Ô tô nguyên chiếc, xe máy và rau quả nhập khẩu giảm mạnh sau 7 tháng

7 tháng năm 2020, nhập khẩu nhiều nhóm hàng cần kiềm chế nhập khẩu đã có với sự sụt giảm mạnh, như: Rau quả giảm 37,7%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 48,8%...

7 tháng 2020, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu của nước ta đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ 2019.

Bất chấp dịch bệnh Covid-19 bủa vây, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, thương mại, 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu 6,5 tỷ USD, cao hơn nhiều con số 1,98 tỷ USD cùng kỳ 2019.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình sản xuất, công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương cho thấy, tháng 7, xuất khẩu cả nước đạt 23 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước, giảm 2,9%.

Lùy kế 7 tháng 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,8%), kim ngạch nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung 7 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 6,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số gần 2 tỷ USD cùng kỳ 2019.

Trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xấp xỉ 38 tỷ USD, kế tiếp là Trung Quốc 23,5 tỷ USD; EU đạt 19,5 tỷ USD và thị trường ASEAN 12,8 tỷ USD, giảm hơn 15%.

Xuất siêu 7 tháng qua tăng mạnh, chủ yếu do nhập khẩu nhiều nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ các ngành xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, sắt thép... giảm.

Theo đó, kim ngạch nhập khẩu của nhiều loại nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất trong nước sụt giảm mạnh trong 7 tháng qua như: Vải các loại giảm 14,9%; thép các loại giảm 14,1%; chất dẻo nguyên liệu giảm 12,4%; kim loại thường giảm 12,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 15,5%; hóa chất giảm 9%; bông giảm 16,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 9,5%...

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm 17,9% trong 7 tháng năm 2020, đạt 8,5 tỷ USD, với sự sụt giảm ở các mặt hàng như: Rau quả giảm 37,7%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 48,8%; xe máy và linh kiện phụ tùng giảm 10,3%…

Về thị trường nhập khẩu: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 41,6 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, giảm 9,2%; ASEAN đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,3%; Nhật Bản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,1%; Hoa Kỳ đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,5%; EU đạt 8,3 tỷ USD, tăng 6%.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/o-to-nguyen-chiec-xe-may-va-rau-qua-nhap-khau-giam-manh-sau-7-thang-d126931.html