Ô tô bốc cháy dữ dội khi vào đổ xăng do tài xế quên đổ nước làm mát

Mới đây một chiếc ô tô 5 chỗ Nissan đang lùi xe vào đổ xăng thì bốc cháy dữ dội khiến nhiều người hoảng sợ. Nguyên nhân chính là do cạn nước làm mát nhưng không biết đổ.

Cháy ô tô, chết máy giữa đường vì quên đổ nước làm mát

Ngày nay, mọi người sử dụng xe ô tô đều quen với việc sử dụng nước làm mát động cơ (dung dịch có màu xanh lá cây hoặc màu đỏ) cho chiếc xe của mình. Loại nước làm mát này có tác dụng chống đông khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp và còn tăng nhiệt độ sôi của nước khi động cơ làm việc.

Hầu hết xe ô tô ngày nay đều có bình nước phụ. Khi động cơ nóng, nhiệt độ và áp suất nước trong hệ thống làm mát tăng và nước sẽ tràn qua bình nước phụ. Khi động cơ nguội, nước từ bình nước phụ sẽ được hút ngược lại hệ thống làm mát.

Nước làm mát động cơ ô tô đóng vai trò cầu nối trung chuyển nhiệt lượng từ thân động cơ ra két làm mát. Duy trì mức nước làm mát đầy đủ và thay khi cần thiết sẽ đảm bảo động cơ hoạt động tốt và bền lâu.

Chiếc ô tô Nissan bốc cháy ngay sau khi vào đổ xăng do tài xế để cạn nước làm mát. Ảnh: VTC

Chiếc ô tô Nissan bốc cháy ngay sau khi vào đổ xăng do tài xế để cạn nước làm mát. Ảnh: VTC

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành xe, nhiên liệu bị đốt cháy trong xi-lanh động cơ sẽ sinh ra một lượng nhiệt lớn. Chỉ một phần trong số đó được chuyển hóa thành công, phần còn lại sẽ tỏa ra không khí và tiếp xúc với các chi tiết máy. Nhiệt lượng còn được sinh ra do ma sát bề mặt giữa các chi tiết khác của động cơ. Nhiệt độ tăng quá cao sẽ tác động xấu đến khả năng vận hành, làm giảm tuổi thọ của động cơ, thậm chí gây ra cháy nổ.

Do vậy, nước làm mát động cơ ô tô đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp động cơ vận hành chính xác bằng cách loại bỏ nhiệt lượng dư thừa, giảm tình trạng nóng máy và tắt máy đột ngột. Chất lượng nước làm mát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hệ thống làm mát. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tài xế chỉ chú ý đến các vấn đề như dầu nhớt mà chưa dành sự quan tâm đúng mức đến nước làm mát động cơ ô tô dẫn tới những hỏa hoạn không ngờ.

Một trường hợp đáng tiếc vừa xảy ra tại Hà Nội khiến chiếc xe Nissan cháy khi đang vào đổ xăng. Cụ thể, xe ô tô 5 chỗ Nissan đang lùi xe vào đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu An Bình 2 (số 437 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) thì bốc cháy dữ dội khiến nhiều người hoảng sợ.

Ngay sau đó, nhân viên cây xăng, người dân xung quanh và lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy. Rất may, không ai bị thương nhưng phần đầu chiếc xe bị hư hỏng nặng.

Chủ của chiếc ô tô bốc cháy cho biết, ông đi từ nhà ra tới cây xăng khoảng 700m, khi vừa lùi vào cây xăng thì thấy khói bốc lên từ đầu xe. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do xe ô tô hết nước làm mát nhưng chủ xe không biết, vẫn đi dẫn đến xảy ra hỏa hoạn.

Thêm một trường hợp tương tự trước đó, chiếc Kia Morning bỗng chết máy, không khởi động được, phải gọi cứu hộ. Kết quả kiểm tra cho thấy lỗi nhỏ không ngờ nhưng tiêu tốn của chủ xe 13 triệu tiền sửa. Đó là trường hợp của một khách hàng từ Hà Nội đưa xe đến garage ô tô Lê Văn Tạch ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc bảo dưỡng.

Kỹ sư Lê Văn Tạch - chủ garage cho hay: "Chủ xe đã có lịch hẹn với anh để bảo dưỡng xe, nhưng dọc đường gặp sự cố rất đáng tiếc. Chiếc xe này bị bó máy, hỏng nặng động cơ nên phải làm lại máy và bộ hơi. Nguyên nhân là do chủ xe đã quên đổ nước làm mát. Khi kiểm tra, thấy nước làm mát chỉ còn chưa đến 200 ml trong khi yêu cầu phải là 4 lít. Đặc biệt, nước trước đây chủ xe đổ vào lại là nước lọc, không phải nước chuyên dụng".

