Ở phố nhớ làng

Thời gian mải miết trôi đi. Mới đó, như một cú quay người, ngoảnh lại, đã một đời. Đã gần hết đời người. Bao nghĩa tình nông sâu, bao nhiêu ly hợp, tụ tan. Bao nhiêu cảnh sắc, núi, sông, ruộng đồng, chỉ còn trong quá khứ. Đến nỗi nghe tiếng mưa rơi ban chiều, cũng thấy mưa đang già đi.

Không biết từ khi nào, tôi hay nghĩ về hình ảnh quê cũ. Hay là tôi cũng như bao người đã mắc “căn bệnh hoàng hôn”? Tôi vẫn thường xuyên về quê. Ít nhất năm một lần. Vẫn nhà tôi đó, vẫn làng tôi đó. Nhưng không phải nhà tôi, làng tôi đang nhớ, đang tìm trong ký ức. Đành rằng, hình ảnh làng in khắc trong lòng tôi bởi có hình bóng cha mẹ, có tuổi thơ vô ưu bên bạn bè, có kỷ niệm những ngày sống với anh chị em ruột thịt. Những cái đó là thứ neo giữ nỗi nhớ nhung thì chắc rồi. Nhưng cái làm tôi đau đau tiếc nuối trong tim là hình ảnh làng xưa, là tình làng xưa đã không còn như xưa nữa.

Xu thế bây giờ, làng lên phố. Phố về làng. Làng quê nhỏ bé yên bình của tôi cũng đã lên phố. Không phải do bị công nghiệp hóa, thị trấn quê tôi vẫn là những dãy phố chạy theo mấy trục đường cũ. Cái làng nhỏ mang tên vị Vua áo vải của tôi đã thành khối phố. Nghe nhà mình giờ là khối mấy... thuộc thị trấn, tôi chả thấy chút tự hào mà vẫn muốn mình được gọi là dân làng Quang Trung. Dân làng tôi vẫn phải một nắng hai sương với ruộng đồng. Có chăng từ hồi lên thị trấn, quỹ đất làng tôi vốn nhỏ hẹp đã bị cắt xén gần hết. Cánh đồng trước làng đã thành bệnh viện huyện, chỉ dư lại đôi rẻo hai bên. Cánh đồng màu phía dưới làng, nơi góp phần làm trù phú cho dân quê tôi, và gắn bao kỷ niệm tốt đẹp, giờ bị chiếm làm trụ sở Nhà nước to đùng với những bức tường lạnh lùng. Nhiều lúc về quê, nhìn cánh đồng đẹp đẽ giờ như một tấm áo đẹp có mảnh vá kệch cỡm vô duyên tệ.

Cánh đồng trước nhà với vườn rau ruộng lúa nhuộm nắng vàng ươm, nơi tuổi thơ chăn bò của tôi ký giữ bao kỷ niệm, giờ đã biến mất, thay bằng bệnh viện huyện. Nhà tôi đầu làng, xưa khoáng đạt với nắng với gió đã mang cảm giác bưng bức mỗi khi trở về. Chỉ nhìn thấy bờ rào phía sau nhà người ta, không còn không gian đất trời thuở trước.

Mùi hương hoa sen trong hồ khi vào hè cũng trở nên bé mọn, quẩn quanh. Đường làng giờ phong quang, thẳng thớm như ô bàn cờ lại làm tôi nhớ những con đường đất mỗi khi mưa xuống dính bùn lên bàn chân đất bấu chặt. Mái ngói lô xô khi đứng trên ban công nhìn thấy xóm làng vẫn bình yên mà mang chút xa lạ. Đâu rồi những mái tranh quấn quýt khói bếp? Đâu rồi những hàng tre kẽo kẹt trưa hè? Đâu rồi những gốc duối, gốc vối, gốc côồng nơi bờ ao cho chúng tôi nô đùa? Tất cả đã chỉ còn trong ký ức!

