Ở nơi tận cùng thế giới

Người tài xế taxi nói: 'Tôi không biết khi nào có thể trở về quê nhà' - Anh nhún vai và bắt đầu câu chuyện của mình.

Cuộc đi trốn xa xôi

Marco dùng hết số tiền cuối cùng của gia đình anh để có thể mua được vé máy bay vào Chile. Khi ấy, Venezuela đang trong những ngày mà người ta cầm hàng mớ tiền ra đường nhưng chẳng mua được gì ăn vì siêu lạm phát đã biến tiền thành giấy vụn.

Marco nghĩ ra một cách khác: đến Chile để tìm việc làm. Trên bản tin truyền hình của Chile, người dẫn chương trình nói năm 2017 có hơn 134 ngàn người Venezuela chạy đến Chile.

Và năm 2018, số lượng người Venezuela tiếp tục tăng, trở thành nhóm nhập cư đông nhất ở đây. Chiếc vé máy bay mà Marco đã bỏ cả tài sản gia đình còn lại để mua giờ được đền đáp. Anh lái Uber thuê cho một người chủ Chile có nhiều xe hơi. Anh có đủ tiền thuê nhà, và đưa cả vợ con sang.

Như nhiều người Venezuela khác, Chile là một cuộc chạy trốn không bức bối, như hàng ngàn người Nam Mỹ đang đứng chờ ở biên giới tuyệt vọng tìm cách vào Mỹ. Hơn 70% người Venezuela có thể tìm được việc làm ở Chile. Cô gái dọn phòng ở khách sạn tôi ở tên Nailet, đã tìm được việc làm tại thị trấn Constitution chỉ một tuần sau khi cô đến Chile.

Thị trấn du lịch nhỏ, yêu cầu công việc không khắc nghiệt, lại cùng nói tiếng Tây Ban Nha, Nailet nhanh chóng thấy khách sạn như gia đình thứ hai của mình và như cô nói: "Ít nhất tôi có thể ngủ mà không sợ nhà mình sẽ bị đập cửa ban đêm."

Vùng Lake District ở Chile là vùng có rất nhiều núi lửa đang hoạt động và thường xuyên xảy ra biến động địa chất, tràn nham thạch.

Vùng Lake District ở Chile là vùng có rất nhiều núi lửa đang hoạt động và thường xuyên xảy ra biến động địa chất, tràn nham thạch.

Chile nằm ở mảnh đất cuối cùng của Nam Mỹ. Hàng vạn người muốn tìm đến Mỹ để được sống "giấc mơ Mỹ", chẳng ai ngờ lại có đoàn người di chuyển theo hướng ngược lại với ý nghĩ khác: đến nơi tận cùng thế giới để mong tìm nơi sống còn không bị đe dọa.

Ở Chile những ngày này, bất cứ dịch vụ nào cũng có người Venezuela làm việc. Họ thường trò chuyện với người nước ngoài bằng chút háo hức nhưng dè chừng. Họ muốn phục vụ, muốn chứng tỏ với chủ là họ làm việc chăm chỉ và xứng đáng được sống ở đây. Nhưng họ ngần ngại khi phải bày tỏ mình đến từ Venezuela - một nơi ai nghe đến tên cũng lắc đầu đầy ngán ngại.

Ở một con phố chuyên bán phụ tùng xe hơi, cậu bé tên Wilson đã nhiệt tình sửa hết những chỗ rạn, hư nhỏ trên xe cho chúng tôi, để nhận được vài trăm peso tiền tip và được chủ chia lại % nếu bán được phụ tùng lặt vặt.

"Họ khác người Chile. Họ sẵn sàng kiếm từng trăm đồng (peso). Họ rất chăm chỉ" - Một người bạn Chile của tôi nhận định.

Người Venezuela chọn làm những công việc vất vả nhất mà người Chile sẽ lắc đầu. Họ sẽ làm thật nhanh, thật gọn, sẵn sàng chiều lòng sửa lại nếu khách chưa ưng. Họ ráng tập từng câu tiếng Anh. Như Marco, anh hỏi tôi cách nói vài câu tiếng Anh giới thiệu về Santiago cho khách du lịch đi taxi, vì nếu được đánh giá cao trên app, chủ sẽ sẵn sàng chia thêm cho anh chút tiền.

Nhưng rồi trên bản tin hàng ngày, khi tôi ngồi trong tiệm ăn, khung cảnh ở Venezuela hiện ra: thành phố tối đen vì mất điện, những đám người chạy và hò reo, đập phá, những số phận bị cuốn đi trong bất an chính trị kỳ quặc nằm ngoài sự kiểm soát của bất cứ ai.

