Ô tô 'hết đát' trở thành 'mỏ vàng' ở Ấn Độ

Một công ty liên doanh Ấn Độ - Nhật Bản đã tìm thấy 'mỏ vàng' sau khi chính phủ nước này siết chặt các quy định về tiêu chuẩn khí thải ô tô.

10 triệu ô tô hết niên hạn trở thành kho báu đối với những đơn vị tái chế xe cũ

10 triệu ô tô hết niên hạn trở thành kho báu đối với những đơn vị tái chế xe cũ

Tập đoàn Abhishek, một nhà sản xuất túi khí và linh kiện ô tô của Ấn Độ đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực tái chế ô tô cũ.

Các bộ phận như đèn pha, đèn hậu, mui xe sẽ được tháo dỡ và phân loại để bán lại cho đối tác liên doanh phía Nhật Bản là Kaiho Industry, một công ty chuyên tái chế ô tô ở Nhật Bản, có trụ sở tại Kanazawa, tỉnh Ishikawa. Kaiho Industry là một công ty đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong việc tái chế xe cũ. Cách đây 30 năm, đây là mảng kinh doanh chính của công ty Kaiho, sau đó, đơn vị này đã mở rộng sang mảng xuất khẩu phụ tùng ô tô sau khi một doanh nhân Kuwait đến thăm Nhật Bản và mua một số lượng lớn phụ tùng ô tô cũ với giá cao. Công ty Kaiho đã thiết lập một bộ tiêu chuẩn riêng để đánh giá tình trạng của các bộ phận xe cũ và thiết lập một hệ thống tích hợp từ thu mua đến bán hàng. Hệ thống này hiện đã mở rộng đến 90 quốc gia gồm: Thái Lan, Kenya, Nigeria và Ghana...

Bộ trưởng Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc Nitin Gadkari cho biết, ngành kinh doanh tái chế xe ô tô có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Năm 2021, chính phủ Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn về loại bỏ phương tiện quá niên hạn. Theo đó, xe thương mại có niên hạn từ 15 năm trở lên và xe cá nhân trên 20 năm sẽ bị cấm lưu thông nếu không đạt tiêu chuẩn khí thải.

Trước đó, năm 2018, tòa án tối cao của nước này cũng đã phán quyết cấm ô tô không tuân thủ quy định về chất lượng khí thải chạy trên đường phố ở thủ đô New Delhi, khiến các chính quyền bang phải tự siết chặt các quy định tại địa phương. Động thái mạnh mẽ của chính quyền Ấn Độ đã khiến khoảng 10 triệu ô tô ở quốc gia này rơi vào diện "nghỉ hưu".

Liên danh Abhishek - Kaiho Recyclers chuyên tháo dỡ phương tiện đã qua sử dụng hoặc thu mua chúng từ các đại lý địa phương và bán các bộ phận còn sử dụng được cho các cửa hàng sửa chữa ô tô. Đơn vị này cũng bán thép, nhôm và các phế liệu khác thu được từ phương tiện. Những phế liệu này sẽ được tái chế để làm vật liệu xây dựng. Đại diện liên danh cho biết, mục tiêu của đơn vị là tháo dỡ từ 100 - 350 xe mỗi tháng và đặt mục tiêu doanh thu 100 triệu rupee (29,3 tỷ đồng) trong năm nay.

Năm ngoái, đơn vị nghiên cứu chất lượng không khí của Thụy Điển IQAir đã xếp New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Theo đó, điều cần thiết là phải giảm thiểu ô nhiễm không khí trong thành phố, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khí thải của phương tiện giao thông.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ, trong năm 2021, 3,65 triệu xe du lịch được sản xuất tại Ấn Độ, tăng 19% so với năm trước. Tầng lớp trung lưu Ấn Độ ngày càng có nhu cầu sắm sửa ô tô khi thu nhập của họ tăng lên. Mặc dù sản xuất ô tô đã chậm lại ở Ấn Độ do tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu, nhưng nhu cầu vẫn mạnh mẽ. Với việc chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng xe điện lên 30% tổng doanh số bán hàng vào năm 2030, số lượng ô tô đã qua sử dụng cần được thải bỏ sẽ càng nhiều hơn, trở thành "mỏ vàng" khổng lồ đối với những đơn vị tái chế xe cũ ở nước này.

Nguồn: PV (Theo asia.nikkei.com)

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/o-to-het-dat-tro-thanh-mo-vang-o-an-do-183220825110932708.htm