Ở thời nào, Phụ nữ Việt Nam cũng 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'

Có thể thấy, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam gắn liền và đi sâu vào mọi mặt của đời sống con người Việt Nam. Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh hay thời kỳ nào, người phụ nữ vẫn luôn khẳng định và làm tốt vai trò của mình

Hai Bà Trưng. Ảnh internet

Hai Bà Trưng. Ảnh internet

“Con cò là cò bay lả, lả bay la

Bay từ là từ cửa phủ, bay ra là ra cánh đồng…”

Lời ru à ơi của mẹ gắn liền trong ký ức tuổi thơ của mỗi người con Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu cũng không thể nào quên được lời ru ấu thơ của mẹ. Người mẹ cũng là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tần tảo, đảm đang và luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì con.

Từ trong ca dao xưa, vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam đã được khắc họa rõ nét cả về ngoại hình:

Chân mày vòng nguyệt có duyên

Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng”

Hay vẻ đẹp tâm hồn đầy đức hy sinh:

“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Đêm năm canh chầy mẹ thức đủ vừa năm”

Nói đến người phụ nữ Việt Nam, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh người chị, người mẹ, người bà là “hậu phương” vững chắc cho “tiền tuyến”. Tuy vậy, với xã hội phong kiến xưa, thân phận người phụ nữ vẫn bị xem nhẹ bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đè nặng. Tuy vậy, ta vẫn có những người phụ nữ lỗi lạc, như Hai Bà Trưng, Lê Chân, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân... Họ là những người khiến giặc phương Bắc phải khiếp sợ, không dám hống hách, ngang ngược.

Dù cần cù, cam chịu, hy sinh là thế nhưng người phụ nữ trong xã hội xưa không thể tự mình làm chủ cuộc đời mà phải dựa dẫm vào người đàn ông. Cho dù như vậy, người phụ nữ Việt Nam dù ở bất cứ vị trí nào cũng mang trong mình phẩm chất 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Trong thời chiến, người phụ nữ Việt Nam là anh hùng chống giặc ngoại xâm kiên cường, dũng cảm. Nhiều nữ thanh niên xung phong trẻ tuổi đã tình nguyện lên đường ra tiền tuyến đóng góp công sức mình dẹp giặc ngoại xâm. Họ chiến đấu quên mình, sẵn sàng xả thân, cống hiến thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Hình ảnh mười cô gái nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã khiến biết bao người phải chạnh lòng tiếc thương, nhưng hơn cả đó là sự khâm phục và tự hào của mọi người dân đất Việt dành cho các cô. Bên cạnh những cô thanh niên tay súng tay đạn nơi chiến tuyến còn là những người mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh thành và nuôi dưỡng những thế hệ anh hùng của dân tộc. Theo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, tính đến năm 2017, cả nước có tới hơn 127 nghìn “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đây là con số biết nói cho những cống hiến, hi sinh của những người mẹ thầm lặng luôn đặt tình yêu nước lên trên cả tình yêu gia đình, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ được coi trọng hơn và tham gia vào nhiều lĩnh vực trong đời sống, có những người còn nắm giữ những chức vụ quan trọng. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới còn rất sắc sảo và thông minh. Trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều sự phân biệt giữa nam và nữ, ở các nước phương Tây, tiền lương mà nam giới kiếm được vẫn cao hơn so với nữ giới có vị trí tương đương.

Tuy nhiên ở Việt Nam, cả nam và nữ đều kiếm được thu nhập ngang nhau ở cùng một ví trí. Đôi khi, người lãnh đạo nữ được quý mếm hơn vì sự linh hoạt và khéo léo của giới. Trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đang nắm giữ vị trí Chủ tịch Quốc hội thứ 8 của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng thời bà cũng là nữ chính khách đầu tiên của Việt Nam giữ chức vụ này.

Thêm vào đó còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam, Tòng Thị Phóng, những người phụ nữ nắm giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng của đất nước. Và ngoài ra, còn có hàng trăm, hàng nghìn người phụ nữ Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí lãnh đạo của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, họ là những người không chỉ “giỏi việc nước” mà còn “đảm việc nhà”.

Người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam còn đi sâu vào đời sống tinh thần của dân tộc. Điển hình là Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, tôn thờ nữ thần, thánh mẫu, thờ mẫu tam phủ tứ phủ. Tín ngưỡng này lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo vệ và che chở cho con người. Gửi gắm trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là những mong muốn giải thoát chính mình khỏi những định kiến và ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.

Có thể thấy, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam gắn liền và đi sâu vào mọi mặt của đời sống con người Việt Nam. Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh hay thời kỳ nào, người phụ nữ vẫn luôn khẳng định và làm tốt vai trò của mình, giống như Bác Hồ đã nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Minh Hy

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/o-thoi-nao-phu-nu-viet-nam-cung-%E2%80%9Cgioi-viec-nuoc-dam-viec-nha%E2%80%9D-75199