Ở Việt Nam, muốn bán 'hàng hiệu' phải khác người

Vài năm trước, các tín đồ 'hàng hiệu' Việt Nam muốn sở hữu một đôi giày Christian Louboutin sẽ phải cân nhắc khá nhiều.

Nếu không có cơ hội ra nước ngoài thường xuyên, để đặt hàng loại giày đế đỏ này sẽ khiến người mua mất ít nhất vài tuần chờ đợi. Cộng thêm các khoản phí chuyển hàng, phí phát sinh, các đôi giày có giá bán trung bình cả ngàn USD thật sự là món hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, gần đây Christian Louboutin chính hãng đã xuất hiện khá nhiều ở tủ giày của phụ nữ trung lưu TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Thông qua website bán hàng Leflair, tên tuổi lớn trong ngành thời trang này cùng nhiều thương hiệu cao cấp khác như Micheal Kors, Versace, Tom Ford… đã đến với người Việt với mức giá dễ chịu hơn, nhanh hơn và yên tâm tuyệt đối – điều đặc biệt ý nghĩa tại một thị trường có lòng tin của người tiêu dùng ở mức khá thấp.

Chọn thị trường ngách trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, ngay từ khi ra mắt vào cuối năm 2015, Leflair đã phác họa rất rõ chân dung khách hàng tiềm năng của mình.

Đó là những cư dân đô thị ở độ tuổi 25-45, đang đi làm và có thu nhập ngày càng cao. Yêu cầu công việc và giao tiếp xã hội khiến họ có nhu cầu mặc đẹp hơn, xài sang hơn.

Để thu hút phân khúc khách hàng chịu chi nhưng “khó tính”, Leflair đã đầu tư mạnh tay cho việc làm nội dung, tăng trải nghiệm mua sắm. Phòng sáng tạo của doanh nghiệp tự chụp ảnh, quay dựng, thiết kế… để đáp ứng danh sách hàng hiệu ngày càng nhiều.

Với từng sản phẩm, ngành hàng hay theo thời điểm trong năm, các nhà sáng tạo nội dung tại Leflair sẽ chọn chủ đề, bài trí phù hợp nhất để tạo ra một không gian mua sắm đúng chuẩn cao cấp. Xem sản phẩm trên Leflair, không ít người thấy “thích mắt” như đang đọc một quyển tạp chí hàng hiệu quốc tế.

Và vào 8 giờ sáng hằng ngày, những thành viên đã đăng ký trên Leflair sẽ được nhận email thông báo về 10-15 chương trình mua hàng hiệu giảm giá được chạy từ hôm đó đến 5-7 ngày kế tiếp.

Khách hàng tiềm năng của trang lúc này đã sẵn sàng chi tiền cho các món đồ đúng nhu cầu, miễn sao đó là hàng thật, đạt chất lượng và giá cả hợp lý.

Bên cạnh đầu tư đáng kể cho khâu nội dung, Leflair cũng tiên phong áp dụng hình thức flash sale – đó là thay vì bán rất nhiều mặt hàng nhưng với số lượng ít như các trang khác, Leflair sẽ bán một số lượng hàng lớn với giá sale trong thời gian ngắn.

Không tốn tiền mặt bằng, mua hàng với số lượng lớn nên Leflair có thể bán giày Louboutin hay nước hoa Versace với giá thấp hơn giá quốc tế 30 – 70%.

Còn để đúng chất lượng, tức không có món hàng giả nào trong hàng chục ngàn sản phẩm đã bán thì Leflair phải tổ chức hàng hóa hoàn toàn khác với hầu hết các trang thương mại điện tử hàng đầu – đó là không để cho chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp mình lệ thuộc vào bên thứ ba.

Khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ đầu được coi là thế mạnh lớn nhất của Leflair. Thay vì theo mô hình “chợ trực tuyến” (marketplace) rất phổ biến trong thương mại điện tử, Leflair áp dụng mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho (inventory).

Theo mô hình này, tất cả những sản phẩm trước khi lưu kho đều được Leflair kiểm tra chất lượng kỹ qua nhiều khâu để đảm bảo đạt tiêu chuẩn.

So với marketplace, mô hình inventory đòi hỏi mức đầu tư lớn hơn vào hệ thống kho và quy trình quản lý chất lượng, nhưng là cách hiệu quả nhất để xây dựng lòng tin với khách hàng.

Lòng tin là yếu tố khiến tỷ lệ khách hàng quay lại với trang thương mại điện tử này đạt mức 35% – theo chia sẻ của ông Loic Gautier, người sáng lập doanh nghiệp.

Với mức chi tiêu trung bình của một khách hàng thân thiết đạt 110 USD/tháng, doanh thu của Leflair không có sự tăng trưởng đột biến nhưng ổn định và đủ hấp dẫn để kêu gọi nhà đầu tư.

Vòng gọi vốn cuối tháng 5-2019 có sự tham gia của GS Shop và Belt Road Capital Management, nâng tổng số vốn Leflair gọi được sau ba năm rưỡi là 12 triệu USD.

Với nguồn vốn mới, tới đây Leflair sẽ mở rộng ra Đông Nam Á, mục tiêu đầu tiên là Philippines. Các khoản đầu tư mới sẽ được dùng để bổ sung danh mục hàng hóa và đầu tư vào con người, kho bãi. Hiện công ty có hai kho hàng ở Singapore và Hong Kong.

Chúng tôi cam kết sẽ mở rộng thêm những kho hàng quốc tế, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật, để mang thêm các thương hiệu mới, đồng thời cải thiện trải nghiệm mua hàng nhập khẩu khác tại Leflair”, ông Loic Gautier cho biết.

Trở lại với mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho, tất cả hàng hóa bán trên Leflair đều được mang vào kho để kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói và giao đến người mua.

Vì thế, chắc chắn Leflair sẽ không thể giao nhanh như các trang thương mại điện tử khác. Tuy nhiên, nếu thời gian hàng nằm ở kho lâu là “ác mộng” với nhiều trang thương mại điện tử vì dẫn đến tỷ lệ hủy đơn hàng cao (do khách mua đổi ý), thì tại Leflair nỗi sợ này không đáng kể.

Tỷ lệ hủy đơn hàng tại Leflair khá thấp so với mặt bằng chung. Điều đó có nghĩa: đa số quyết định mua hàng hiệu trên trang này không phải là “một phút bốc đồng”.

Việt Nam đang dần hình thành một tầng lớp chi tiêu mạnh tay cho nhu cầu làm đẹp và tạo phong cách, rất nhiều người xem vẻ ngoài cũng là một khoản cần đầu tư đến nơi đến chốn.

Vậy thì quyết định mua đôi giày Christian Louboutin giá bằng nửa tháng lương không có gì mà phải “nghĩ lại”, miễn đôi giày là hàng hiệu thứ thiệt và lại còn rẻ hơn khi mua tại cửa hàng ở Paris hay New York.

Theo Doanhnhanplus

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/o-viet-nam-muon-ban-hang-hieu-phai-khac-nguoi-152017.html