh.

Cũng theo TS.Liêm, bê tông nhựa kị nước. Khi gặp nước, bê tông nhựa không còn nhiệm vụ kết dính.

“Các đơn vị nên xem lại nhật ký thi công, trong đó ghi lại thời tiết, nhiệt độ… thi công công trình. Phải có công tác thanh, kiểm tra không chỉ bên thi công mà cả chính quyền cũng như chủ đầu tư phải tham gia, vì có người làm phải có người kiểm tra”, TS.Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS.Phạm Sỹ Liêm cũng cho hay, với mặt đường bị đọng nước bất kể đường cũ hay mới khi ô tô có tải trọng nặng đi qua sẽ làm mặt đường bong tróc thêm, có thể thành vũng lớn. Nhưng câu hỏi mà TS.Liêm đặt ra, tại sao trên mặt đường lại có vị trí thấp, trũng hơn các vị trí xung quanh? Bên thi công, bên nghiệm thu kết quả như thế nào?

“Câu hỏi này phải dành cho bên thi công vì theo tôi, đây là hậu quả của thi công còn không ai thiết kế mặt đường có những vị trí trũng. Phân tích ra hiện trạng chủ yếu để chúng ta tìm ra trách nhiệm thuộc về ai thì mới chấn chỉnh được.

Trong quá trình làm đường chắc chắn sẽ có đủ loại thời tiết, mưa có, nắng có… bên cạnh những tiêu chuẩn đã được đặt ra. Nguyên tắc trong quá trình thi công là phải tuân thủ những tiêu chuẩn đó chứ không thể đổ lỗi cho thời tiết khi xảy ra hư hỏng”, TS.Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm.

Nguyễn Huệ

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/o-voi-o-ga-tren-cao-toc-34-nghin-ty-dong-khong-the-do-loi-cho-thoi-tiet-d149874.html