Ở nơi tiếng gõ cửa trong đêm là nỗi ám ảnh bất tận

Việc Israel trục xuất 6 gia đình Palestine khỏi nhà đã thổi bùng xung đột. Nhưng đối với người Palestine, đây chỉ là một phần những gì họ nếm trải dưới ách chiếm đóng của Israel.

Muhammad Sandouka đã xây nhà dưới chân Núi Đền, Jerusalem, từ 15 năm trước.

Ngôi nhà vừa bị phá hủy. Giới chức Israel cho rằng ngôi nhà ảnh hưởng đến tầm nhìn của du khách khi chiêm ngưỡng thành cổ Jerusalem.

Một ngày, giới chức Israel đột ngột gõ cửa nhà anh và đưa ra hai lựa chọn: Hoặc là Sandouka phải tự phá hủy ngôi nhà, hoặc chính quyền sẽ phá hủy và đòi Sandouka 10.000 USD.

Đây chính là cuộc sống của người Palestine sống trong sự chiếm đóng của Israel: Luôn phải lo sợ những tiếng gõ cửa bất ngờ.

Việc Israel trục xuất 6 gia đình Palestine khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem đã góp phần gây nên cuộc xung đột mới nhất kéo dài 11 ngày giữa Israel và lực lượng Hamas (từ ngày 10 tới 21/5). Tuy vậy, đối với 3 triệu người Palestine sống ở Gaza và Bờ Tây, đây như chuyện thường ngày. Chỉ khác là vụ việc lần này thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

 Sandouka đứng trên đống đổ nát ở nơi từng là nhà anh. Ảnh: New York Times.

Sandouka đứng trên đống đổ nát ở nơi từng là nhà anh. Ảnh: New York Times.

Hầu như sự chịu đựng và đau khổ của người Palestine dưới sự chiếm đóng của Israel không được nhắc tới. Nó diễn ra không lúc nào ngơi, kể cả khi cộng đồng quốc tế không chú ý. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên xung đột, tạo cớ cho Hamas bắn tên lửa vào Israel hay tập kích Israel qua các đường hầm. Kể cả khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, sự đau khổ vẫn còn dai dẳng.

Ngôi nhà bị phá hủy

Người Palestine gần như không thể kiếm được giấy phép xây dựng ở Đông Jerusalem. Hầu hết căn nhà được xây dựng mà không có giấy phép. Khi các viên chức thực thi pháp luật Israel gõ cửa, hình phạt thường là phá hủy.

Năm 19 tuổi, Sandouka lấy vợ và bắt đầu xây ngôi nhà của mình. Anh đã chi ra 150.000 USD.

Năm 2016, thành phố đánh số lên cổng nhà Sandouka. Dường như ngôi nhà đã được hợp pháp hóa.

Tuy vậy, dưới áp lực đòi mở rộng quyền kiểm soát đối với Bờ Tây và Đông Jerusalem của người định cư Do Thái, các quan chức Israel dần phá hủy các ngôi nhà xây không phép, với lý do xây dựng một công viên bao quanh khu thành cổ. Giờ đến lượt nhà của Sandouka.

Con trai Sandouka thu dọn đồ đạc sau khi ngôi nhà bị phá hủy. Ảnh: New York Times.

Theo quy hoạch của Israel, một phần ngôi nhà đè lên điểm dừng xe bus du lịch của thành phố trong tương lai.

Zeev Hacohen, một quan chức Israel, cho rằng việc phá hủy ngôi nhà của Sandouka là điều cần thiết nhằm xây dựng lại khung cảnh khu thành cổ “như trong Kinh Thánh”.

“Câu chuyện của từng cá nhân luôn đau đớn”, ông nói. “Nhưng các khu dân cư Palestine nhìn như thể đang ở “Thế giới thứ ba” vậy”.

Sau khi nhận được thông báo, Sandouka thuê luật sư và cầu nguyện. Tuy vậy, vài tháng sau, một người khác gõ cửa nhà anh. Vợ anh kể trong nước mắt rằng đây là một viên cảnh sát.

Tiếng gõ cửa trong đêm

Đôi khi, tiếng gõ cửa không chỉ là gõ cửa.

Ông Badr Abu Alia thức giấc lúc 2h đêm bởi tiếng ồn khi binh lính Israel tràn vào nhà người hàng xóm ở làng Al Mughrayyir bên rìa Bờ Tây.

Khi binh lính kéo sang nhà mình, ông Abu Alia một lần nữa chứng kiến cảnh tượng quen thuộc: đám trẻ bị đánh thức, tất cả bị đưa ra ngoài. Binh lính Israel thu giữ thẻ căn cước của mọi người rồi lục soát căn nhà mà không giải thích gì. Hai giờ sau, họ bỏ đi, dẫn theo một thiếu niên nhà hàng xóm. Anh ta bị bịt mắt.

Bốn ngày trước đó, ông Abu Alia đã tham gia biểu tình phản đối Israel. Trong cuộc biểu tình này, một thiếu niên Palestine bị lính bắn tỉa Israel sát hại.

