Châu Âu sẵn sàng cho thế hệ phi hành gia tiếp theo là phụ nữ và người khuyết tật

Cơ quan Vũ trụ châu Âu mới đây cho biết đã nhận được số lượng nộp đơn kỷ lục, hơn 20.000 người, với hy vọng trở thành thế hệ phi hành gia tiếp theo của châu Âu. Trong số này có tới hàng nghìn người là phụ nữ và người khuyết tật.

“Tôi luôn tự hào nói rằng mình là một phi hành gia và điều tôi thường nói với phụ nữ tại các hội nghị hoặc trong trường học: Hãy là chính mình”. Đây là chia sẻ của chị Claudie Haigneré, nữ phi hành gia đầu tiên của Pháp và cũng là người phụ nữ châu Âu đầu tiên đặt chân lên Trạm không gian quốc tế (ISS) năm 2001. Để thực hiện giấc mơ phi hành gia, chị Claudie Haigneré đã trải qua vô vàn khó khăn.

Claudie Haigneré, nữ phi hành gia đầu tiên của Pháp và cũng là người phụ nữ châu Âu đầu tiên đặt chân lên Trạm không gian quốc tế (ISS) năm 2001. Ảnh: NASA

Claudie Haigneré, nữ phi hành gia đầu tiên của Pháp và cũng là người phụ nữ châu Âu đầu tiên đặt chân lên Trạm không gian quốc tế (ISS) năm 2001. Ảnh: NASA

“Cũng giống như tất cả những phi hành gia khác, chúng tôi hi vọng nhân loại sẽ tiến xa hơn nữa trong công cuộc tìm kiếm kiến thức và chinh phục những thế giới mới, khám phá những hành tinh mới có thể không phải cho thế hệ của chúng ta mà chuẩn bị tương lai, cho các thế hệ tiếp theo. Chúng tôi rất vui khi mình được trở thành một phần của những nỗ lực này”.

Vũ trụ là một thế giới bí ẩn thú vị, nhưng cũng đầy rẫy hiểm nguy. Chính vì thế, trở thành một phi hành gia là điều cực kỳ không đơn giản và cho tới nay vẫn được coi là nghề của đàn ông. Để được đi vào vũ trụ, các phi hành gia đều phải trải qua một quy trình chọn lọc và huấn luyện rất phức tạp. Họ không những phải có một sức khỏe tốt mà còn phải biết phối hợp làm việc với người khác, tự tin, có khả năng chịu áp lực tốt trong môi trường đa nhiệm.

Trong lần tuyển dụng phi hành gia đầu tiên trong vòng 11 năm qua, Cơ quan vũ trụ châu Âu muốn tạo ra một cuộc cách mạng khi đặc biệt chú trọng đến sự đa dạng của hàng ngũ phi hành đoàn, với việc tìm kiếm các ứng cử viên phi hành gia là nữ giới cũng như bổ sung chính sách thu hút các phi hành gia là người khuyết tật.

Trong buổi họp công bố kết quả đợt tuyển dụng, Cơ quan Vũ trụ châu Âu hôm qua thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được cân bằng giới trong lĩnh vực này. Dù đông nhất từ trước tới nay, tăng 15% so với lần tuyển dụng gần đây nhất vào năm 2008, song số lượng ứng cử viên là phụ nữ vẫn chỉ chiếm chưa đến 1/4 trong tổng số hồ sơ đăng ký. Cuộc canh tranh rất khốc liệt. Chỉ 4 đến 6 người sẽ được chọn làm phi hành gia tiếp theo của châu Âu, cùng đội dự bị khoảng 20 người. Các ứng cử viên sẽ trải qua quá trình sàng lọc chuyên sâu kéo dài hơn 1 năm và quyết định cuối cùng dự kiến vào cuối năm 2022.

Cho đến nay, mới chỉ có 2 hai nữ phi hành gia của Cơ quan vũ trụ châu Âu thực hiện được giấc mơ vào không gian là Claudie Haignere, người Pháp và Samantha Cristoforetti, người Italy. Trên toàn cầu, trong số hơn 560 người đã chinh phục không gian, chỉ có 65 người là phụ nữ và đa số là người Mỹ. Theo Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ châu Âu Josef Aschbacher, số lượng và thành phần các ứng cử viên đã cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của phụ nữ và người khuyết tật đối với giấc mơ “chinh phục không gian”./.

Thu Hoài/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-san-sang-cho-the-he-phi-hanh-gia-tiep-theo-la-phu-nu-va-nguoi-khuyet-tat-869188.vov