Ô tô cần kiểm tra gì trước chuyến đi dài dịp nghỉ lễ?

Trước mỗi chuyến đi dài, chủ xe cần chú ý kiểm tra tổng quan ô tô, chú ý dầu máy, nước làm mát và chuẩn bị cả các bộ dây câu bình, bộ kích nâng bánh xe, lốp dự phòng.

Ô tô được coi như là một người bạn đồng hành cùng tài xế trên nhiều cung đường. Bình thường, nhiều người chỉ di chuyển ô tô trong phố, đường nội đô mà ít vận hành đi xa.

Trong các dịp nghỉ lễ như 30/4 – 1/5, nhu cầu sử dụng ô tô để di chuyển trên một quãng đường dài tăng cao và mong muốn của chúng ta là sẽ có một hành trình an toàn, êm ái. Vì vậy việc kiểm tra, bảo dưỡng ô tô là điều hết sức quan trọng để có một chuyến đi an toàn.

1. Lái thử và cảm nhận

Chúng ta cần lên xe và lái thử ở các cung đường khác nhau, các dải tốc độ khác nhau và kiểm tra xem xe có các tiếng kêu hay rung ồn nào khác thường hay không. Nếu có cần đem xe đến các gara để xác định nguyên nhân và khắc phục kịp thời.

Kiểm tra độ giơ vô-lăng: đỗ xe ở vị trí đứng yên và lắc nhẹ vô-lăng, đảm bảo độ giơ vô lăng không quá lớn.

Với hệ thống phanh, để xem có ổn định hay không, người lái cần chú ý xem có phát ra tiếng kêu nào bất thường hay không.

Hệ thống treo của xe giúp giảm thiểu các tác động từ mặt đường lên thân xe (các mấp mô từ mặt đường hay các ổ gà, ổ voi) gây cho hành khách trên xe cảm giác không thoải mái, mệt mỏi trong quá trình đi đường. Chính vì thế, một hệ thống treo hoạt động bình thường sẽ giúp hành trình dài trở nên thú vị hơn.

2. Kiểm tra tổng quát bên trong khoang xe

Với các chi tiết bên trong xe, kiểm tra dây đai an toàn bằng cách kéo mạnh một lực đột ngột vào dây đai an toàn. Dây đai an toàn làm việc bình thường khi nó khựng lại không cho dây dài ra nữa.

Kiểm tra các chi tiết khác xem có hiện tượng bất thường hay không như hệ thống giải trí, hệ thống điều hòa, các đèn báo trên đồng hồ.

3. Kiểm tra tổng quát xung quanh xe

Tài xế vào trong xe nổ máy và bật tất cả các đèn xe sau đó đi xung quanh xe một vòng xem có bất kì đèn nào hư hỏng hay không.

Nhờ một người khác vào xe và đạp phanh để có thể nhìn và kiểm tra xem đèn phanh có hư hỏng gì không. Làm tương tự đối với đèn báo lùi.

Kiểm tra độ mòn của lốp xe xem đã mòn quá giá trị quy định hay chưa, kiểm tra xem có vết thủng hoặc vết nứt nào không để có thể khắc phục trước chuyến đi.

4. Kiểm tra tổng quát khoang máy

Dầu máy: Tìm một nơi đỗ xe bằng phẳng, nếu nơi đỗ xe không bằng phẳng thì đo sẽ không chính xác. Tắt máy để xe nghỉ ngơi trong 5 đến 10 phút để dầu máy có thể hồi về các-te chứa dầu.

Mở nắp ca-po kéo que thăm dầu ra khỏi động cơ và lau sạch dầu dính trên thân que thăm, sau đó cắm que thăm vào một lần nữa và rút ra nhìn mức dầu trên que thăm xem có nằm trong giá trị an toàn hay không đồng thời quan sát chất lượng dầu thông qua màu sắc dầu, nếu dầu quá đen chứng tỏ dầu máy đã quá lâu chưa được thay thế.

Dầu hộp số: đối với xe số tự động thì trong khoang động cơ có trang bị que thăm dầu, đối với các loại xe đó thì ta thăm dầu tương tự như khi thăm dầu động cơ.

Nước làm mát:

Lưu ý: Tuyệt đối không được mở nắp két nước khi động cơ đang nóng (điều này cũng được cảnh báo trên nắp két nước). Khi động cơ đang nóng, nhiệt độ và áp suất bên trong hệ thống làm mát rất cao. Khi bạn mở nắp két nước, nước nóng sẽ bắn ra ngoài và gây phỏng rất nguy hiểm. Chúng ta nên kiên nhẫn và đợi đến khi động cơ nguội để thực hiện điều này.

Hầu hết các dòng xe trên thị trường hiện nay đều có bình nước phụ, nhiệm vụ của bình nước phụ là khi nước làm mát trong động cơ nóng lên sẽ giãn nở và được chảy vào bình nước phụ, khi động cơ không hoạt động nữa thì nước làm mát sẽ nguội đi và co lại khi đó nước làm mát từ bình nước phụ sẽ được hút vào để bù lại phần thể tích bị hao hụt này.

Để kiểm tra chính xác mức nước làm mát, chúng ta nên quan sát mức nước làm mát tại bình nước phụ khi động cơ nguội (ta nên châm nước làm mát đến vạch max của bình nước phụ).

Kiểm tra ắc-quy:

Kiểm tra xem các đầu cực ắc quy có bị oxy hóa hay không bằng cách quan sát. Ngoài ra cần chú ý ngày sản xuất ắc quy. Theo nhà sản xuất thì ắc quy được khuyến cáo sử dụng trong 4 năm nhưng trên thực tế ắc quy chỉ sử dụng được trong khoảng 2 – 3 năm vì phụ thuộc vào các yếu tố khách quan bên ngoài cũng như quá trình sử dụng của người lái.

Nước rửa kính: bổ sung nước rửa kính trước mỗi hành trình xa.

Kiểm tra các hư hại bất thường khác:

Kiếm tra các vị trí rò rỉ dầu bôi trơn: khi rò rỉ dầu bôi trơn thì ta nhận biết bằng cách các vị trí đó thường có vết ướt và bám rất nhiều bụi (vì khi rò rỉ dầu bôi trơn ra thì vị trí đó rất dễ để có thể bám bụi).

Kiếm tra các vị trí rò rỉ nước làm mát, quan sát dọc theo các đường ống nước xem có vị trí rò rỉ hoặc nứt vỡ nào không. Kiểm tra các dây đai truyền động xem có hiện tượng rạn nứt hay không.

5. Chuẩn bị bộ dụng cụ hỗ trợ

Ngoài việc kiểm tra tổng thể chiếc xe, để an tâm trên hành trình dài dịp nghỉ lễ, lái xe cũng cần chuẩn bị những bộ dụng cụ hỗ trợ như dây câu bình ắc-quy, bộ kích nâng bánh xe để thay thế lốp sơ cua khi gặp sự cố hỏng lốp. Với những sự cố, hỏng hóc nặng, cần lưu ý các số điện thoại hỗ trợ hoặc các nhóm, hội người sử dụng ô tô để nhờ cứu trợ.

Xuân Đại

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/o-to-can-kiem-tra-gi-truoc-chuyen-di-dai-dip-nghi-le-post1332125.tpo