Ở thành phố sắm ô tô: Khổ trăm bề

Đến nay, sau hơn 6 tháng sắm chiếc Honda City, tôi mới thấu hiểu nổi khổ khi sở hữu 'xế hộp' mà trước đây chính bản thân mình ước mơ nhưng khi có để đi rồi mới thấy 'chẳng khác nào của nợ'.

Như bao người Việt khác vốn đang nuôi ước mơ sở hữu một chiếc ô tô đi lại hàng ngày. Sau khi đi làm từ năm 2010, với mức thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, cùng với khoản tiền tiết kiệm từ việc kinh doanh, tôi bắt đầu nghĩ đến việc mua sắm cho mình chiếc ô tô.

Sở hữu ô tô mang lại nhiều thuận tiện nhưng cũng không ít "nổi khổ"

Lập gia đình cuối năm ngoái, thú thật ban đầu vợ tôi cũng khuyên “chẳng cần thiết mấy” khi cả hai chỉ đi lại làm việc trong thành phố và thỉnh thoảng mới có thời gian đi chơi xa, khi cần thiết thì gọi taxi Grab, Uber. Thế nhưng, với suy nghĩ mua ô tô đi lại cho an toàn, cho “mưa không tới mắt, nắng chẳng tới đầu” tôi vẫn quyết định hiện thực hóa giấc mơ sở hữu ô tô vốn đã ước mơ từ thời còn đi học.

Đầu năm nay, khi nhiều mẫu xe tại Việt Nam được nhà sản xuất, đại lý liên tiếp giảm giá bán. Với khoản tiền dành dụm được, sau nhiều lựa chọn cân nhắc tôi quyết định sắm chiếc Honda City. Thú thật, thời gian đầu ngồi sau vô lăng “xế hộp” cũng có chút tự hào, bởi dù gì đó cũng là ước mơ, thành quả từ công sức lao động và sự nỗ lực của chính bản thân mình.

Thế nhưng, đúng là khi chưa có thì mơ, đến lúc sở hữu rồi mới thấy chẳng khác nào của nợ. Ở thành phố sắm ô tô chỉ để đi lại mới thấy hết hàng loạt rắc rối phát sinh. Chi phí nuôi xe hàng tháng bao gồm các khoản tiền cho bãi đỗ xe, rửa xe, bảo hiểm vật chất, tiền xăng dầu, bảo dưỡng... Tính ra tổng cộng cũng vào khoảng gần 5- 7 triệu đồng mỗi tháng, đó là chưa tính các khoản phí phạt do bất cẩn vi phạm luật giao thông.

Hàng tháng người dùng ô tô phải mất vài triệu đồng cho việc "nuôi xe"

Việc lái ô tô đi lại trong thành phố, kiếm chỗ đỗ xe cũng thực sự gian nan. Thời gian đầu lái ô tô đi làm tôi mới thấu hiểu hết những nổi khổ khi sở hữu một chiếc “xế hộp”. Ngoài việc khá may mắn khi sát nhà có bãi đỗ ô tô nhưng từ khi sắm xe, mỗi sáng tôi phải đi làm sớm hơn để tránh cảnh kẹt xe, rồi phải mất thời gian cho việc đỗ xe cách chỗ làm việc khoảng 300 mét, sau đó đi bộ đến chỗ làm việc. Thế nhưng để có một suất trong bãi đỗ ô tô gần chỗ làm, mỗi tháng tôi cũng phải chi ra gần 1 triệu đồng. Đôi khi hai vợ chồng trước khi đi làm muốn ghé ăn sáng, cà phê cũng phải cân nhắc chỗ đậu ô tô bởi ở thành phố “đất xe đông” không phải chỗ nào cũng có sẳn bãi đổ xe.

Lái ô tô trong thành phố, tài xế luôn phải đối mặt với tình trạng kẹt xe

Ngoài ra, với điều kiện giao thông trong thành phố hiện nay, việc ô tô xe máy lưu thông chung nhiều tuyến đường... có những ngày tôi phải mất hàng giờ đồng hồ cho việc di chuyển từ công ty về nhà do tắc đường, kẹt xe. Chẳng những vậy, tháng trước khi đỗ xe trên một tuyến đường trong thành phố để giải quyết công việc, sau khi quay ra thì gương chiếu hậu của xe bỗng không cánh mà bay. Rắc rối trăm bề thế nên những tháng gần đây, ngoài những lúc cần kíp lắm mới phải đi ô tô, còn lại tôi đành sử dụng xe máy để quay lại với sự thuận tiện vốn có hàng ngày.

Giờ đây sau một thời gian sở hữu ô tô, dẫu biết phương tiện này vẫn mang lại nhiều tiện nghi, an toàn hơn di chuyển bằng xe máy. Thế nhưng, khi nhu cầu dùng ô tô của bản thân và gia đình cũng có giới hạn, lại sống ở một thành phố có tốc độ phương tiện lưu thông đang tăng chóng mặt, trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế thì việc sắm ô tô ở thời điểm này nên cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi chia sẻ những điều này bởi xem đó như kinh nghiệm cho những người đang nuôi ước mơ sở hữu ô tô nhưng vẫn còn băn khoăn chưa tính toán được chi phí cho việc nuôi xe hàng tháng cũng như những bất cập khi sử dụng ô tô trong thành phố có mật độ dân cư đông đúc.

Độc giả Tuấn Linh
TP.HCM

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang làm nhân viên văn phòng tại TP.HCM.

*Đóng góp bài viết về Xe - Thanh Niên xin gửi về xe@thanhnien.vn hoặc thainguyenauto360@gmail.com.

Nguồn Thế Giới Xe: https://xe.thanhnien.vn/dien-dan-xe/o-thanh-pho-sam-o-to-kho-tram-be-13630.html