Ở trong nhà

Vài chục năm trước, thời bao cấp ấy, không ít chúng ta hình như đều vui vẻ chấp nhận với việc bị nhốt trong nhà khi cha mẹ đi làm. Đó là trách nhiệm của những đứa con làm an lòng bố mẹ khi vắng nhà mỗi sáng và chiều.

Xử lý nghiêm người không thực hiện cách ly toàn xã hội

Trong một căn phòng nhỏ tuềnh toàng, đó là thế giới riêng của đứa trẻ cô quạnh làm bạn với ô cửa sổ, bài tập về nhà, vài quyển truyện giấy đen đã cũ, những điều bí mật của chúng và nói chuyện một mình.

Thật ra việc học bài hay độc thoại không cần nhiều thời gian đến thế, tôi thích nghiên cứu nhật ký của chị gái, nó được giấu ngẫu nhiên đâu đó. Không có gì bí mật trong căn phòng nhỏ xíu của gia đình. Vài lần tôi đã rất thất vọng vì có tới mấy ngày bà chị đang tuổi lớn không hề viết thêm gì trong đó, đến năm chị học lớp 7 thì nó đã được "mã hóa", chỉ có vài cô bạn gái thân cùng lớp chị biết loại ngôn ngữ này.

Cuộc sống vất vả khiến người ta dễ nổi cáu với nhau, như cô chú phía bên kia cửa sổ chẳng hạn. Ngày cưới cô chú, tôi thậm chí còn nhao vào nhặt những pháo xịt hôm đón dâu. Bây giờ người chồng hàng ngày đều nói nhiều và bậy bạ, vợ của chú đang có em bé, mỗi lần như vậy đều áp tay lên bụng, có thể đứa trẻ trong đó đạp chân hoặc mẹ nó muốn bịt tai nó lại. Mẹ bảo, người thích nói bậy là người nghèo nàn vốn từ.

Những tiếng ồn ào đó làm trẻ con phân tâm và càng khó hiểu về người lớn. Tôi cúi xuống tiếp tục đọc nhật ký của chị gái. Chị viết thích anh Phúc, tôi rất bực bội vì điều đó. Vì khi yêu thương ai đó quá nhiều, khó lòng học được cách chia sẻ người đó với ai khác. Và sau này anh Phúc đã kịp làm anh rể tôi.

Việc đối diện với cô đơn trong phòng có thể làm đứa trẻ mạnh mẽ hơn. Biết cất đi những sợ hãi, đọc sách và tưởng tượng những gì theo cách nó mong muốn. Những câu chuyện cổ tích có một đời sống riêng về cách tưởng tượng trong mỗi đứa trẻ nhờ sự khác biệt.

Tôi vẫn răn con, gào lên, đọc sách đi, nó bây giờ không buồn tưởng tượng nữa vì mọi nhân vật trên đời đều rõ nét bằng hình ảnh nhang nhác nhau trên iPad. Đám trẻ trên tay cầm những thiết bị đó, như thể là một phần cơ thể của mình. Chuyện đó không có gì sai trái, không hề.

Đôi khi bố mẹ để chìa khóa lại, buộc vào cái dây vải quàng lên cổ con. Có thể hôm đó họ có linh tính gì đó và tôi phải chiến đấu với bản thân có nên cắm nó vào ổ khóa để chạy xuống đường một lát hay không. Chưa bao giờ tôi làm thế, bố mẹ muốn tôi ở trong nhà, chắc chắn phải có lý do gì đó. Vài lần mẹ hỏi tôi, con có mở cửa ra ngoài không, tôi đều lắc đầu, mẹ cười rất đẹp, nụ cười của sự tin tưởng cho đến khi tôi biết bỏ nhà đi bụi sau này.

Và gần 40 năm sau đó. Những "đứa trẻ" chúng ta từ mấy hôm nay bắt đầu lại một trải nghiệm của quá khứ, đó là ở nhà. Chỉ có là không còn được mơ mộng hay làm được điều gì đó thực sự ý nghĩa. Bởi chúng ta đã kịp làm người lớn, thích phàn nàn hoặc thay vì độc thoại thì lại post những thứ có lẽ không hề nên đưa lên mạng xã hội.

Đám con nít trong nhà vô cảm, chỉ nhìn thấy chúng giờ cơm, bởi chúng đã bị nhốt trong thế giới của iPad từ trước đó và bố mẹ thì đều viết nhật ký trên Facebook, giả dối và chả có gì là bí mật cả.

PV

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/o-trong-nha-591478/