Ô tô nhập khẩu bị 'chặn đường' vào Việt Nam

Thời điểm 1/1/2018 chuẩn bị đến, người tiêu dùng Việt Nam chưa hết háo hức với thuế xuất nhập khẩu xe cá nhân từ các nước ASEAN về 0% thì đã bị dội một 'gáo nước lạnh' bởi Nghị định 116.

Xe nhập khẩu đang bị… chặn cửa vào Việt Nam

Nghị định này “đóng sập cửa” nhập khẩu ô tô vào Việt Nam. Hàng loạt đại lý, showroom ô tô đã phải trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng đặt mua xe vào tháng 1/2018 vì Nghị định 116.

Đánh đố các nhà nhập khẩu ô tô

Nghị định 116 có nhiều điểm mới, được xem như một hàng rào kỹ thuật dành cho các nhà sản xuất xe trong nước và các hãng ô tô nhập khẩu. Trong đó, rào cản dành cho nhập khẩu ô tô thực sự là một thách thức đối với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Bởi ngoài những quy định mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng thì Nghị định 116 quy định các đơn vị nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho các cơ quan quản lý chất lượng bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe ô tô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. “Đây dường như là việc đánh đố các đơn vị nhập khẩu ô tô, là rào cản cản các dòng xe sẽ được hưởng thuế suất 0% từ 1/1/2018 từ Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam”, ông Nguyễn Toàn Trung, đại diện bán hàng của Toyota Thanh Xuân khẳng định.

Ông Trung ví dụ, các dòng xe từ Thái Lan, Indonesia sẽ có giấy chứng nhận kiểu loại tay lái nghịch theo luật của đất nước họ quy định. Nếu chiểu theo Nghị định 116, Chính phủ Thái Lan phải thay đổi luật, cấp chứng nhận kiểu loại tay lái thuận cho các dòng xe sản xuất tại Thái mới đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam. “Liệu họ có họp để thay đổi luật chỉ để xuất khẩu xe vào Việt Nam không”? - ông Trung đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, ông Xavier Coiffard - Tổng Giám đốc Auto Motor Vietnam cho rằng, Nghị định 116 là một hàng rào kỹ thuật để ngăn cản các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vào Việt Nam. Và trong thời gian tới thị trường ô tô Việt Nam sẽ là sân chơi riêng cho các nhà sản xuất xe trong nước. “Đây là điều kiện kinh doanh không bình đẳng với các đơn vị đã đầu tư nhà xưởng, dịch vụ bảo hành, sữa chữa tại Việt Nam”, ông Xavier Coiffard nói.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài là vấn đề lớn đối với tất cả các thành viên. Vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia.

Đại diện một hãng xe liên doanh khá lớn cho biết, kể từ khi có Nghị định trên, các hãng xe khác đều phải “tướt mồ hôi” chạy. Một mặt phải gửi các kiến nghị tập thể lên Chính phủ Việt Nam, mặt khác phải chayợ̉ nước sở tại xem có cách nào đáp ứng yêu cầu “khá lạ” từ Việt Nam.

Giá ô tô nhập khẩu sẽ lên cao

Ngoài quy định về việc phải cung cấp Giấy chứng nhận kiểu loại thì quy định phải kiểm tra theo quy định với từng lô xe về cảng (kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật) cũng sẽ gây ra rất nhiều phiền toái và chi phí cho doanh nghiệp và đương nhiên, những chi phí này sẽ lại… bổ lên đầu người mua xe.

Ông Xavier Coiffard cho hay, quy định kiểm định từng lô hàng cũng đã xuất hiện trước đây nhưng là quy định trong một năm sẽ phải kiểm định một lần cho từng dòng xe, phiên bản xe nhưng theo Nghị định 116, thì lô hàng nào về cảng cũng sẽ phải dừng lại để kiểm định, thời gian kiểm định phải mất vài tháng, điều này sẽ khiến cho việc giao xe cho khách hàng trở nên khó khăn, đẩy giá xe lên cao.

Đây cũng là lo ngại của một đại diện bán hàng của Lexus. Vị này khẳng định, yêu cầu kiểm định từng lô xe là yêu cầu đáng ngại nhất. Trước đây, khi một dòng xe (kiểu loại) được nhập khẩu về bán tại Việt Nam thì chỉ cần kiểm định 1 chiếc đầu tiên. Ví dụ Lexus RX300 2018 thì chỉ cần thử nghiệm xe ở lô đầu. Nhưng với quy định mới thì mọi lô xe về đều phải lấy một xe thử nghiệm, dù các xe giống hệt nhau hay lô xe chỉ vỏn vẹn 02 chiếc.

Từ quy định này dẫn tới việc một chiếc xe xuất xưởng vào năm 2018 nhưng sớm nhất, khoảng tháng 4/2018 người tiêu dùng Việt Nam mới có thể sở hữu được. Thậm chí nhiều chuyên gia dự đoán, có thể thời gian chờ đợi này sẽ nhiều hơn, phải đến tầm tháng 8 dòng xe 2018 nhập khẩu đầu tiên mới xuất hiện tại Việt Nam.

Chưa kể đến chi phí mỗi lần thử nghiệm lên tới 100 triệu, cộng thêm chi phí lưu kho, bến bãi… Tất cả những chi phí này sẽ được cộng vào giá bán, đẩy giá xe nhập khẩu lên cao hơn bình thường.

Không biết liệu các hãng xe sẽ mất bao nhiêu thời gian để lô xe nhập khẩu đầu tiên vào Việt Nam trong năm 2018 sẽ có mặt tại Việt Nam nhưng hiện tại, những thiệt hại đầu tiên đã xuất hiện. Đại diện bán hàng của Toyota Thanh Xuân cho biết, đại lý đã phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 300 - 400 hợp đồng đặt mua xe vào tháng 1/2018.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xe-co/o-to-nhap-khau-bi-chan-duong-vao-viet-nam-370862.html