Tác hại khi quên đổ nước làm mát cho ô tô

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, việc quên đổ nước làm mát động cơ là lỗi rất phổ biến của nhiều người sử dụng ô tô hiện nay. Có tháng, garage ô tô ghi nhận tới 20-30 khách hàng đi xe có hiện tượng này. Đối với dòng xe sang, chi phí để sửa chữa những thiệt hại do kiệt nước làm mát gây ra tại garace tư nhân có thể lên tới 50 triệu đồng, trong khi bình nước làm mát chỉ tốn của chủ xe vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Kỹ sư Tạch nhấn mạnh nếu thường xuyên kiểm tra xe, châm thêm nước làm mát chuyên dụng, chiếc xe sẽ vận hành bền và có tuổi thọ cao hơn. Bên cạnh đó, kỹ sư Tạch cũng lưu ý không nên dùng nước lã, thậm chí là nước lọc đổ vào vì trong nước lã có chứa nhiều tạp chất và khoáng chất khác như đá vôi (CaCO3), kim loại, Mg2 Khi gặp nhiệt độ cao, nước sẽ bay hơi nhanh chóng, các chất "cứng" trong nước trở thành cặn sạn đóng ở két nước, về lâu dài có thể gây tắc khiến việc tản nhiệt kém hiệu quả.

Nước làm mát cần được kiểm tra thường kiểm tra thường xuyên để đảm bảo luôn duy trì ở mức giữa vị trí “Full” và “Low” khi động cơ nguội. Tuy nhiên, nhiều người chỉ kiểm tra xem mực nước làm mát có hao hụt không để thêm vào mà không quan tâm đến chất lượng dung dịch. Mặc dù mực nước vẫn ở mức cần thiết nhưng nếu để quá lâu, nồng độ Etylene Glycol xuống thấp, dung dịch làm mát sẽ bị axit hóa, ăn mòn các linh kiện trong hệ thống. Sự tích tụ axit, rỉ sét và các chất bẩn khác sẽ làm giảm khả năng chống đông, chống sôi của dung dịch.

Do vậy, nếu không có gì bất thường, các nhà sản xuất khuyến cáo người dùng nên thay nước làm mát động cơ ô tô sau 160.000 km đầu tiên. Những lần thay tiếp theo sẽ được thực hiện sau mỗi 50.000 km. Xe cũ và các loại xe chuyên chở, tải nặng cần được thay nước làm mát thường xuyên hơn để đảm bảo động cơ vận hành tốt, giảm thiểu rủi ro. Nếu động cơ của bạn đột nhiên nóng hơn bình thường, nước làm mát không đủ hoặc kém chất lượng có thể là một nguyên nhân cần lưu ý.

Ngoài ra, nước làm mát động cơ ô tô có nhiều loại khác nhau. Sự khác biệt này là do thành phần hóa học của chất lỏng gốc và các phụ gia ức chế sự ăn mòn. Màu xanh lá cây là đặc trưng của nước làm mát thế hệ cũ. Nước làm mát thế hệ mới có màu xanh lam, đỏ, cam, vàng được sử dụng phổ biến hơn nhờ ưu điểm thân thiện với môi trường.

Cần chọn loại nước làm mát động cơ ô tô phù hợp với từng ô tô. Đối với động cơ diesel có nút bằng chất liệu silicon, không nên sử dụng loại nước màu vàng vì axit hữu cơ sẽ ăn mòn các nút này sau khi xe chạy được 130.000 - 160.000 km. Nước làm mát qua các khe hở lọt vào hệ thống bôi trơn sẽ làm hư hỏng động cơ. Lưu ý, tuyệt đối không trộn lẫn các loại dung dịch với nhau.

Dung dịch làm mát động cơ cần được pha với nước cất theo tỉ lệ 6:4. Pha quá đặc hoặc quá loãng đều sẽ có thể làm giảm chất lượng chất làm mát và các bộ phận của hệ thống. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể sử dụng nước đun sôi để nguội để thay thế nước cất nhưng sau đó cần thay lại dung dịch chuẩn ngay khi có thể.

Các chất làm mát gốc Etylene Glycol có tính độc. Chất làm mát tuần hoàn trong động cơ đã tiếp xúc với nhiều kim loại, do vậy, nước làm mát phế thải được coi là chất độc hại, không được để gần người và động vật. Việc xử lý nước làm mát phế thải phải tuân theo các quy định về môi trường.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/o-to-boc-chay-du-doi-khi-vao-do-xang-nguyen-nhan-nhieu-tai-xe-mac-d176724.html