Ô tô nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam sắp được 'cởi trói'

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ ký một hiệp ước về các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) đối với ô tô và phụ tùng trong tháng 9. Động thái này được cho là có lợi cho quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất trong khu vực - Thái Lan.

Thỏa thuận mới cho phép ô tô đã được kiểm tra và chứng nhận bởi nước sản xuất có thể nhập cảnh vào các quốc gia thành viên khác mà không cần phải trải qua một “vòng thi” nữa.

Người phát ngôn của Toyota Daihatsu Engineering and Manufacturing, một công ty có trụ sở tại Thái Lan, giám sát các hoạt động tại châu Á của Toyota Motor cho biết: “Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ sớm có hiệu lực. Việc đạt được thỏa thuận này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí phát sinh khi chứng nhận lại”.

Theo ông Auramon Supthaweethum, tổng giám đốc bộ phận đàm phán thương mại tại Bộ Thương mại Thái Lan, thỏa thuận này cũng ngăn các nước nhập khẩu sử dụng quy trình chứng nhận như một "hàng rào phi thuế quan" để bảo vệ ngành công nghiệp của họ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước đó, vào thời điểm tháng 1/2018, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 30% theo hiệp định ASEAN, nhưng lại tăng cường các yêu cầu thử nghiệm đối với nhập khẩu xe mới, dẫn đến việc giao dịch từ Thái Lan và Indonesia bị ngừng lại trong vài tháng. Mãi đến tháng 3 năm nay, Việt Nam mới nới lỏng các quy định về chứng nhận và bình thường hóa nhập khẩu ô tô.

Ông Auramon cho biết ASEAN đã mất 13 năm để thiết lập các tiêu chuẩn có thể chấp nhận được đối với tất cả các quốc gia thành viên. Thỏa thuận đạt được tại cuộc họp cấp bộ trưởng tháng 8 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của khối 10 thành viên nhằm tự do hóa hơn nữa thương mại khu vực.

Theo ông Auramon, cho đến nay, các nhà sản xuất ô tô ở Thái Lan và Indonesia - những nước xuất khẩu xe chính đã phải chịu chi phí chứng nhận cao để xe của họ đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp ở cả nước nhập khẩu và xuất khẩu. Một khi thỏa thuận có hiệu lực, các nhà sản xuất ô tô sẽ chỉ phải trả một trong các chi phí.

“Ngoài ra, quá trình cấp giấy chứng nhận tốn nhiều thời gian đến nỗi các nhà sản xuất ô tô thường phải trì hoãn việc giới thiệu xe mới từ 3 đến 6 tháng trong khi chờ phê duyệt”, ông Auramon nhấn mạnh thêm.

Ryohei Gamada, nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, cho biết thỏa thuận này sẽ giúp việc ra mắt một chiếc xe mới dễ dàng hơn ở một số quốc gia trong khu vực cùng một lúc.

Hiệp định hiện cần được các bộ trưởng thương mại của các nước thành viên ký kết. Theo Chotima Iemsawadikul, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ASEAN thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, thỏa thuận dự kiến sẽ có hiệu lực vào quý cuối cùng của năm 2020.

Trong năm 2019, Toyota đã sản xuất 900.000 xe trong khu vực ASEAN. Trong đó, có tới 570.000 chiếc được sản xuất tại Thái Lan, khiến nước này trở thành nhà sản xuất xe Toyota lớn thứ 4 thế giới. Toyota coi Thái Lan là cơ sở sản xuất chính cho xe bán tải và xe nhỏ gọn của hãng. Đồng thời, đây cũng là nơi xuất khẩu một nửa số xe được chế tạo tới các thị trường thành viên ASEAN khác và cũng cấp xe cho khu vực châu Đại Dương.

Các nhà sản xuất ô tô khác, bao gồm: Mitsubishi Motors, Isuzu Motors và Nissan Motor của Nhật Bản; Ford Motor của Mỹ và MG, thuộc sở hữu của SAIC Motor của Trung Quốc cũng coi Thái Lan là trung tâm xuất khẩu chính của hãng nhờ chuỗi cung ứng phát triển tốt.

Theo Bảo Minh/VietnamFinance

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/o-to-nhap-khau-tu-thai-lan-vao-viet-nam-sap-duoc-coi-troi/20200921021606460