Binh lính Israel ném hơi cay về phía người biểu tình Palestine ở Bờ Tây. Ảnh: New York Times.

Al Mughrayyir là một trong số ít ngôi làng vẫn giữ thông lệ biểu tình mỗi thứ sáu hàng tuần. Do các khu định cư Do Thái, dân làng không thể đến canh tác ở một phần ruộng đất của mình. Cái chết của cậu thiếu niên làm dấy lên làn sóng giận dữ mới.

Theo quân đội Israel, họ khám xét nhà của người Palestine vào ban đêm để đảm bảo an toàn. Họ tìm kiếm vũ khí nhằm kiểm soát sự chống đối của người Palestine.

Tuy nhiên, chính những cuộc khám xét đã làm bùng lên ngọn lửa chống đối.

“Con trai tôi ở trong bóng tối, sợ hãi, kêu khóc do đám binh lính, mà tôi không thể làm gì để bảo vệ nó”, ông Abu Alia tức giận kể lại. “Điều này khiến bạn muốn trả thù, để bảo vệ chính bản thân mình. Nhưng chúng tôi không có công cụ gì để tự vệ”.

Theo ông, ném đá cũng là một cách để truyền đi thông điệp. “Chúng tôi không thể cầm súng giết tất cả người định cư Do Thái. Chúng tôi chỉ có đá. Đạn có thể giết người ngay lập tức. Đá ít làm được gì, nhưng ít nhất nó truyền đi thông điệp”.

Những người định cư Do Thái cũng truyền đi thông điệp của mình. Họ đã chặt hàng trăm cây ô liu của dân làng Al Mughrayyir. Họ phá hoại xe cô, thậm chí âm mưu đốt cháy nhà thờ. Năm 2019, một người định cư bị cáo buộc bắn chết một dân làng Palestine từ đằng sau. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được xét xử.

Nỗi đau âm thầm

Một số người Palestine trải qua nỗi đau khác: Phải làm việc cho những kẻ chiếm đóng ngay trên quê hương mình.

Majed Omar từng có thu nhập ổn định khi là một công nhân xây dựng tại Israel. Tuy vậy, năm 2013, em trai anh bị binh lính Israel phát hiện và bắn vào chân khi cố gắng vượt qua hàng rào an ninh của Israel. Sau vụ việc, giấy phép lao động của Omar bị hủy bỏ do giới chức Israel lo ngại anh sẽ trả thù.

Omar phải xây nhà cho những kẻ chiếm đóng quê hương mình. Ảnh: New York Times.

Sau 14 tháng thất nghiệp, anh kiếm lại được giấy phép lao động. Tuy vậy, anh chỉ còn được làm việc ở các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Nơi đây chỉ có mức lương bằng một nửa so với chỗ làm cũ. Anh bị khám xét mỗi buổi sáng và bị bảo vệ có vũ trang giám sát cả ngày.

Tệ hơn nữa, công việc này còn khiến Omar tân trang và mở rộng các khu định cư Do Thái đang chiếm đóng mảnh đất quê hương.

“Tôi dường như đang tự đào mộ cho chính mình”, Omar nói. “Nhưng chúng tôi đang sống trong thời kỳ mà mọi người thấy sai mà vẫn làm”.

Trạm kiểm soát

Một số vụ việc có thể diễn ra nhanh chóng, nhưng để lại nhiều hậu quả trong tâm trí người dân Palestine.

Nael al-Azza là giám đốc một cơ sở cung cấp dịch vụ cứu hỏa và y tế ở thành phố Ramallah, Bờ Tây. Anh thường xuyên phải đi qua một chốt gác của quân đội Israel trên đường đi làm.

Một ngày, anh bị một binh sĩ Israel chặn lại và hỏi xem anh có vũ khí không. Anh trả lời là không. Người lính mở cửa xe để kiểm tra rồi đóng sầm cửa lại.

Al-Azza muốn phản đối. Nhưng anh dừng lại. “Quá nhiều vụ cãi vã với binh lính Israel kết thúc với việc người Palestine bị bắn”, anh nói.

Nếu không có trạm gác, Al-Azza mất chưa đến một giờ để đi từ nhà đến nơi làm việc. Tuy vậy, do trạm gác này, anh mất từ hai đến ba giờ.

Israel coi trạm gác này là cần thiết trong việc tìm kiếm các kẻ bị truy nã hay sở hữu vũ khí trái phép, cũng như cắt Bờ Tây ra làm đôi trong trường hợp có xung đột. Trong khi đó, người Palestine coi đây là điểm nghẽn, có thể tắc bất cứ lúc nào chỉ vì quyết định bất chợt của một người lính.

Al-Azza thường xuyên chịu cảnh ùn tắc khi đi qua trạm kiểm soát.

“Khi bạn bị chặn lại trên đường, khiến công việc bị ảnh hưởng, bạn cảm thấy như mình mất đi giá trị và ý nghĩa”, Al-Azza nói. Nhiều khi anh phải ngủ lại cơ quan và gọi video với các con mình.