Làng bây giờ nhà ai cũng xây tường, cổng sắt oai vệ. Lũy tre hay hàng rào chè tàu cắt xén công phu đã không còn. Bờ giậu có hoa bìm bìm tím cho con bướm ngây thơ, nhởn nhơ cũng đã vào dĩ vãng. Ngõ cúc tần hò hẹn, e ấp thời xưa của đôi bạn hàng xóm chỉ còn trong thơ. Cô hàng xóm có hái hoa bưởi cũng không còn e ấp gói khăn tay vạch rào sang trao cho cậu bạn hàng xóm nữa. Bây giờ, dù ở gần nhau, người ta cũng chỉ cần nhích chuột, gửi cho nhau tấm hình ảo. Lãng mạn chân chất ở làng giờ cũng ảo mất rồi. Cũng vì những bức tường ngăn cách mà làng không còn là làng. Tình làng đúng nghĩa ngày xưa đã nhạt hết mất ít nhiều.

Thời đó, làng tôi có tục mời nhau uống nước chè chát buổi sáng. Cứ mỗi nhóm gồm năm bảy nhà lân cận. Như ngầm hẹn nhau, hôm nhà này, hôm nhà kia, nấu nước chè và gọi các nhà xung quanh đến uống rồi về đi làm. Nước chè quê tôi không uống bằng ly mà uống bằng đọi (bát dùng ăn cơm) rất sảng khoái. Đọi nước chè màu vàng chanh, nóng hổi, vị chan chát, hương chè theo làn khói mỏng mơ hồ. Buổi sáng sớm, bà con hàng xóm xúm xít cùng nhau uống chén chè xanh thơm thảo. Cùng chia nhau miếng trầu tươi rói vườn nhà, mùi thuốc lào say nhẹ trong ban mai yên lành. Những buổi giao ban chè chát là nơi mọi người chia sẻ tin tức làng xóm. Chia sẻ tình cảm cho nhau. Chia sẻ một buổi ban mai bình dị. Nhưng là niềm vui, là thứ keo gắn kết nghĩa tình.

Giờ bờ rào đã ngăn lời ới nhau chè chát buổi sáng. Gần nhà, xa ngõ đã làm ngại ngần, tình làng nghĩa xóm đã vơi đi ít nhiều. Không biết trong lòng tôi tình yêu quê đã thấm vào từng mao mạch. Hay do tôi có một trí nhớ kỳ lạ từ bé. Nhưng cho đến tận giờ làng tôi trong trí nhớ vẫn như một bức vẽ chi li.

Tôi nhớ vị trí từng lối đi chui giữa các nhà. Nhớ nhà ai có cây mận, cây ổi, cây khế, cây cam, cây táo, cây thị. Và cây nào ở góc vườn nhà người ta. Nhớ cây nào hay bị trẻ con đột nhập nhất. Nhưng người lớn trong làng không vì điều đó mà cho là hành vi trộm cắp mất đạo đức. Ai cũng khoan dung cho rằng đấy là chuyện nghịch ngợm của trẻ con. Có lẽ sự đùm bọc che chở đó mà trẻ con trong làng xưa không hề bị hư hỏng. Không trở thành bọn trộm gà, bắt chó, bị tù tội vì trộm cắp.

Bây giờ, nỗi nhớ quê vẫn luôn thường trực, vẫn tay nải hăm hở về quê. Nhưng về, sông Lam còn đó vẫn xuôi dòng, nhưng ruộng bể đã hóa nương dâu. Muốn đi từng nhà thăm hỏi lại ngại ngần bức tường rào và cánh cổng. Thèm ánh trăng vàng qua ngọn tre. Nhớ những đêm theo các anh chị nghe hò đối đáp. Nhớ bụi duối đu đưa trưa hè. Nhớ những buổi sáng chè chát. Nhớ những buổi rủ nhau đi hót phân bò về gây quỹ thiếu nhi. Nhớ những đêm rủ nhau cắt trộm nếp về rang ăn trắt. Nhớ lắm nhớ nhiều ...

Hoa Mai

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/o-pho-nho-lang-302587.html