Nailet chỉ lên màn hình và nói cả nhà cô đã chạy về nông thôn vì sợ cướp phá ban đêm. Cô không nghĩ đến ngày về Venezuela. Cô sợ cảm giác ngủ và nghe tiếng chân người chạy rầm rập trên phố, không hiểu vì nguyên do gì hay một cuộc biểu tình sắp diễn ra.

Ở thị trấn nhỏ tại Chile mà cô đang ở, mọi người tắm biển cả ngày, chèo thuyền Kayak, trò chuyện trên phố, chạy bộ và biểu diễn ca nhạc cuối ngày. Buổi chiều tối, Nailet đứng trên đường, nhảy theo một khúc nhạc của dân cowboy trong vũ hội cuối tháng hè ở thị trấn. Đó là điều đã bị quên mất ở Venezuela. Quên mất từ rất lâu.

Mỗi người Venezuela tôi gặp mang một gương mặt khác. Họ không u sầu khi đối diện công việc. Họ cố gắng để chứng tỏ với Chile và xứng đáng được chia sẻ cuộc sống bình an này. Họ biết Chile cho họ một chỗ đứng, mở cánh cửa đăng ký làm việc dễ dàng, ở lại dễ dàng, xin việc dễ dàng.

Dù sao đi nữa, Chile đang là quốc gia có nền kinh tế ổn định hàng đầu ở Nam Mỹ và họ cần thêm rất nhiều người biết làm việc. Marco kể anh có thể xin được mã số thuế [đây là giấy tờ quan trọng nhất để được làm việc tại Chile] và đã có thể cho con đi học. Anh lái taxi 10 tiếng mỗi ngày và đi dọn dẹp nhà cửa kiếm thêm sau giờ lái xe.

Nhưng như những người mất quê hương khác, Marco nói: "Cô phải đến Venezuela. Đẹp lắm. Đẹp như Chile. Nhưng giờ không đẹp lắm, chắc còn lâu lắm" - Dường như anh đang nói to lên giấc mơ được trở về quê hương với người khách xa lạ.

Dường như chính anh không thể cảm nhận được đường quay về ở bất cứ góc độ nào mỗi khi bản tin radio chuyển qua thời sự quốc tế và nói to lên như một cách lấn át nỗi sợ mù mờ đó. Dường như, với tất cả họ, trở về là con đường xa mù mịt mà họ chỉ thấy thành phố cúp điện, những cuộc ẩu đả trong đêm và đồng tiền liệng bay như giấy không thể mua được gì.

... ở tận cùng thế giới

Ông chủ hiệu bán giày ở Puerto Montt nói: "Cô đang đến nơi tận cùng thế giới."- khi ông nghe chuyến đi đến Patagonia của tôi.

Tìm đến Chile là một giấc mơ kỳ lạ. Tôi thấy mình trên mảnh xương sống dài hơn 4.000km của Chile, một đất nước dài thật dài, xa thật xa và đi tận xuống đến mặt băng ở Nam Cực.

Đến Chile và đi tìm Patagonia để nhìn thấy ở nơi xa nhất của nơi con người sống ra sao. Đến Chile để chứng kiến con người hành động và trở mình thế nào trước thiên nhiên vượt quá khả năng hiểu biết và tường tận của họ. Đó là chuyến đi mà tôi tưởng tượng trong đầu.

Cho đến khi gặp Marco, Nailet, Wilson, tôi chợt nhớ ra cái cụm từ "tận cùng thế giới" mà người ta gán cho Chile và thế giới này nhìn nhận Patagonia. Tôi đi bộ qua con phố ở thành phố cảng Puerto Montt, nhìn vào hàng trăm người đi bộ qua đường.

Họ có màu da khác, cơ thể khác, tiếng nói khác. Họ đang tìm đến Chile, nơi tận cùng Nam Mỹ - chốn tận cùng thế giới - để tìm kiếm cơ hội sống cuộc đời khác đi, thứ mà ở quê hương họ không còn tồn tại.

Patagonia lại là một "tận cùng thế giới" theo kiểu khác: Nơi thiên nhiên không bàn tay người chạm vào, những ngọn núi lửa khổng lồ gối vai nhau nhằm bao quanh hồ nước và những dòng sông lớn, hệ thực vật xanh biếc dày đặc không bị can thiệp bởi ngành trồng rừng và khai thác gỗ.

