Ở nơi này, dân trồng các loài sâm, mong đổi đời

Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tạo mọi điều kiện, ưu tiên nguồn vốn ưu đãi để giải ngân nguồn vốn kịp thời cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương. Nhiều hộ nghèo vay vốn ưu đãi đầu tư trồng các loài sâm như sâm dây, sâm đương quy, sâm Ngọc Linh mở ra hướng thoát nghèo nhanh, tiến tới làm giàu...

Chính từ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), các hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, thực hiện hóa giấc mơ thoát nghèo.

Thêm vốn làm ăn, tăng tình đoàn kết

Nhiều hộ nghèo ở Tu Mơ Rông phát triển cây dược liệu, trong đó có trồng sâm dây để thoát nghèo. Ảnh: P.N

Nhiều hộ nghèo ở Tu Mơ Rông phát triển cây dược liệu, trong đó có trồng sâm dây để thoát nghèo. Ảnh: P.N

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quang Tri - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông cho biết, trong những năm qua, đơn vị luôn bám sát chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tu Mơ Rông, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Hàng tháng, qua 11 điểm giao dịch tại xã, đơn vị cử cán bộ xuống tận xã tổ chức giao dịch, tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tiến hành giải ngân, cho vay, thu nợ… Điều đó vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho bà con vừa tạo được mối đoàn kết với cơ sở, với người vay…

“Qua việc giao dịch tại xã, chúng tôi cũng tranh thủ tiếp thu ý kiến của chính quyền địa phương cơ sở và nguyện vọng của người dân nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp với các tổ chức nhận ủy thác thường xuyên tiến hành kiểm tra việc sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn của người vay”– ông Trương Quang Tri chia sẻ.

Theo ông Trương Quang Tri, những năm gần đây, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân vay vốn, sử dụng nguồn vốn để phát triển các loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông cũng quan tâm ưu tiên cho các hộ nghèo vay vốn tập trung đầu tư vào phát triển các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương như sâm dây, sâm Ngọc Linh và sâm đương quy… Nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần tăng số hộ thoát nghèo trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông qua từng năm, cụ thể năm 2016 có 365 hộ thoát nghèo, năm 2017 có 401 hộ thoát nghèo…

Sâm mọc lên nhờ vốn ưu đãi

Theo chân cán bộ xã Ngọc Lây, chúng tôi đến thăm gia đình chị Y Blút ở thôn Tu Bung (xã Ngọc Lây) và được chị cho biết, đầu năm 2016, chị vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông. Có vốn, chị đầu tư vào trồng 4 sào sâm dây và 2 sào sâm đương quy. Sau 2 năm, đến nay, ngoài việc trả xong số tiền vay trên, gia đình chị còn có chút tích lũy. Nhờ đó gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định hơn, đời sống đỡ vất vả, khó khăn hơn xưa.

Gia đình anh A Mốc (thôn Măng Rương 1, xã Ngọc Lây) cũng vay vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư vào sản xuất và đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Trước đây, kinh tế gia đình A Mốc chỉ dựa vào nương rẫy, trồng mì, hiệu quả không cao. Được tổ Tiết kiệm và vay vốn của thôn bình xét, ủy thác cho vay 50 triệu từ Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông, gia đình A Mốc đã đầu tư vào trồng cà phê, đến nay đã cho thu hoạch. Nguồn vốn còn lại anh mua trồng 2 sào sâm đương quy và sâm dây. Mỗi năm gia đình anh cũng thu về vài chục triệu đồng tiền lãi.

“Năm vừa qua, riêng từ đương quy, gia đình tôi cũng thu được 30 triệu, cộng thêm đó là hơn 1.500 cây cà phê thu được hơn 4 tấn cũng có vài chục triệu. Đó là chưa kể thu từ sâm dây. Nhờ vốn từ Ngân hàng CSXH huyện mà đến nay cuộc sống gia đình tôi đã có nhiều đổi thay, đời sống ổn định và thoát khỏi hộ nghèo” - A Mốc bộc bạch với tôi.

Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết: Đến nay, tổng dư nợ vốn tín dụng Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã trên 10 tỷ đồng với 2 tổ chức chính trị xã hội của địa phương nhận ủy thác là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, quản lý 11 tổ Tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự mang lại hiệu quả, giúp người dân có tiền đầu tư vào mua giống cây trồng phát triển sản xuất qua đó góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo…

Phúc Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/o-noi-nay-dan-trong-cac-loai-sam-mong-doi-doi-958907.html