Trạm gác cũng ảnh hưởng đến những đứa con của Al-Azza theo một cách khác.

“Tôi cố gắng không để con mình nói về xung đột”, anh nói. “Nhưng chúng thấy và trải nghiệm những điều tôi không thể giải thích. Khi ngồi trên ôtô, chúng tôi thường bật nhạc. Tuy vậy, khi đi qua trạm gác, tôi tắt nhạc đi. Ngay lập tức, lũ trẻ ngồi thẳng lên và tỏ ra lo lắng. Chúng cứ như vậy cho đến khi tôi đi qua trạm gác và bật lại nhạc”.

Những kịch bản đáng lo ngại luôn tràn ngập trong đầu Al-Azza. “Nếu xe tôi bị hỏng lốp hay hỏng máy thì sao?. Điều gì sẽ xảy ra nếu một người lính trẻ, được huấn luyện để phản ứng ngay tức khắc, hiểu nhầm đây là một mối đe dọa?”.

Tổn thương tâm lý

Ngay cả những người không trực tiếp đối mặt với quân đội Israel cũng có những khó khăn của riêng mình.

Sondos Mleitat là một người điều hành website kết nối người dân với các bác sĩ tâm lý ở thành phố Ramallah, nơi hiếm thấy bóng dáng của lính Israel. Cô nói rằng mọi người xung quanh đều đã chịu tổn thương tâm lý.

Bản thân cô cũng vậy. Năm 5 tuổi, Mleitat và em trai cùng lẩn trốn khi xe tăng Israel tiến vào thành phố Nablus quê hương. “Thằng bé nhổ lông mi của chính mình, từng chiếc một”, cô nhớ lại.

Mleitat tại văn phòng làm việc ở thành phố Ramallah. Ảnh: New York Times.

Thay vì đối mặt với những vết thương trong tâm trí, mọi người cố gắng tìm kiếm sự an toàn trong các mối quan hệ xã hội, trong tôn giáo, trên mạng xã hội. Tuy vậy, theo Mleitat, những điều này chỉ làm khoét sâu thêm vết thương của sự chiếm đóng.

“Mọi người trải qua giai đoạn giống bị “thuần hóa”. Họ đơn giản là từ bỏ và cảm thấy mình không thể làm gì”, cô nói.

Khi người chú của cô bị giết trong một cuộc biểu tình, cậu em 18 tuổi bị thúc ép kết hôn từ năm 18 tuổi để tránh số phận tương tự.

“Tuy vậy, một đất nước mà con người chỉ nghĩ đến cuộc sống ổn định sẽ không thể giành được độc lập”, Mleitat lo ngại.

“Họ sẽ nuốt chửng mọi thứ xung quanh”

Sandouka, hy vọng luật sư có thể chống lại lệnh phá dỡ nhà. “Tôi nghĩ rằng họ sẽ chỉ phạt tiền”, anh nói.

Một ngày, anh nhận được cuộc gọi đầy hoảng sợ của vợ. Cảnh sát đã đến.

“Đủ rồi. Tôi sẽ tự phá nhà”, anh nói.

Một buổi sáng thứ hai đầu tuần, Sandouka và các con trai bắt tay vào phá dỡ ngôi nhà của chính mình.

“Cái họ muốn là đất đai”, Muataz, con trai của Sandouka, nói. “Họ muốn tất cả chúng tôi rời Jerusalem.

Gia đình Sandouka cùng tự tay phá đi căn nhà của mình. Ảnh: New York Times.

Năm 2020, 119 ngôi nhà của người Palestine ở Jerusalem bị phá hủy. 79 trong số đó bị phá bởi chính chủ nhà.

Khi mọi thứ xong xuôi, Sandouka châm thuốc hút. Anh đứng lên trên đống đổ nát, gửi ảnh cho cảnh sát và ngẫm nghĩ về kế hoạch trong tương lai.

Rời khỏi Jerusalem là điều không tưởng. Tuy vậy, anh không đủ tiền để chuyển đến một chỗ ở mới ở Jerusalem.

Một người bạn của Sandouka đã cho anh ở hai căn phòng để ở tạm. Tuy vậy, vợ anh muốn một chỗ ở ổn định. “Cô ấy nói với tôi rằng nếu tôi không mua nhà, ai đi đường nấy”, anh kể.

Ánh mắt của Sandouka hướng về phía thành cổ.

“Những người này đi từng bước một”, anh nói. “Giống như con sư tử ăn một con mồi, rồi lại đến con khác. Nó sẽ nuốt chửng mọi thứ xung quanh”.

Dải Gaza tan hoang nhìn từ vệ tinh Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ thiệt hại nghiêm trọng ở Dải Gaza trong hơn 10 ngày giao tranh dữ dội.

Việt Hà

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-noi-tieng-go-cua-trong-dem-la-noi-am-anh-bat-tan-post1218578.html