Vùng Patagonia khổng lồ đã được Doug Tompkins nhà sáng lập hãng thời trang North Face và vợ là Kristine McDivitt Tompkins cựu CEO hãng quần áo Patagonia (người Mỹ) bỏ tiền mua 10 triệu acre đất ở Patagonia chỉ để tặng lại cho chính quyền Chile với cam kết buộc phải bảo tồn chứ không khai thác.

Sau đó, thực hiện lời hứa với những "đại gia" người Mỹ yêu Patagonia, Chile đã thành lập 5 công viên quốc gia trong vùng này với thiên nhiên nguyên trạng, không khai thác du lịch, không mở đường nhựa vào gối núi hay những điểm đến mà dân du lịch ao ước chạm vào.

Patagonia là một thiên nhiên không tay người chạm vào. Những con suối và sông khổng lồ nước trong veo bấu vào nham thạch núi lửa còn mới nguyên.

Vùng Cochamo từ đáy hồ xanh thẳm vươn lên tận trời với những khối đá granite nguyên khối núi. Đó là những vực sâu hiện ra cắt hằn vào lòng đất ngay cạnh một ngọn núi vừa tạo hình đâu đó còn rất trẻ. Và dân số Chile, quá ít đến mức ta chỉ có thể gặp vài ngôi nhà trong hàng chục dặm đường xe chạy.

Ở vùng biển Constitution, miền Maule, Chile, nơi nổi tiếng với giới leo núi và chơi lướt ván vì thiên nhiên cực kỳ hoang sơ.

Vài năm trước, Patagonia trở thành mốt thời thượng của người giàu Châu Âu và Mỹ. Chile háo hức xẻ thịt bất động sản bán cho những người sẵn sàng bỏ tiền mua để sở hữu tự nhiên.

Những tấm bảng rao bán "cả đoạn sông", "vịnh biển" bán cả "bờ biển" cực kỳ phổ biến. Vậy mới thấy tham vọng sở hữu "lãnh thổ" của con người nằm ngoài cả khả năng chiếm hữu của họ. Bởi ngay cả những bãi biển đã bán rồi, căng hàng rào, chặn người vào, cũng nguyên sơ như không có người chạm tới.

Hiện trạng đó cũng là lý do khiến Doug Tompkins mua cả Patagonia chỉ để bảo tồn: để chống lại vô số hàng rào chăng ra kiểm soát thiên nhiên, để chặn bỏ những giấc mơ chiếm hữu và khai thác thiên nhiên trong veo mà "tận cùng thế giới" còn giữ được trong mỏng manh xa tít tắp.

Khi chạm vào vùng Bắc Patagonia, tôi đứng giữa một hồ nước vây quanh bởi bốn ngọn núi lửa khổng lồ. Nham thạch tràn lấp cả một con đường vài năm trước giờ đã nguội - nhưng không còn đường vào. Người ta chỉ có thể đi bộ nếu muốn nhìn thấy hồ và núi lửa.

Giấc mơ ngông cuồng của con người buộc phải dừng lại khi tự nhiên muốn chiếm hữu phần của nó. Không khoan nhượng. Không mảy may đoái hoài. Chỉ chừng một năm trước đó, người địa phương kể cả một ngôi làng bị xóa sổ khi lũ quét xảy ra ngay trên bờ nham thạch cũ. Tất cả con đường vào làng đều hỏng và chẳng ai có thể hành động gì trước bi kịch đó.

Đứng giữa những lát cắt địa chất sâu hoắm và màu đá đen thẫm từ lòng trái đất trồi lên, tôi tự hỏi về vị thế của nơi này. Một quốc gia xa thật xa với tất cả loài người. Một vùng đất mà những người không còn chọn lựa nào khác phải chạy đến kiếm tìm sự sống mới. Một thế giới mà sự sinh tồn ở rất xa nhau - nơi người ta chẳng thể làm gì khác ngoài việc dựa vào nhau để qua khỏi những bất an tự nhiên giăng bẫy.

Sự hỗn loạn ngoài kia của chính trị Nam Mỹ, của làn sóng di dân bất an dường như không thể lay chuyển nơi này. Và như những người yêu cuộc sống, nơi này đón nhận những kẻ mất quê hương cuối cùng, cho họ cơ hội làm lại cuộc đời đã bị hủy hoại đâu đó.

Bởi đây là tận cùng thế giới, nơi ta có thể ngửi thấy mùi của đá, của nước, của hoa cuối mùa hạ, của nơi dấu chân người không đủ sức cày nát tất cả và những giấc mơ ngông cuồng không thể chiếm hữu thiên nhiên khổng lồ.

Khải Đơn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/o-noi-tan-cung-the-gioi-539708/