Ðô thị trẻ nơi địa đầu Tổ quốc

Từ thành phố Hạ Long, chỉ sau gần ba giờ đồng hồ xe ô-tô chạy, chúng tôi đến thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Con đường huyết mạch dài gần 200 km uốn lượn qua những cánh rừng phủ mầu xanh ngút ngàn của cây keo tai tượng, những đồi chè trải dài, tạo cảm giác rất thanh bình và thân thiết khi đến với mảnh đất cực bắc, nơi đặt dấu mốc đầu tiên cho dải đất hình chữ S trên bản đồ của Việt Nam.

Toàn cảnh đền Xã Tắc tại TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Toàn cảnh đền Xã Tắc tại TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Từ thành phố Hạ Long, chỉ sau gần ba giờ đồng hồ xe ô-tô chạy, chúng tôi đến thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Con đường huyết mạch dài gần 200 km uốn lượn qua những cánh rừng phủ mầu xanh ngút ngàn của cây keo tai tượng, những đồi chè trải dài, tạo cảm giác rất thanh bình và thân thiết khi đến với mảnh đất cực bắc, nơi đặt dấu mốc đầu tiên cho dải đất hình chữ S trên bản đồ của Việt Nam.

Là thành phố trẻ, trung tâm thương mại phát triển năng động, Móng Cái vẫn giữ được những nét văn hóa lịch sử truyền thống, đậm bản sắc dân tộc. Lần đầu đến với Móng Cái, chúng tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu, khám phá mảnh đất nơi địa đầu đông bắc. Một trong những địa danh đầu tiên chúng tôi muốn đến là đền Xã Tắc.

Tọa lạc bên bờ Ka Long, dòng "nhất giang lưỡng quốc" nối liền hai nước láng giềng Việt Nam - Trung Quốc, đền Xã Tắc ở thành phố Móng Cái được người dân địa phương coi là "cột mốc văn hóa" khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Nơi đây còn ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của ông cha ta trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ vững chủ quyền núi sông bờ cõi; đồng thời mang đậm nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam nơi địa đầu biên cương Tổ quốc. Theo truyền thuyết, thần chủ của đền Xã Tắc là thần Xã (thần Ðất) và thần Tắc (thần Ngũ cốc). Ðất sinh ra muôn loài, ngũ cốc nuôi sống vạn vật nên trong ý thức con người từ nguyên thủy, những vị thần này có quyền lực vô biên và luôn che chở muôn dân. Việc thờ cúng hai vị thần này được hình thành từ xa xưa, trở thành nét văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam. Các triều đại phong kiến lấy việc thờ Xã Tắc làm trọng; vì thế, mỗi triều đại đều cho xây dựng những khu đền (hay đàn) để làm nơi thờ tự với ý nguyện cầu mong thần linh phù hộ cho đất đai màu mỡ, trồng trọt bội thu, no đủ quanh năm.

Trò chuyện với chúng tôi trong khuôn viên ngôi đền, cụ Bùi Ngọc Liềng, một trong những bậc cao niên ở phường Ka Long cho biết: Trước kia, đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn, gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng nam, mái lợp ngói âm dương. Trải qua thăng trầm của thời gian, thiên tai và chiến tranh, đền được trùng tu nhiều lần, bị phá hủy và được phục hồi với quy mô nhỏ sau năm 1989.

