Ô tô đi lùi trên cao tốc: Phải xử nghiêm, phạt nặng để răn đe

Thời gian gần đây, tình trạng các tài xế ô tô lùi xe trên đường cao tốc hoặc quay đầu đi ngược chiều liên tục diễn ra. Chỉ vì ngại phải đi vòng lại một quãng đường mà họ đã vi phạm nghiêm trọng luật lệ giao thông. Đáng nói, đây là hành vi tham gia giao thông cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao, đe dọa tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông trên tuyến, nếu không xử nghiêm sẽ dễ dẫn đến hiện tượng nhờn luật.

Liên tục tái diễn

Liên tiếp xảy ra những vụ vi phạm như đi ngược chiều, lùi xe, quay đầu xe trên các tuyến cao tốc. Hành động này đã uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Mới đây nhất, vào chiều 28/6, xe khách giường nằm 45 chỗ biển số Lào đã đi lùi trên đường Vành đai 3 trên cao từ khu vực tòa nhà Keangnam về lối xuống siêu thị Big C (khoảng gần 2 km).

Xe container lùi và quay xe trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng gây mất an toàn giao thông. (Ảnh cắt từ clip)

Xe container lùi và quay xe trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng gây mất an toàn giao thông. (Ảnh cắt từ clip)

Trước đó, sáng 23/6, qua hệ thống camera giám sát, Công ty TNHH Một thành viên quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam-VIDIFI) đã phát hiện 3 ô tô, gồm: Một xe khách 12 chỗ biển kiểm soát tỉnh Tây Ninh, một xe 7 chỗ biển Hà Nội và một xe biển tỉnh Quảng Ninh đi lùi trên tuyến đường này.

Chưa hết, vào ngày 21/6, VIDIFI phát hiện xe ôtô biển kiểm soát 18A-15073 lùi từ làn số 2 tại lý trình Km74+300 về nút giao Quốc lộ 10 trái tuyến và suýt bị một chiếc xe bồn và một ô tô khác đâm trúng. Khoảng năm 2018, tình trạng nhiều xe đi lùi, đi ngược chiều trên cao tốc cũng được dư luận ghi nhận. Cụ thể, ngày 24/11, một xe 7 chỗ chạy lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vì… đi quá nút giao. Ngày 30/11, một chiếc 4 chỗ lùi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng vì đi quá nút giao QL 38.

Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), liên tiếp trong các ngày 23, 24/6 lực lượng chức năng đã xử lý 2 tài xế lùi xe trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ngoài ra 1 trường hợp nữa cũng đã thông báo mời chủ xe lên làm việc.

Được biết, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng, Bộ GTVT đưa ra kiến nghị điều chỉnh mức xử phạt theo chiều hướng tăng nặng đối với nhiều hành vi vi phạm trên đường cao tốc như đi ngược chiều, lùi xe...

Đây là nhóm hành vi xảy ra thường xuyên trong thời gian qua khiến dư luận rất bức xúc. Theo đề xuất điều chỉnh của Bộ GTVT, hành vi lùi xe trên đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 đến 6 tháng. Đây là mức tăng rất nặng so với quy định hiện hành bởi hiện tại, hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.2 00.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 - 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì tước GPLX từ 2 – 4 tháng.

Tương tự, hành vi điều khiển xe chạy ngược chiều trên cao tốc cũng được Bộ GTVT đề nghị tăng nặng hình thức xử phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 5 tháng. Hiện tại hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì tước GPLX từ 2 - 4 tháng. Hiện bản dự thảo trên đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp.

Mở rộng vấn đề, hiện tình trạng xe máy “lạc” vào đường cao tốc cũng đang diễn ra hết sức phức tạp. Theo Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua Phòng CSGT đã chỉ đạo, đôn đốc các tổ tuần tra kiểm soát tăng cường công tác phòng ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm đi xe máy vào đường cao tốc, đi vào đường cấm.

Đặc biệt là các khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều. Kết quả, tính riêng từ ngày 7 - 22/5, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT đã xử lý 603 trường hợp vi phạm, tạm giữ 109 phương tiện, 30 bộ giấy tờ, tước 28 giấy phép lái xe. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Đi vào đường cấm, đường ngược chiều (43 trường hợp); không đội mũ bảo hiểm: 674 (trường hợp)…

Cần phải khẳng định, hành vi như xe máy “lạc” vào đường cao tốc, ô tô đi lùi, đi ngược chiều trên cao tốc… dù với lý do gì nhưng trước hết là do sự thiếu nhận thức, cố tình vi phạm của một bộ phận tài xế. Với tốc độ cho phép tối đa là 120 km/h, nếu xảy ra va chạm trên cao tốc, hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn. Đáng nói, quanh vấn đề này, các chuyên gia về lĩnh vực giao thông và luật đều thống nhất quan điểm, việc chế tài xử phạt quá nhẹ như vậy nên không đủ sức răn đe lái xe, vì thế tình trạng đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc diễn ra ngày càng phổ biến.

Cần xử lý nghiêm

Theo tìm hiểu, đường cao tốc là một loại hình hạ tầng giao thông không còn mới, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chế tài riêng dành để xử lý các vi phạm xảy ra trên loại hình hạ tầng này. Trong khi đó, tại các nước phát triển như Singapore, người chạy xe trên cao tốc nếu không chạy đủ tốc độ quy định đều phải nhận biên lai phạt vì trở thành vật cản cho những xe đi đúng tốc độ.

Trên khía cạnh pháp lý, luật sư Phan Tiến Duy – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, pháp luật đã có quy định rõ ràng về những hành vi lùi xe trái phép trên cao tốc. Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông có những hành vi vi phạm quy định trên đường cao tốc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng.

Cụ thể, trường hợp điều khiển ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc thì theo Điểm a Khoản 8, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, sẽ bị phạt tiền từ 7 – 8 triệu đồng. Theo Điểm đ Khoản 12, Điều 5, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4 tháng đến 6 tháng…

Theo các chuyên gia về an toàn giao thông, để khắc phục tận gốc vấn đề, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chấp hành quy định về an toàn giao thông cho các lái xe, việc cần thiết là tổ chức giao thông trên cao tốc một cách tổng thể và hợp lý hơn, hoàn thiện hệ thống bản đồ số về lộ trình tuyến đường, làn đường, hệ thống biển báo… trên các tuyến đường cao tốc.

Rõ ràng, giải pháp xử lý tận gốc vấn đề này nằm ở phía cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị quản lý tuyến đường. Nói cách khác, để tránh các vụ việc tái diễn, các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền người dân, Hiệp hội Vận tải về việc chấp hành đúng quy định pháp luật cũng như các kỹ năng điều khiển xe trên đường cao tốc. Cùng lúc, cần tăng năng lực giám sát và xử phạt vi phạm, vì phạt nặng là một trong những cách tuyên truyền tốt nhất.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/o-to-di-lui-tren-cao-toc-phai-xu-nghiem-phat-nang-de-ran-de-93437.html