Ô tô điện đang 'bào mòn' các công ty bảo hiểm Trung Quốc
Sự gia tăng nhanh chóng của ô tô điện tại Trung Quốc đang tạo ra áp lực lớn cho các công ty bảo hiểm. Tỷ lệ yêu cầu bồi thường cao và chi phí sửa chữa đắt đỏ, dẫn đến tình trạng các công ty bảo hiểm thường xuyên thua lỗ…
Theo trang Caixin Global, việc Trung Quốc nhanh chóng đẩy mạnh xe năng lượng mới (NEV), đang đặt ra vấn đề lớn cho nhiều công ty bảo hiểm. Tại đất nước tỷ dân, xe năng lượng mới (NEV) là những mẫu xe được cung cấp năng lượng hoàn toàn hoặc chủ yếu bằng năng lượng điện, trong đó gồm xe thuần điện và xe lai điện xăng (PHEV).
Các quy tắc định giá nghiêm ngặt khiến các công ty bảo hiểm tại Trung Quốc không thể tăng phí bảo hiểm lên mức có lãi. Mặc dù mức phí bảo hiểm cho ô tô điện đã tăng cao.
Dữ liệu do LexisNexis Risk Solutions cung cấp, chủ sở hữu ô tô điện có khả năng nộp đơn yêu cầu bồi thường cao gấp đôi so với xe động cơ đốt trong. Đơn cử như mẫu SU7, chiếc ô tô đầu tay của gã khổng lồ công nghệ Xiaomi, có giá bán lẻ là 29.735 USD. Tuy nhiên, chi phí bảo hiểm cho mẫu xe này tương đương với chi phí bảo hiểm cho một mẫu xe động cơ đốt trong có giá gấp đôi SU7.
Các công ty bảo hiểm Trung Quốc đánh giá, khả năng chủ xe ô tô điện nộp đơn yêu cầu bồi thường trong một năm cao hơn nhiều so với ô tô chạy bằng nhiên liệu truyền thống.
Chủ tịch Viện Công nghệ Ô tô CIRI, ông Liu Shulin cho rằng, lý do khiến khả năng rủi ro của ô tô điện cao hơn là nó có thể tăng tốc nhanh hơn đáng kể so với ô tô truyền thống. Ví dụ như mẫu Tesla Model 3, có thể đạt tốc độ 100km/h chỉ trong 4,4 giây, nhanh gần gấp đôi so với một chiếc xe chạy bằng động cơ đốt trong như BMW.
Bên cạnh đó, pin của ô tô điện rất tốn kém để sửa chữa. Một số xe điện chỉ có thể được sửa chữa bởi nhà sản xuất thay vì các cửa hàng sửa chữa ô tô nói chung, điều này đã đẩy chi phí lên cao.
Người đại diện của Viện Công nghệ Ô tô CIRI cũng nói thêm, việc Trung Quốc áp dụng rộng rãi ô tô điện trong ngành công nghiệp dịch vụ vận tải có nghĩa là những chiếc xe điện có quãng đường di chuyển xa hơn mỗi năm, làm tăng thêm rủi ro và hao mòn.
Do vậy, tại đất nước tỷ dân, một số tài xế ô tô điện đã phàn nàn rằng họ không thể gia hạn hợp đồng bảo hiểm cho chiếc xe của mình vì đã đi được hơn 20.000km trong năm, tương đương với trung bình 54km mỗi ngày.
Theo dữ liệu của ngành ô tô Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, khoảng 4,7% số xe trên đường ở quốc gia này là ô tô điện, nhưng lại chiếm hơn 8% phí bảo hiểm ô tô.
Cùng với đó, số lượng xe điện được bảo hiểm ở Trung Quốc tăng vọt từ khoảng 7 triệu vào năm 2021 lên hơn 20 triệu xe vào năm 2023. Tổng phí bảo hiểm đã tăng vọt từ hơn 30 tỷ nhân dân tệ lên gần 100 tỷ nhân dân tệ.
Ô tô điện đang “bào mòn” các công ty bảo hiểm Trung Quốc khi tỷ lệ tổn thất và tỷ lệ chi phí của mặt hàng được bảo hiểm thường cao hơn 100%. Điều này có nghĩa các công ty bảo hiểm cung cấp hợp đồng bảo hiểm sẽ mất tiền.
Một công ty bảo hiểm cỡ Trung chia sẻ trên trang Caixin Global, tỷ lệ kết hợp (tỷ lệ tổn thất và tỷ lệ chi phí của mặt hàng được bảo hiểm) đối với ô tô điện hộ gia đình thường ở mức từ 105% đến 110%.
Cùng với đó, tỷ lệ kết hợp đối với ô tô điện kinh doanh dịch vụ vận tải là khoảng từ 120% đến 130%. Thậm chí, các mẫu xe tải chạy điện còn có tỷ lệ kết hợp từ 140% đến 150% và cũng có thể lên tới 200%.
Trên thực tế, các công ty bảo hiểm sẽ tránh thực hiện các giao dịch thua lỗ. Tuy nhiên, trang Caixin Global cho rằng, sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc cho ngành ô tô điện khiến điều này trở thành một thách thức.
Chính sách thúc đẩy phát triển bảo hiểm xanh do Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NFRA) Trung Quốc ban hành vào tháng 4/2024, yêu cầu các công ty bảo hiểm chủ động cung cấp bảo hiểm cho ô tô điện. Mục đích là giúp đất nước đạt được mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.
Một giải pháp được đưa ra là các công ty bảo hiểm chỉ cần tăng phí bảo hiểm cho đến khi họ có thể bắt đầu có lãi. Thế nhưng, các quy định bảo hiểm hiện tại của Trung Quốc ngăn cản điều này.
Phí bảo hiểm ô tô ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng của hệ số định giá tự chủ. Hệ số cao hơn dẫn đến phí bảo hiểm cao hơn.
Về nguyên tắc hệ số định giá tự chủ được xác định bởi công ty bảo hiểm, dựa trên các yếu tố như mẫu xe và quyền mặc cả của công ty bảo hiểm. Nhưng các cơ quan quản lý đã áp đặt một mức trần cho hệ số này, không đủ cao để các công ty bảo hiểm kiếm được lợi nhuận từ ô tô điện.