Ðể đáp ứng mong mỏi của nhân dân, năm 2009, tỉnh Quảng Ninh cho phép xây dựng lại đền khang trang, quy mô bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ðền nằm trên khu đất cao, thoáng mát với diện tích khoảng 20 nghìn m2; được xây hai tầng tám mái với những họa tiết hoa văn chạm trổ truyền thống, tinh xảo, mái lợp ngói mũi hài. Ngôi đền chính có diện tích 308 m2, xây dựng theo kiểu chữ "Công". Tại đây vẫn còn lưu giữ được ba tấm bia cổ có niên đại 1879, trên đó ghi danh những người đã góp công, góp của trùng tu, xây dựng lại đền. Từ xưa đến nay, đền Xã Tắc luôn được người dân trong vùng coi sóc, thờ phụng như một địa điểm tín ngưỡng, văn hóa linh thiêng. Dần dần, đền không chỉ mang ý nghĩa là một cơ sở thờ tự mà còn chứa đựng ý nghĩa to lớn hơn. Lệ tế Xã tắc đã vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một làng, một khu vực, trở thành ngôi đền thờ của thần non sông, đất nước đúng như ý nghĩa của cụm từ "sơn hà, xã tắc". Bởi thế, đây là nơi mà có lẽ bất kỳ ai khi tới Móng Cái đều mong muốn một lần được đặt chân đến. Ngày nay, Ðền Xã Tắc được ghi nhận là một trong những công trình không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, mà còn có ý nghĩa lớn lao về chủ quyền, lãnh thổ trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Khi những vạt nắng cuối ngày dát vàng lên ngôi Ðền Xã Tắc in bóng xuống dòng Ka Long, cũng là lúc chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá mũi Sa Vĩ hay còn gọi Mũi Gót. Chị Phạm Thị Oanh, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái, tình nguyện làm hướng dẫn viên cho đoàn trong suốt hành trình. Ðiểm du lịch văn hóa Sa Vĩ được bắt đầu bằng bức phù điêu với ba ngọn thông vươn thẳng lên cao đầy kiêu hãnh. Ðặt chân đến đây, du khách sẽ cảm thấy rất tự hào và có cảm giác như hai miền cực bắc và nam xích lại gần nhau hơn. Ðứng trên tầng cao nhất của cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, phóng tầm mắt ra xa, có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hình lưỡi liềm của bờ biển Trà Cổ dài 17 km. Tuy cực đông của Việt Nam ở tận mũi Ðiện, nhưng mũi Sa Vĩ lại là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của miền bắc. Bởi vậy, người ta thường cho rằng, được đón khoảnh khắc bình minh lên ở mũi Sa Vĩ là điều may mắn.

Móng Cái được ví như một Quảng Ninh thu nhỏ, hội tụ đầy đủ những yếu tố về vị trí, địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa và du lịch". Nhằm thu hút và giữ chân du khách ở lại lâu hơn, một trong những nỗ lực mà Móng Cái đang làm là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng thêm các tua, tuyến mới độc đáo, mang đặc trưng của địa phương. Việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh du lịch được thành phố chú trọng, tăng cường quản lý mà trọng tâm là các hoạt động lữ hành, cửa hàng lưu niệm, dịch vụ lưu trú, ăn uống phải thực hiện theo giá niêm yết, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, phòng cháy, chữa cháy và an ninh, an toàn cho du khách.

Ðến nay, thành phố có 12 điểm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, như: tuyến trung tâm thành phố Móng Cái đến bãi biển Trà Cổ, Ðài tưởng niệm Pò Hèn; các điểm du lịch: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; Ðền Xã Tắc; Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ; di tích nơi thành lập chi bộ Ðảng đầu tiên tại Móng Cái; nhà thờ Trà Cổ; chùa Xuân Lan... Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, lãnh đạo thành phố Móng Cái có nhiều giải pháp nhằm thu hút, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2017, lượng khách du lịch đến với thành phố đạt hơn 2,2 triệu lượt, tăng gần 11 lần so với năm 2008.

Năm 2018, thành phố dự kiến đón ba triệu lượt khách. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được đầu tư và có sự phát triển nhanh, bền vững. Khi tuyến cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái hoàn thành kết nối cùng tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội sẽ là điều kiện thuận lợi để Móng Cái phát triển và trở thành cực tăng trưởng kinh tế phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh.

Thành phố Móng Cái đang nỗ lực triển khai các quy hoạch chiến lược, trong đó tập trung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành trung tâm giao thương kinh tế phát triển năng động, là một trong những cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN và Ðông - Bắc Á; hợp tác khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Bài và ảnh: QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/du_lich/item/38163902-%C3%B0o-thi-tre-noi-dia-dau-to-quoc.html